Trong 12 con giáp, chỉ có rồng là con vật huyền thoại và đã trở thành biểu tượng của quyền lực, sức mạnh với phẩm hạnh cao quý và vẻ đẹp tuyệt mỹ trong văn hóa phương Đông.
Quy tụ sức mạnh của muôn loài
Trong cuốn sách Văn hóa nguyên thủy (Primitive Culture, Edward Tylor, 1871, được xem là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên cho khoa học văn hóa trên thế giới), có chương XIX viết về Thuyết vật linh. Edward Tylor đã nhắc đến việc thờ cúng cũng như sự sùng bái động vật của các bộ tộc cổ xưa. Trong đó, tác giả đặc biệt nhấn mạnh về tục thờ rắn, cũng như vị trí đặc biệt của loài vật này trong các tôn giáo lớn trên thế giới.
"Tôtem" Rắn được nhắc đến trong sách là một trong những tiền đề cho giả thuyết: Rồng có nguồn gốc từ huyền thoại về vật tổ Rắn trong văn hóa cổ xưa?"Một con rắn lớn đã bảo vệ thành Athènes và hàng tháng được cúng mật ong. Thổ thần La Mã đã hiện lên dưới hình ảnh một con rắn lớn. Ở người Phổ thời cổ đã từng có sự thờ rắn và tập quán nuôi rắn trong nhà. Cho đến nay, trong những truyện cổ tích cho trẻ con, có nói tới một con rắn vàng đến uống sữa trong chiếc cốc dành cho trẻ con..." - Edward Tylor viết (trích trang 698-699, nhà xuất bản Tri Thức). Con rắn trong thế giới huyền thoại ấy sau này trở thành biểu trưng cho sự vĩnh hằng.
Trong nỗ lực tìm kiếm và giải thích nguồn cội về loài rồng trong tâm thức văn hóa phương Đông, một số nhà nghiên cứu để ngỏ giả thuyết: Hình tượng rồng có thể bắt nguồn từ Tôtem Rắn cổ xưa (Totemisme: thờ vật tổ).
Rồng trong văn hóa phương Tây có lúc được miêu tả là: "con rắn có thêm 4 chân thú, đầu ngựa, đuôi linh cẩu..."; khi là con vật "phát ra ánh sáng, mắt sáng như lửa, miệng thè ra chiếc lưỡi ba đầu"...
Tuy vậy, biểu tượng rồng trong văn hóa phương Tây và phương Đông có những ý nghĩa khác nhau. Ảnh: mô hình Rồng ở Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024Trong văn hóa phương Đông, hình tượng rồng qua trí tưởng tượng cùng ý nghĩa biểu tượng về loài vật huyền thoại này phong phú, khác biệt hơn phương Tây. Rồng là biểu tượng cho sự cao quý, quyền lực, sức mạnh tuyệt đối của vua chúa phong kiến, đồng thời cũng biểu trưng cho hạnh phúc thịnh vượng, sự vươn lên và rất gần gũi trong tâm thức của cư dân nông nghiệp.
Nghiên cứu về Biểu tượng Rồng và các diễn ngôn tư tưởng văn hóa Đông Á, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ từng đúc kết về hình tượng rồng trong văn hóa Trung Hoa, với một số đặc điểm quy tụ thành "tam đình cửu tự". Đó là: loài vật có 3 phần đầu, thân, đuôi và 9 nét đặc trưng: sừng giống nai, đầu giống đà, mắt giống thỏ, thân giống rắn, bụng giống trâu, vảy giống cá, ngón chân giống chim, chân giống hổ và tai giống bò.
Kiến trúc rồng ở Điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: hoangthanhthanglong.comRồng Trung Hoa là biểu tượng của vua. Trong khi đó, rồng ở Hàn Quốc là biểu tượng cho giai cấp quân chủ. Còn rồng ở Nhật Bản lại chứa đựng ý nghĩa của chiến thắng và công chính. Riêng ở Việt Nam, rồng thể hiện tính đa dạng cao trong tâm thức văn hóa Việt, từ là biểu tượng quyền lực của triều đình đến sự gần gũi trong văn hóa dân gian.
