Đơn vị:

Con cái ghẻ (Sarcoptes scabiei) là con gì? Đặc điểm hình thể ra sao?

Con cái ghẻ là nguyên nhân khiến hơn 400 triệu người mắc bệnh ghẻ mỗi năm (Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới - WHO). Vậy con cái ghẻ là con gì? Đặc điểm hình thể ra sao? Cùng tìm hiểu thông qua chia sẻ của Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư, khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để biết thêm về con cái ghẻ.

con cái ghẻ

Con cái ghẻ là gì?

Con cái ghẻ (Sarcoptes scabiei) là một loài ký sinh trùng dạng bọ ve, thuộc lớp động vật chân đốt Arachnida, phân lớp Acari, họ Sarcoptidae, có kích thước siêu nhỏ, chúng chui vào da để ký sinh và gây ghẻ. Chúng còn được biết đến với các tên gọi khác nhau như ve ghẻ, ghẻ ngứa, ghẻ nước,…

Ve Sarcoptes scabiei có thể sống ký sinh trong lớp biểu bì da con người và nhiều động vật có vú khác. Cái ghẻ được tìm thấy trên khắp thế giới và rất dễ lây lan từ người sang người thông qua tiếp xúc da kề da thông thường. (1)

Cái ghẻ ký sinh trên da bằng cách chui vào lớp trên nhưng không bao giờ chui xuống dưới lớp sừng. Sau đó bắt đầu đào hang, các hang xuất hiện dưới dạng những đường ngoằn ngoèo nhỏ nhô lên, có màu xám hoặc màu da và có thể dài từ 1cm trở lên.

Các chủng ve ghẻ khác gây nhiễm trùng ở các động vật có vú như mèo nhà, chó, heo và ngựa. Các chủng ve tìm thấy trên các động vật có thể lây nhiễm tự giới hạn ở người, nghĩa là chúng vẫn gây các triệu chứng như ngứa tạm thời do viêm da nhưng số lượng ký sinh trùng sẽ không nhân lên.

hình ảnh con ký sinh trùng sarcoptes scabiei
Hình ảnh con ký sinh trùng Sarcoptes scabiei (ve ghẻ) dưới kính hiển vi

Đặc điểm hình thể con cái ghẻ ra sao?

Đặc điểm hình thể của con cái ghẻ là một ký sinh trùng kích thước rất nhỏ, con cái dài 0,30 - 0,45 mm và rộng 0,25 - 0,35 mm, con đực có kích thước nhỏ hơn ½ con cái, cho nên bọ ve chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Cái ghẻ có thân hình bầu dục giống như rùa, bụng phẳng và lưng nhô lên, có vây. Trên người cái ghẻ các gai cứng, chúng phân bố ở trên lưng, 2 bên hông, các gai biểu bì và các đường biểu bì thô, có gờ ngang.

Cái ghẻ có 8 chân, tất cả các chân của cả con cái và con đực đều ngắn và mập mạp. Các chân III và IV của con cái và chân III của con đực kết thúc bằng lông dài. Tất cả các đoạn cuối của chân đều có móng vuốt. Móng vuốt giống như cựa xuất hiện ở các đoạn cuối của chân I, II, III và IV của con cái và 1 móng ở chân IV đối với con đực. Các móng vuốt này giúp cái ghẻ dễ dàng đào hang và ký sinh trên da.

Ve ghẻ Sarcoptes scabiei sinh sản bằng cách đẻ trứng, 1 con ve ghẻ giống cái mỗi ngày đẻ khoảng 1 - 5 trứng, có khoảng 10% số trứng sẽ nở thành ấu trùng và phát triển thành ve ghẻ, tiếp tục ký sinh trên da. Hai chân trước của ve ghẻ có giác hút puvilli, giúp chúng di chuyển dễ dàng.

Hình ảnh cái ghẻ dưới kính hiển vi

Hình ảnh chi tiết về cái ghẻ dưới kính hiển vi.

con cái ghẻ có dạng hình bầu dục
Hình 1: Con cái ghẻ có dạng hình bầu dục với 8 chân ngắn và mập mạp
mật độ ve ghẻ rất cao
Hình 2: Mật độ ve ghẻ rất cao trên một mẫu da nhỏ được soi chiếu dưới kính hiển vi
hai cá thể ký sinh trùng cái ghẻ đực và cái
Hình 3: Hai cá thể ký sinh trùng cái ghẻ đực và cái, con cái to gấp đôi con đực
trứng của cái ghẻ dưới kính hiển vi
Hình 4: Trứng của cái ghẻ dưới kính hiển vi

Con cái ghẻ sống ở môi trường nào?

