Đơn vị:

Hoài sơn (củ mài) là gì? Tác dụng của nó đối với sức khỏe

Dân gian có củ mài (hoài sơn) là cây mọc hoang có nhiều tác dụng với sức khỏe con người. Vậy hoài sơn (củ mài) là gì và tác dụng của nó là gì, hãy cùng theo dõi ở bài viết sau đây.

Ngày nay, củ mài (hoài sơn) là thảo dược quen thuộc với nhiều người. Với công dụng bồi bổ, tốt cho sức khỏe, nó được dùng trong y học cổ truyền nhiều năm qua. Bạn hãy đọc bài viết sau để biết rõ hơn về hoài sơn cũng như những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe của chúng ta.

1Hoài sơn là gì?

Đặc điểm hình thái của hoài sơn

Hoài sơn trước và sau khi chế biến

Hoài sơn còn được biết đến với tên là củ mài, củ chụp hay khoai mài. Nó mọc hoang ở rừng các tỉnh miền núi phía bắc, tập trung ở Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Ninh. Trên thế giới nó có ở khu vực Đông và Đông Nam Á.

Đây là loài thảo dược dây leo, thân nhẵn, hơi góc cạnh, màu hồng. Lá hình tim, mọc so le. Hoa mọc thành cụm bông, màu vàng.

Ở hoài sơn, bộ phận dùng là rễ củ, mọc đơn độc hoặc từng đôi, ăn sâu vào đất khó đào có thể dài đến hàng mét. Mặt ngoài có màu xám nâu, bên trong có bột màu trắng, phần trên mặt đất ở kẽ lá đôi khi có những củ con nhỏ.

Nó được thu hái từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, khi phần cây trên mặt đất đã lụi. Nhân dân thu hái về rửa sạch, gọt vỏ sau đó phơi hoặc sấy khô để dùng dần. Sau khi chế biến, hoài sơn có hình trụ tròn dài 8 - 20 cm, đường kính 1 - 3 cm, mặt ngoài trắng hay ngà vàng, vết bẻ có nhiều bột, không có xơ, rắn chắc, không mùi vị.

Sau thu hoạch và chế biến, cần bảo quản hoài sơn ở nơi khô ráo thoáng mát, để tránh ẩm mốc, sâu bọ.

Thành phần hóa học của hoài sơn

Hoài sơn có nhiều vitamin C và khoáng chất vi lượng

Trong hoài sơn có chứa tinh bột 63,25%, lipid 0,45%, protein 6,75%, 2 - 2,8% chất nhầy.

Ngoài ra, hoài sơn có thêm các thành phần khác như dioscin, allantoin, saponin có nhân sterol, cholin cùng hàng loạt các axit amin, các men oxy hóa, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng khác.

2Tác dụng của hoài sơn đối với sức khỏe

Trong y học cổ truyền

Hoài sơn được dùng nhiều trong y học cổ truyền

Theo như y học cổ truyền, hoài sơn có tác dụng bổ thận, bổ phổi, mạnh tỳ vị, tân sinh dịch, giữ sinh khí.

Điều trị các bệnh như tiêu hóa kém, tả lỵ lâu ngày, suy nhược cơ thể, ho lâu ngày yếu mệt, đái rắt, đái tháo miệng khát, di tinh, phụ nữ khí hư.

Trong y học hiện đại

Hoài sơn cũng có nhiều tác dụng trong y học hiện đại

Trong y học hiện đại, hoài sơn trị các bệnh sau:

- Suy sinh dưỡng, suy nhược cơ thể

- Hỗ trợ tiêu hóa, chữa bệnh khó tiêu

- Tăng cường tuần hoàn máu

- Hỗ trợ kiểm soát đường huyết ở người bệnh tiểu đường

3Liều dùng của hoài sơn

Hoài sơn ở dạng viên cần uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Theo dược điển Việt Nam V, hoài sơn được dùng với lượng 12 - 30g/ ngày, ở dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Riêng hoài sơn có trong các sản phẩm đã phân liều sẵn như viên nang, viên nén,… bạn cần dùng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ, người có chuyên môn về sức khỏe.

4Lưu ý khi dùng hoài sơn

Phụ nữ bị ung nang buồng trứng, u xơ tử cung nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng hoài sơn

Để sử dụng hoài sơn an toàn và hiệu quả hơn, bạn nên lưu tâm một số điều sau đây

- Dù hoài sơn có thể dùng như một loại củ để ăn hàng ngày, nhưng nếu bạn đang dùng thuốc, đặc biệt là thuốc mãn tính. Bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng nó thường xuyên.

- Củ mài hoạt động như một loại estrogen nhẹ (hormon sinh dục trong cơ thể người), nên nếu bạn đang dùng thuốc có nguồn gốc từ hormon như thuốc tránh thai, corticoid,… thì cần lưu ý khi dùng chung hoài sơn với các loại thuốc này.

- Phụ nữ bị bệnh u xơ tử cung, u nang buồn trứng,… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng hoài sơn.

Bạn thấy đấy, hoài sơn tuy là thảo dược mọc hoang có nhiều ở nước ta, nhưng những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe không hề nhỏ. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về hoài sơn, đồng thời biết được những tác dụng mà nó mang lại cho sức khỏe con người.

Nguồn: thuocdantoc, suckhoedoisong, Dược điển Việt Nam V