Hình ảnh rồng trên trống đồng Đông Sơn được miêu tả là "con rắn nước, nằm ngửa bụng hình con thuyền". Trong một giả thuyết khác, rồng được cho rằng có nguồn gốc từ cá sấu, hoặc giao long. Trong Lĩnh Nam chích quái, phần Truyện họ Hồng Bàng có chi tiết Lạc Long Quân dạy dân xăm mình lên ngực để tránh bị giao long làm hại.
Văn hóa Việt Nam có tính linh hoạt, dung hợp và thống nhất trong đa dạng. Qua quá trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa, cũng như trải qua các thời kỳ lịch sử, hình tượng rồng trong văn hóa dân gian Việt Nam càng phong phú, kỳ ảo và mang nhiều tầng ý nghĩa hơn.
Bức tranh vẽ hình ảnh Lạc Long Quân - Âu Cơ chia nhau "50 con lên rừng, 50 con xuống biển". Ảnh: internetPhẩm hạnh bậc nhất của loài vật đứng đầu "Tứ linh"
Không chỉ là vật linh huyền thoại với những biểu tượng cao quý, rồng - loài vật đứng đầu Tứ linh với Long, Lân, Quy, Phụng - còn có vị trí hết sức đặc biệt trong văn hóa Việt Nam. Rồng được xem là cội nguồn của dân tộc Việt "nòi giống Lạc Hồng bốn nghìn năm..."
Câu chuyện Con Rồng cháu Tiên đã kể với bao đời về "bọc trăm trứng" của mẹ Âu Cơ. Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại rằng, khi Lạc Long Quân (Sùng Lãm) lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con, đã nói với Âu Cơ rằng: "Ta là giống Rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống Tiên, sống ở trên đất...".
Tranh vẽ Lạc Long quân chiến đấu với giao long, trong truyện Lĩnh nam chích quái.Trong văn hóa Việt, rồng cũng là biểu tượng quyền lực của vua chúa qua các triều đại, đồng thời thể hiện khát vọng phồn vinh, hưng thịnh của đất nước, và sức mạnh, lòng quả cảm của dân tộc Việt. "Thăng Long" là tên gọi biểu thị cho hình ảnh "rồng bay lên".
Tương truyền, năm 1009, khi vua Lý Công Uẩn dời kinh đô Hoa Lư đến Đại La thì thấy rồng bay, nên đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Rồng thời Lý đã trở thành một biểu tượng đặc biệt trong nghiên cứu văn hóa.
Trải qua ngàn năm văn hiến, dù hình ảnh rồng đã có nhiều biến đổi về chi tiết trong trí tưởng tượng vô hạn của con người, thì biểu tượng rồng vẫn vẹn nguyên phẩm cách cao quý, thiêng liêng và trở thành hình ảnh gần gũi trong tâm thức Việt. Rồng đi vào đời sống văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước rất tự nhiên.
Trò chơi "Rồng rắn lên mây" xuất hiện trong sách Tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức.Thành ngữ - tục ngữ về rồng có: Cá gặp nước, rồng gặp mây, Cá chép hóa rồng, Chạm rồng trổ phượng, Rồng đến nhà tôm, Ăn như rồng cuốn... Trong kho tàng ca dao, hình tượng rồng còn được xuất hiện đa nghĩa hơn: "Rồng đen lấy nước thì mưa / Rồng trắng lấy nước thì vua đi cày...", "Mấy khi rồng gặp mây đây / Để rồng than thở với mây vài lời...", "Phận gái lấy được chồng khôn / Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng...".
Trò chơi dân gian của trẻ em có Rồng rắn lên mây: "Rồng rắn lên mây / Có cái cây lúc lắc / Có ông chủ ở nhà không?"... Trong bài đồng dao chúc Tết của trẻ con xưa cũng xuất hiện hình ảnh rồng - như một biểu tượng của hạnh phúc, viên mãn, trường thọ, cát tường:
Súc sắc súc sẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào
Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu
Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ...
Lục Diệp