Ngày 11/6/2023, bệnh viện Bà Rịa tiếp nhận cấp cứu người bệnh bàn tay đứt lìa, đau nhiều, kích thích, da niêm nhợt, vã mồ hôi. Trước khi được đưa đến bệnh viện Bà Rịa, người bệnh đã được sơ cứu, cầm máu và bàn tay đứt đã được ngâm trong thùng đá.
Người bệnh là anh P.D.P, sinh năm 1983, địa chỉ Xã Hoà Hiệp, Huyện Xuyên Mộc, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tìm hiểu, người bệnh bị người khác chém bằng mã tấu vào cổ tay trái, ngay sau nhát chém bàn tay đứt rời khỏi cổ tay.
Sau khi xử lí cấp cứu và hội chẩn với Ban lãnh đạo, người bệnh được tiến hành mổ cấp cứu. Trải qua gần 5 giờ phẫu thuật, bàn tay đứt lìa đã được nối lại, bàn tay và các ngón tay ấm hồng, gấp duỗi các ngón tay được và đúng động tác.
Phẫu thuật nối lại bàn tay là một phẫu thuật phức tạp. Ê-kíp và các bác sĩ đã kết hợp các xương cổ tay, khâu lại bao khớp cổ tay, khâu nối mạch máu, khâu nối thần kinh, khâu nối lại toàn bộ gân gấp và gân duỗi (gồm 22 gân) cho cổ tay và 5 ngón tay, khâu da che phủ vết thương. Trong phẫu thuật có ứng dụng kỹ thuật vi phẫu cho nối mạch máu và nối thần kinh. Gồm nối 2 động mạch chính: động mạch quay và động mạch trụ; 3 tĩnh mạch; và 3 thần kinh chính: thần kinh quay, thần kinh trụ và thần kinh giữa.
Các bác sĩ bệnh viện Bà Rịa cho biết, đây là trường hợp tận dụng tốt thời gian vàng trong đứt lìa chi, ứng dụng kỹ thuật cao trong phẫu thuật.
Ngày 13/6/2023, người bệnh tỉnh táo, sức khoẻ ổn định, bàn tay nối ấm hồng, gấp duỗi các ngón tay được, còn sưng ít, vết thương khô.
Hình ảnh ca phẫu thuật
Bàn tay trước mổ
Bàn tay sau mổ
Bệnh viện Bà Rịa khuyến cáo người dân khi bị đứt lìa chi thể cần: băng ép cầm máu phần mỏm cụt (phần còn dính với cơ thể ) có thể ga-rô phần chi có vết thương, phần đứt lìa phải dùng vải sạch bao bọc lại bỏ vào túi nylon và đặt vào thùng đá (tránh tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh), và sau đó chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu để càng lâu thì sẽ mất đi thời gian vàng để nối lại chi thể, và sẽ để lại hậu quả không tốt sau khi nối, đôi khi không thể nối lại chi thể do để quá lâu.