Đơn vị:

Gián - Cách phòng chống

Gián không phải là côn trùng vận nhiễm của một bệnh riêng biệt. Chúng chỉ gây phiền phức và truyền bệnh một cách rủi ro theo phương pháp cơ giới, hầu hết là các bệnh đường ruột như tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn, hay gây ngộ độc hoặc truyền bệnh sán do Hymenolepis nana và Hymenolepis diminuta…

Gián - Cách phòng chống

Đa số gián sống ở những chỗ trú thiên nhiên ngoài rừng cây, nhưng có khoảng 4 loại trở thành gián nhà: chúng xâm nhập gia cư, quán ăn, khách sạn, kho chứa thực phẩm, cơ sở thương mại hoặc chỗ tương tự có thức ăn và ấm áp. Chúng ăn rất khỏe và tấn công hầu hết rau cỏ, thực vật. Gián thường hoạt động về đêm. Ở trong nhà, chỗ trú ngụ của gián là lỗ, hang, chỗ nứt nẻ của vách tường. Gián tiết ra một chất làm thực phẩm bị nhiễm có mùi hôi.

Gián thuộc bộ Orthoptera, họ Blattidae. Côn trùng thuộc bộ này là gián, dế, cào cào … Gián có những đặc điểm sau:

- Bộ phận miệng dùng để nhai

- 02 đôi cánh: đôi cánh trên trông giống như được cấu tạo bằng da với các gân cánh rõ rệt; đôi cánh dưới mỏng, xếp thành hình quạt khi khộng bay.

Gián thường sinh sống ở những vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới. Gián rất dễ nhận biết vì chúng có thân hình bầu dục, dẹp, râu dài như sợi chỉ. Gián có 3 đôi chân dùng để đi hoặc chạy. Đầu dính liền với phần ngực trước và cong xuống, do đó bộ phận miệng được đưa về giữa 2 chân trước.

Gián có đời sống khá dài và một chu kỳ sinh sản tuần tự (gradual metamorphosis) trải qua 3 giai đoạn: trứng, ấu trùng (nymph) và gián trưởng thành.

- Trứng: trứng là một bọc nhỏ (ootheca), sắp xếp thành 2 hàng song song. Số lượng trứng trong một bọc tùy theo loài gián. Bọc trứng rất dễ nhận thấy khi nó sắp được gián để vào nơi thuận tiện. Loài gián Đức (Blattellagermanica) mang bọc trứng trên mình (1 hoặc 2 tháng) đến khi nở thành gián con.

- Ấu trùng (nymph): trông giống như gián trưởng thành nhưng không có cánh; chúng trải qua nhiều giai đoạn thoát xác để trưởng thành (tối thiểu 5 giai đoạn). Giống đực và cái chỉ nhận biết được ở giai đoạn thoát xác sau cùng.

Ấu trùng dể nhận biết được nhờ nhìn vào phần đốt cuối của bụng gián: ngoài bộ phận gọi là “cerci” cả 2 giống đều có, gián đực có thêm 2 “styli” nằm giữa 2 “cerci”. Thời gian phát triển từ trứng đến con trưởng thành có thể kéo dài từ 2-3 tháng có khi đến hơn một năm.

Phòng trừ gián

Vệ sinh toàn cảnh là quan trọng cho nên cân phải chứa, hủy rác, thức ăn thừa hợp vệ sinh và nên phá hủy, vứt bỏ những vật dụng không dùng, bịt kín những lỗ hang, kẽ hở nơi gián thường trú ngụ, sinh sản.

Dùng thuốc diệt côn trùng dưới hình thức phun bụi thuốc hoặc đánh bã tại các nơi gián trú ngụ, không áp dụng việc phun tổng quát. Có thể sử dụng một trong các lọai thuốc sau:

-Thuốc thuộc nhóm chlor hữu cơ (OC): Chlordan 3% (phun) hoặc 6% (bụi thuốc),Dieldrine 0,5% (phun) hoặc 1% (bụi thuốc), Kepone 0,125% đánh bã…

-Các loại Carbamate (C) như: Baygon (aprocarb) 1% phun hoặc 2% đánh bã, chất này rất hiệu quả với gián.

-Loại thuộc nhóm lân hũu cơ (OP): Diazinon 0,5% (phun) hoặc 1% (bụi), Malathion 1-5% phun hoặc bụi….

-Loại thuộc nhóm Pyrethroid (PY): Deltamethrin 1%CS, 25WP, Lambdacyhalothrin 10%WP…

Riêng loài gián Đức (Blattella germanica) có đặc tính kháng thuốc tự nhiên (innate resistance) đối với các hợp chất thuộc nhóm OC, vì thế chỉ nên dùng các hợp chất khác để phòng trừ.