Nếu như mật ong thường có vị ngọt với màu nâu cánh gián hoặc màu vàng đặc trưng thì loại mật ong có màu đen, vị hơi đắng trở nên khá mới lạ với nhiều người.
Đây được coi là đặc sản hiếm có của vùng đất Tây Nguyên. Loại mật này chỉ có ở vùng núi cao, trên đỉnh Ngọc Linh từ độ cao 1.400m so với mực nước biển, rất khó khai thác. Thêm nữa, tổ mật ong đắng thường rất nhỏ, cho sản lượng mật ít nên chúng luôn được người sành ăn săn lùng mỗi khi đến mùa.
Chị Kiều Thị Thủy - một đầu mối bán mật ong rừng ở Kon Tum - cho biết, trong số các loại mật ong rừng thì mật ong đen từ hoa sâm Ngọc Linh, có vị đắng là hiếm hơn cả. Mỗi năm chỉ có vài chục lít nên chị để dành bán lẻ cho khách quen sành ăn, chứ không có nhiều để giao cho mối buôn.
Loại mật ong đen đang có giá vô cùng đắt đỏ, được nhiều người tìm mua về dùng (ảnh: Phạm Tươi)Theo chị Thủy, sở dĩ loại mật ong này có màu đen, vị hơi đắng là bởi được khai thác từ con ong hút mật cây hoa sâm Ngọc Linh - loài hoa vốn có vị ngọt thơm, đắng nhẹ - và một số cây dược liệu quý khác tại vùng núi này. Từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm hoa sâm Ngọc Linh nở rộ cũng là lúc người dân trong bản kéo nhau đi khai thác mật.
Năm nay, do thời tiết nắng nhiều, mưa ít, hoa sâm Ngọc Linh không nhiều như mọi năm nên lượng mật ong khai thác được chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Tính từ đầu vụ đến nay, chị mới gom được khoảng 60 lít mật ong đắng của người dân trong bản.
“Hiện mật ong này tôi bán lẻ 900.000-1,2 triệu đồng/lít, đắt hơn so với mật ong hoa cà phê hay mật ong khoái, nhưng khách quen đặt trước gần hết. Từ cuối tháng 6 trở đi là bước sang mùa mưa, mật ong cũng hết mùa”, chị nói.
Anh Trần Văn Trường - một đầu mối khác chuyên bán dược liệu ở Kon Tum - cũng chia sẻ, từ lâu vùng núi Ngọc Linh là nơi sinh trưởng của loài sâm quý hiếm, được người dân dùng để bồi bổ và chữa bệnh. Vì vậy, mật của hoa sâm Ngọc Linh luôn được săn lùng, thậm chí cả mùa mới gom được một vài lít để dùng trong gia đình chứ không có để bán.
Những năm gần đây, để lấy được mật, người dân phải lặn lội trong rừng sâu núi thẳm. Hơn nữa, tổ mật ong này thường rất nhỏ, chỉ cho khoảng 300-600ml mật/tổ/năm, do vậy gom lâu mới có 1-2 lít. Tính ra, mỗi mùa anh Trường chỉ thu gom được vài chục lít mật ong sâm Ngọc Linh.
“Vừa rồi tôi có 2 lít mật ong đắng nhưng đã có khách quen ở ngoài Bắc đặt mua từ trước với giá 1 triệu đồng/lít. Hàng có bao nhiêu là hết sạch, thậm chí có tiền chưa chắc đã mua được”. Anh nói và cho biết, mật ong đã vào cuối mùa, nhiều khách đã hẹn đặt hàng tôi từ bây giờ cho mùa mật sang năm.
Mật ong được khai thác từ vùng núi Ngọc Linh có màu đen, sậm hơn so với các loại mật ong khác (Phạm Tươi) Lượng mất ong này không nhiều nên rất khó mua (ảnh: Tuan Hung)Bên cạnh tên gọi mật ong hoa sâm Ngọc Linh, nhiều người còn gọi là mật ong đắng tuy vậy không phải vị đắng ngắt mà người ăn sẽ cảm thấy đắng nhẹ nơi đầu lưỡi, sau đó có vị ngọt thanh, thơm mát nơi cuống họng giống như đang ăn sâm vậy, anh Trường cho hay.
Song, do loại mật này ngày càng quý hiếm, vì vậy người tiêu dùng cần thận trọng khi mua bởi có thể mối buôn sẽ trà trộn các loại hoa khác cũng có vị đắng quảng cáo thành mật ong hoa sâm Ngọc Linh; hoặc mật ong bị pha, không phải mật nguyên chất nhưng bán với giá khá đắt đỏ, anh Trường nói thêm.
Là một người khá sành về mật ong nên năm nào chị Phùng Thị Thu Lý ở Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đặt mua mật ong đắng, hay mật ong hoa sâm Ngọc Linh, tận trong Tây Nguyên để bồi bổ sức khỏe cho cả nhà.
Chị Lý chia sẻ, mật ong này càng ăn càng ngọt thanh mát giống như khi ăn sâm, chỉ hơi đắng thanh lúc đầu, giúp tăng cường sức đề kháng, thể lực, giải độc, giảm đau, sát khuẩn, tốt cho da và sắc đẹp phụ nữ. Tuy vậy, để đặt mua được mật uy tín chị phải đặt trước cả năm mới có với giá dao động 1-1,4 triệu đồng/lít. Có thời điểm khan hiếm, chị phải mua qua mối trung gian nên giá đội lên đến 2 triệu đồng/lít.
Nhật Thanh