Con cái ghẻ sống ký sinh trên da người và các môi trường ẩm thấp, vệ sinh kém, tập trung chủ yếu khu vực đông dân cư, thiếu nước sinh hoạt. Môi trường mà cái ghẻ ưa thích bao gồm:

  • Lớp sừng trên da người: là lớp ngoài cùng của da, cái ghẻ đào hang chui xuống bên dưới da và ký sinh ngay trên lớp sừng. Những tế bào chết tại đây cung cấp cho chúng nguồn thức ăn dồi dào.
  • Nơi ẩm thấp, nhiệt độ ấm áp: trong điều kiện ẩm thấp, nhiệt độ ấm áp, cái ghẻ phát triển và sinh sản rất mạnh. Chính vì vậy, những vùng da có nếp gấp, dễ ứ đọng mồ hôi như kẽ ngón tay, chân, nách, bộ phận sinh dục,… dễ bị ghẻ ký sinh.
  • Quần áo, chăn màn, ga giường,…: cái ghẻ hoặc trứng có thể ký sinh trên quần áo, chăn màn, ga giường, khăn,… của người bệnh, từ đó lây lan sang người khác.

Vòng đời phát triển của cái ghẻ sống được bao lâu?

Vòng đời phát triển của cái ghẻ kéo dài từ 1 - 2 tháng, trải qua 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và ve ghẻ trưởng thành. Sau khi đã đào hang và ký sinh trên da, ve ghẻ cái đẻ từ 1 - 5 trứng mỗi ngày. Trứng có hình bầu dục, dài 0,10 - 0,15 mm và nở sau 3 - 4 ngày.

Sau khi trứng nở thành ấu trùng sẽ di chuyển lên bề mặt da và chui xuống lớp sừng còn nguyên vẹn ở vùng da khác để đào hang và phát triển, ấu trùng sẽ tiêu thụ phần tế bào chết trên lớp sừng của da. Giai đoạn ấu trùng nở ra từ trứng chúng chỉ có 3 đôi chân và mất khoảng 3 - 4 ngày để ấu trùng phát triển thành nhộng.

Sau khi ấu trùng lột xác sẽ biến thành nhộng với 4 đôi chân. Trước khi trở thành ve ghẻ trưởng thành, nhộng cần khoảng 2 lần lột xác từ nhộng thành nhộng với kích thước lớn hơn, sau đó mới thành cái ghẻ trưởng thành. Ấu trùng và nhộng có thể được tìm thấy trong các hang hoặc trong nang lông, vẻ ngoài của ấu trùng và nhộng gần giống với ghẻ trưởng thành, nhưng có kích thước nhỏ hơn và thường chưa phát triển đủ 8 chân.

Bọ ve trưởng thành có hình tròn, không có mắt. Con cái dài 0,30 - 0,45 mm và rộng 0,25 - 0,35 mm, còn con đực có kích thước lớn hơn ½ kích thước con cái. Sau khi trưởng thành, ve ghẻ bắt đầu quá trình sinh sản để tạo ra thế hệ tiếp theo. Giao phối xảy ra sau khi con đực xâm nhập vào hang của con cái trưởng thành. Việc giao phối chỉ diễn ra 1 lần và khiến con cái có khả năng sinh sản trong suốt quãng đời còn lại.

Những con cái đã mang thai để lại hang cũ và lang thang trên bề mặt da cho đến khi tìm được vị trí thích hợp để làm hang vĩnh viễn. Khi ở trên bề mặt da, ve bám vào da bằng cách sử dụng các puvilli giống như giác hút gắn vào 2 cặp chân trước. Khi con ve cái đã thụ thai tìm được một vị trí thích hợp, nó bắt đầu đào hang với các đường ngoằn ngoèo đặc trưng và đẻ trứng.

