Nhóm được thành lập cuối năm 2008 do kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức khởi xướng, hoạt động ngày càng mạnh mẽ, năng động. Nhiều năm nay, ngày chủ nhật tươi hồng luôn được anh và nhóm bạn ưu tiên giành cho nhiếp ảnh. Nhóm có khoảng chục anh, chị, em thường rủ nhau khám phá một địa danh định trước. Chương trình hoặc là mời tham gia cùng hoặc là đến tận nhà các chuyên gia giỏi đến nói chuyện về ảnh, những kinh nghiệm, trải nghiệm cũng như một cách truyền lửa đam mê...
Để rồi, ngày Di sản văn hóa Việt Nam năm nay, kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức đã “chơi trội” khi tung ra bộ sưu tập ảnh di sản khủng của mình trên trang cá nhân. Với sự công bố này, một lần nữa Nguyễn Phú Đức kêu gọi, vận động cả cộng đồng nâng cao ý thức ứng xử đúng, trân trọng và cao hơn, cùng chung tay bảo vệ di sản.

Một lần nữa Nguyễn Phú Đức kêu gọi, vận động cả cộng đồng nâng cao ý thức ứng xử đúng, trân trọng và cao hơn, cùng chung tay bảo vệ di sản.
Quan niệm, cái nên lưu lại nhiều nhất chính là cái gần gũi nhất, nơi người ta đặt nhiều yêu thương thông hiểu nhất. Chính vì lẽ đó mà chỉ tính riêng Hà Nội, nơi gia đình Nguyễn Phú Đức sinh sống, kho ảnh di sản của anh chiếm dung lượng lớn, được tập hợp thành từng bộ chủ đề: bộ cổng làng với khoảng 300 tấm, bộ ảnh cầu, bộ ảnh cửa ô, bộ ảnh kiến trúc khu phố cổ, bộ ảnh kiến trúc khu phố Pháp, tứ trấn Thăng Long... Ngoài ra, anh công bố thêm các bộ ảnh của 21 thành cổ, 14 văn, thánh miếu, 25 tháp Chăm riêng biệt, 27 làng nghề, tứ huyệt đạo của Việt Nam, bốn điểm cực của Tổ quốc, bộ tứ bất tử Việt Nam và các bộ ảnh về các nước ASEAN, bộ ảnh phong cảnh khắp 63 tỉnh thành cả nước... Những tác phẩm của Nguyễn Phú Đức không chỉ nhiều về số lượng, giới chuyên môn đánh giá cao bởi mỗi bức ảnh đều chứa hàm lượng thông tin cao, thể hiện sự lăn lộn tìm tòi trong quá trình lao động của anh. Là kiến trúc sư, cách nhìn về ảnh, những gì thể hiện trên tác phẩm đều mang dấu ấn nghề nghiệp khá đặc biệt.
Di sản đô thị với tính chất biểu hiện hình thái đặc trưng của không gian đô thị, bảo vệ ký ức, trí nhớ của mỗi đô thị. Chính quan niệm này, nhiều năm nay, Nguyễn Phú Đức cần mẫn đi nhiều nơi để chụp, ghi lại những khuôn hình. Anh không coi việc chụp ảnh là một cuộc dạo chơi, mà luôn ý thức đó là công việc nghiêm túc. Chính vì thế, chụp ảnh được anh thực hiện cần mẫn, say mê, nhưng bằng ý thức trách nhiệm cao. Mỗi một bức ảnh anh chụp mang ý nghĩa là một thông tin, dữ liệu, tư liệu về kiến trúc, về văn hóa, được ghi lại bằng ngôn ngữ hình ảnh.
Khuôn viên tầng ba Hàng Da Galleria (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trưng bày các tác phẩm ảnh của 12 tay máy cùng tham dự hội chợ nhiếp ảnh Vietnamphotofair. Nguyễn Phú Đức đóng góp hơn chục bức. Anh rất vui vì nhiều bức trong số đó đã được đặt mua ngay sau buổi khai mạc hội chợ. Chia sẻ cảm nghĩ của một người nhiều năm cầm máy, anh cho rằng vấn đề tác quyền ảnh hiện nay đang được quản lý hết sức lỏng lẻo. Người ta ngang nhiên sao chép, in phóng ảnh, ngang nhiên đóng khung treo khắp nơi bất chấp vấn đề bản quyền. Các thành viên tham gia hội chợ nhiếp ảnh lần này mong muốn góp tiếng nói mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của người cầm máy.
Đảm nhận nhiều vai trò, vừa là kiến trúc sư, vừa là quản lý di sản, vừa tham gia công tác giảng dạy, bản thân anh luôn cần phải đọc nhiều, am hiểu về nó. Chia sẻ về việc chụp ảnh di sản, Nguyễn Phú Đức cho rằng, đối với anh, ban đầu đơn thuần chỉ là một cách làm tư liệu bằng hình ảnh, có tính chất minh hoạ để phục vụ cho công việc chuyên môn của mình. Trước mỗi đề tài theo đuổi, anh đều dựng thành câu chuyện, có chủ đề triển khai theo một mạch tư duy. Mỗi một bức ảnh có một đời sống riêng, một vai trò nhất định trong tổng thể cả một bộ ảnh. Thí dụ như quan tâm đến một ngôi làng, bao giờ cũng đặt các dữ liệu trong một thiết chế làng cố định: cổng, đường độc đạo, chùa, đình, đền, miếu mạo, đặc biệt là nhà truyền thống của vùng đó. Trong những chuyến “săn” di sản, không ít lần anh rơi vào trạng thái ngỡ ngàng, nuối tiếc trước sự thay đổi, biến dạng của hiện trạng di sản. Anh cho rằng, di sản ở một góc độ nào đó chính là trí nhớ của đô thị. Di sản cần được nhìn nhận và đánh giá trong một tổng thể chung, cần được đặt đúng chỗ của nó. Di sản hiện phần lớn đang được đối xử, xem xét dưới góc độ cá thể để xếp hạng và bảo tồn chứ chưa tạo được sự xâu chuỗi, liên kết trong một tương quan chung, tương tác khu vực. Chính điều này một phần tạo nên sự không liền mạch khi nhìn di sản trong tổng thể chung.
Nói rằng, Nguyễn Phú Đức rất có duyên với các giải thưởng ảnh, không sai. Tuy nhiên, từ quan niệm về nhiếp ảnh không phải là thứ đèm đẹp mà trên hết, mỗi bức ảnh đã lưu lại được thời khắc, giá trị thông tin mà bức ảnh toát được, tác phẩm của anh đã làm được điều đó và được ghi nhận. Mới đây nhất, trong cuộc thi Giải thưởng nhiếp ảnh Heritage - Hành trình di sản 2015, Nguyễn Phú Đức đã đoạt giải nhất cho bộ ảnh Các Văn Miếu ở miền bắc, đã thêm một lần đánh dấu sự ghi nhận.