Đơn vị:

Các dạng viên uống đặc biệt và lưu ý khi sử dụng - BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

Có thể nói rằng đường uống là đường đưa thuốc vào cơ thể đơn giản và thuận tiện nhất cho người sử dụng. Tuy nhiên, các thuốc viên uống lại rất đa dạng về mặt bào chế nhằm các mục đích khác nhau nên cách dùng sẽ không giống nhau mặc dù chúng tương đồng về hình dạng.

Việc dùng thuốc không đúng cách có thể làm mất hoặc giảm tác dụng của thuốc hoặc gây ra độc tính cho người sử dụng. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng một số dạng thuốc viên uống đặc biệt đang được lưu hành trên thị trường

Viên giải phóng dược chất kéo dài

Là dạng thuốc có bao một lớp màng mỏng đặc biệt hoặc có khung trơ (matrix) chứa thuốc giúp phóng thích dược chất từ từ để cho tác dụng kéo dài.

Ưu điểm của dạng thuốc này là giải phóng dược chất suốt 12 hoặc 24 giờ giúp giảm số lần dùng thuốc trong ngày, giúp người dùng dễ tuân thủ hơn.Vì vậy, nếu cấu trúc của thuốc bị thay đổi do bị nghiền nhỏ hoặc bẻ đôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ giải phóng dược chất và gây ra các tác dụng không mong muốn và nguy cơ ngộ độc do quá liều. Dấu hiệu nhận biết đối với thuốc này là tên thuốc có các từ ký hiệu tại Bảng 1:

Ví dụ một số biệt dược có tên GLUCOPHAGE XR (metformin), Voltaren SR 75mg (diclofenac), Xatral XL 10mg (alfuzosin 10mg), Diamicron MR 30mg (gliclazid), Staclazid MR 60mg (gliclazid)…

Viên bao tan trong ruột

Dược chất được bao phủ thêm bởi một lớp màng được gọi là màng bao tan trong ruột. Chức năng của màng này là để bảo vệ hoạt chất bên trong không tiếp xúc với acid dịch vị trong dạ dày. Lớp màng này sẽ tan ra tại ruột non và giải phóng thuốc cho quá trình hấp thu.

Mục đích của dạng thuốc này là ngăn ngừa dược chất bị phân hủy trong môi trường acid của dạ dày chẳng hạn như các thuốc kháng tiết acid dạ dày gồm các hoạt chất như esomeprazole, rabeprazole… hay ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày, gây hại cho niêm mạc dạ dày như aspirin. Nếu người uống tự ý chia đôi thuốc, nghiền nhỏ hoặc nhai thuốc, khi đó, cấu trúc của lớp màng bảo vệ bị phá vỡ, dẫn đến mất tác dụng của thuốc hoặc có thể gây kích ứng làm đau dạ dày.

Viên nhai

Viên nén được dùng bằng cách nhai viên trong miệng trước khi nuốt nhằm tạo tác dụng nhanh. Nhận biết trong Tờ hướng dẫn sử dụng trong hộp thuốc.

Viên sủi

Loại viên này cần được hòa tan trong nước trước khi uống. Viên thuốc thường có kích thước lớn, không được bẻ nhỏ viên sủi cho vào miệng uống.

Viên nén phân tán trong nước

Là loại viên được dùng bằng cách phân tán viên thuốc trong một ít nước, viên thường có kích thước nhỏ và cần lượng nước để hòa tan ít hơn viên sủi. Viên phân tán trước khi uống nên dược chất được hấp thu nhanh, thuận tiện cho người khó nuốt, người già và trẻ em.

Viên ngậm dưới lưỡi

Với những viên thuốc đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan cần đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được bẻ đôi, bẻ nhỏ viên thuốc, nếu làm như vậy thì sẽ phá vỡ cấu trúc nguyên vẹn của thuốc, làm hỏng dạng thuốc.

Viên bao nhằm che giấu mùi vị đắng, khó chịu của dược chất

Là thuốc phải uống nguyên viên vì nếu bẻ nhỏ, nghiền nát, người uống sẽ không chịu được mùi vị khó chịu của dược chất. Không nên nhai, nghiền những viên thuốc mà dược chất có vị đắng khó chịu như kháng sinh cefuroxim, ciprofloxacin…

Lời khuyên

Ngày nay với công nghệ sản xuất thuốc phát triển, ngày càng nhiều dạng bào chế đặc biệt nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị của thuốc. Việc dùng thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị của thuốc. Chính vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người dùng thuốc cần biết rõ dạng thuốc và cách dùng để đạt được kết quả tốt nhất. Do đó, người sử dụng không nên tự ý chia nhỏ thuốc, nghiền nhỏ thuốc hoặc sử dụng không đúng như hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc nhân viên y tế.

DS. Lê Tuyết Mai - Khoa dược BV Bệnh Nhiệt đới