Sau khi ve cái đã được thụ thai chui vào da, nó vẫn ở đó và tiếp tục kéo dài hang và đẻ trứng cho đến hết đời. Trong điều kiện thuận lợi nhất, khoảng 10% số trứng sẽ phát triển thành ve trưởng thành. Con đực hiếm khi được nhìn thấy, chúng tạo ra những hang nông, tạm thời trên da để kiếm ăn cho đến khi tìm được hang của con cái và giao phối.

vòng đời phát triển của con cái ghẻ
Vòng đời phát triển của con cái ghẻ

Con cái ghẻ di chuyển bằng cách nào?

Con cái ghẻ di chuyển bằng các chân trên da, 2 cặp chân trước của ghẻ có các giác hút puvilli, giúp chúng có thể bám vào và di chuyển trên da người một cách dễ dàng. Cả con ghẻ cái và con đực đều có đủ 8 chân, đoạn cuối của chân đều có móng vuốt, điều này vừa giúp ve ghẻ di chuyển và giúp chúng đào hang để ký sinh dưới da.

Tỉ lệ khả năng nhiễm cái ghẻ

Tỷ lệ khả năng nhiễm ghẻ cái ghẻ ước tính từ 1 - 10% trên phạm vi toàn cầu. Riêng đối với các quốc gia nhiệt đới, các nước đang phát triển, điều kiện sống còn chưa được đảm bảo, tỷ lệ nhiễm cái ghẻ có thể lên đến 50 - 80%.

Bọ ve gây ghẻ rất dễ bám vào, ký sinh và lây lan từ người sang người. Ai cũng có khả năng bị cái ghẻ ký sinh, một người bị ghẻ ký sinh có thể lây cho người khác ngay cả khi bản thân họ không có bất kỳ triệu chứng nào.

Cái ghẻ có nguy hiểm không? Gây hại như thế nào?

Cái ghẻ thường không nguy hiểm nhưng cần được điều trị đúng cách để loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng gây bệnh. Ghẻ là bệnh về da phổ biến và dễ lây lan trên diện rộng. Với các tình trạng nhiễm ghẻ thông thường có thể không đe dọa tính mạng hay sức khỏe người bệnh.

Nhưng nếu không được điều trị đúng cách, loại bỏ hoàn toàn bọ ve, bệnh ghẻ thông thường có thể tiến triển thành vẻ đóng vảy (ghẻ Na Uy), gây phồng rộp, dễ để lại sẹo,… và nhiều tác hại khác như:

  • Lở loét diện rộng trên da.
  • Nhiễm trùng máu.
  • Các vấn đề về tim mạch.
  • Vấn đề về sức khỏe thận.
  • Lây lan nhanh chóng cho những người xung quanh.

>Có thể bạn chưa biết: Ghẻ nước, ghẻ phỏng

Triệu chứng nhiễm cái ghẻ ở người

Sau khi cái ghẻ chui vào da, cần có thời gian để phát triển các triệu chứng. Nếu đã từng bị ghẻ trước, triệu chứng có thể xuất hiện từ 1 - 4 ngày sau khi nhiễm ghẻ. Khi một người chưa bị ghẻ, cơ thể cần thời gian để phát triển phản ứng với con ve. Có thể mất từ 2 - 6 tuần để phát triển các triệu chứng, các triệu chứng bao gồm: (2)

  • Ngứa dữ dội, đặc biệt vào ban đêm.
  • Phát ban (sẩn), có màu đỏ, màu da,… nếu có làn da tối màu, người bệnh có thể không nhìn thấy phát ban, tuy nhiên vẫn cảm nhận được chúng vì rất ngứa.
  • Ve ghẻ đào hang và đẻ trứng trên da, để lại những đường có dấu chấm ở một đầu.

Phát ban có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, nhưng phổ biến nhất là ở giữa các ngón tay. Phát ban sau đó có thể lan rộng và biến thành những đốm nhỏ. Sẩn ghẻ thường lan rộng khắp cơ thể, ngoại trừ đầu và cổ. Tuy nhiên, người lớn tuổi và trẻ nhỏ có thể bị phát ban ở đầu, cổ, lòng bàn tay và lòng bàn chân.

Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu đôi khi có thể mắc một loại bệnh ghẻ hiếm gặp và rất dễ lây lan là bệnh ghẻ vảy hay ghẻ Na Uy. Triệu chứng chính là phát ban đóng vảy, bong tróc, thường ảnh hưởng đến khuỷu tay, đầu gối, bàn tay và bàn chân.

triệu chứng ghẻ trên da
Triệu chứng ghẻ trên da

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đến gặp bác sĩ để được kiểm tra vết phát ban và tìm ra con cái ghẻ nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ghẻ, đặc biệt là phát ban và ngứa dữ dội. Bác sĩ sẽ kiểm tra và đánh giá tình trạng nhiễm ký sinh trùng trên da người bệnh, có lựa chọn điều trị phù hợp.

Khi một người được chẩn đoán mắc ghẻ, bác sĩ có thể yêu cầu những người từng tiếp xúc gần da, người thân sống cùng gia đình của họ kiểm tra bệnh ghẻ. Vì con cái ghẻ có thể lây lan ngay cả khi người bệnh chưa có bất kỳ triệu chứng nào.

Hướng dẫn cách bắt con cái ghẻ hiệu quả

Không có cách nào để bắt được con cái ghẻ, vì ký sinh trùng cái ghẻ Sarcoptes scabiei có kích thước rất nhỏ, chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi, cho nên không thể bắt được chúng. Có thể nhiều người vẫn hiểu lầm rằng điều trị con cái ghẻ chính là bắt con cái ghẻ ra khỏi da.

Nhưng thật ra không phải, Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú CKI Trần Nguyễn Anh Thư cho biết, không có cách nào có thể bóc tách hoặc bắt con cái ghẻ ra khỏi da hiệu quả. Bác sĩ chỉ có thể điều trị bệnh ghẻ bằng kháng sinh đường uống hoặc thuốc bôi ngoài da, để tiêu diệt con cái ghẻ, trứng và cả ấu trùng của chúng.

Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể lựa chọn điều trị bằng kháng sinh đường uống hoặc kem bôi ngoài da có chứa các thành phần như: Permethrin 5%, Diethylphtalat, lưu huỳnh hoặc thuốc điều trị loại Ivermectin. Liều lượng và loại thuốc cụ thể cần được tuân thủ sử dụng khi có đơn thuốc, chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh nhiễm cái ghẻ không được tự ý mua và sử dụng thuốc điều trị ghẻ tại nhà. Các loại thuốc điều trị tại nhà tuy có thể làm giảm triệu chứng, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng Sarcoptes scabiei. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tái phát bệnh, lây nhiễm bọ ve trên diện rộng,

Một số câu hỏi liên quan

1. Cái ghẻ chết ở nhiệt độ bao nhiêu?

Cái ghẻ chết ở nhiệt độ 60 độ C. Cho nên, đối với quần áo, ga giường, khăn,… của người bệnh, bác sĩ thường khuyên nên giặt ở nhiệt độ hoặc ngâm ở 80 - 90 độ C trong 5 phút để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn ký sinh trùng và ấu trùng của chúng.

2. Cái ghẻ ký sinh ở đâu?

Cái ghẻ ký sinh ở dưới da người, phía trên lớp sừng, chúng ăn những tế bào chết trên da người, trưởng thành và tiếp tục sinh sản, ký sinh gây bệnh và lây nhiễm. Vì vậy, khi điều trị ghẻ, bác sĩ cần đảm bảo phải loại bỏ hoàn toàn cái ghẻ, ấu trùng và trứng của chúng.

Điều trị con cái ghẻ Sarcoptes scabiei tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh với đội ngũ bác sĩ là những chuyên gia hàng đầu, sẽ giúp người bệnh nhanh chóng chẩn đoán tình hình bệnh ghẻ hiện tại, lên phác đồ điều trị loại bỏ hoàn toàn ký sinh trùng bệnh và giải quyết các vấn đề về Da liễu - Thẩm mỹ Da khác.

Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ đã giúp bạn hiểu về con cái ghẻ (Sarcoptes scabiei) - ký sinh trùng gây bệnh ghẻ, một bệnh về da phổ biến hiện nay. Nắm được đặc điểm hình thể, vòng đời sinh trưởng, biết được ký sinh trùng này có thật sự nguy hiểm không? Quan trọng hơn hết, cần điều trị và ngăn ngừa bệnh ghẻ lây lan đúng cách.