Đơn vị:

Tác động của máy tạo độ ẩm tới sức khỏe

Máy tạo độ ẩm không khí giúp giảm thiểu các vấn đề gây ra bởi không khí khô hanh như viêm xoang, nứt nẻ môi, chảy máu mũi. Ngoài ra, máy tạo độ ẩm còn có thể giúp giảm các triệu chứng cảm cúm và các bệnh lý đường hô hấp khác.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi ích, máy tạo độ ẩm có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người sử dụng nếu chúng không được bảo dưỡng hợp lý hoặc mức độ ẩm được duy trì quá cao. Người sử dụng cần lưu ý thường xuyên đo độ ẩm không khí và giữ gìn vệ sinh máy. Một máy tạo độ ẩm bị bẩn có thể sản sinh ra nhiều nấm và vi khuẩn. Những người có tiền sử bệnh lý dị ứng hoặc hen phế quản nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng máy tạo độ ẩm không khí.

1. Máy tạo độ ẩm không khí là gì?

Máy tạo độ ẩm là thiết bị tỏa ra nước hoặc hơi nước để làm tăng độ ẩm trong không khí. Trên thị trường có nhiều loại máy khác nhau như:

  • Máy tạo độ ẩm không khí trung tâm được lắp ráp bên trong hệ thống điều hòa không khí và hệ thống sưởi để điều chỉnh độ ẩm của cả tòa nhà.
Hệ thống điều hòa không khí tích hợp chế độ tạo ẩm
  • Máy tạo độ ẩm không khí dạng sóng âm phun hơi nước mát bằng cơ chế sóng âm.
  • Máy tạo độ ẩm siêu âm tạo ra một màn sương mát với rung siêu âm.
  • Máy tạo độ ẩm cánh quạt tạo ra một màn sương mát mẻ với một đĩa quay.
  • Thiết bị bay hơi sử dụng quạt để thổi không khí qua bộ lọc hoặc dây đai ẩm.
  • Máy tạo độ ẩm hơi nước sử dụng điện để tạo ra hơi nước được làm nguội trước khi rời khỏi máy. Tránh lựa chọn loại máy tạo độ ẩm này nếu bạn có con nhỏ; nước nóng bên trong loại máy tạo độ ẩm này có thể gây bỏng nếu bị đổ ra ngoài.

2. Độ ẩm lý tưởng là bao nhiêu?

Độ ẩm là lượng nước bên trong không khí. Độ ẩm thay đổi theo mùa, thời tiết và vị trí địa lý. Nhìn chung, độ ẩm trong không khí cao hơn vào mùa hè và thấp hơn vào những tháng mùa đông. Độ ẩm không khí lý tưởng trong nhà nên dao động từ 30% đến 50%.

Độ ẩm quá thấp hoặc quá cao đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Độ ẩm không khí thấp có thể gây khô da, kích thích đường hô hấp và họng, gây khô và ngứa mắt. Độ ẩm không khí cao có thể khiến ngôi nhà bị ngột ngạt, và có thể gây ứ đọng trên tường, sàn nhà và các bề mặt khác, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn và nấm mốc phát triển. Những dị nguyên này là tác nhân gây ra nhiều bệnh lý đường hô hấp, tình trạng dị ứng và các đợt hen phế quản cấp.

Độ ẩm không khí lý tưởng trong nhà nên dao động từ 30% đến 50%

3. Cách đo độ ẩm không khí

Cách để kiểm tra độ ẩm không khí trong nhà là sử dụng máy đo độ ẩm hay ẩm kể (tên tiếng anh là hygrometer). Thiết bị này nhìn tương tự như nhiệt kế, dùng để đo lượng ẩm trong không khí. Khi mua máy tạo độ ẩm không khí, nên lựa chọn loại có tích hợp máy đo độ ẩm bên trong để người dùng có thể nhận biết và điều chỉnh lượng ẩm trong khoảng giới hạn bình thường.

4. Máy tạo độ ẩm không khí với người bị hen phế quản và dị ứng

Nếu người sử dụng hoặc các thành viên trong gia đình có bệnh hen phế quản hoặc dị ứng, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng máy tạo độ ẩm không khí. Độ ẩm cao có thể hỗ trợ hô hấp ở người lớn và trẻ em mắc bệnh hen phế quản hoặc dị ứng, đặc biệt trong một đợt nhiễm khuẩn hô hấp như cúm, cảm lạnh. Nhưng bụi bẩn, vi khuẩn và nấm phát triển trong điều kiện độ ẩm cao có thể làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh hen phế quản và dị ứng.

Gia đình có người bị hen phế quản

5. Xử lý khi không khí quá ẩm

Khi độ ẩm không khí quá cao, thường trong những tháng mùa hè, nhiều vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Vì thế cần làm giảm độ ẩm trong không khí bằng các cách sau:

  • Sử dụng máy điều hòa không khí: máy điều hòa không khí làm khô không khí, giữ độ ẩm không khí trong nhà ở mức thích hợp có lợi cho sức khỏe.

Tham khảo thêm bài viết: Những điều cần nhớ khi dùng điều hòa cho bé

  • Sử dụng máy hút ẩm: thiết bị này thu gom lượng nước dư thừa trong không khí, từ đó làm giảm độ ẩm không khí. Máy hút ẩm hoạt động tương tự như máy điều hòa không khí nhưng không có bộ phận làm mát. Máy hút ẩm thường được sử dụng để làm khô các tầng hầm ẩm thấp.

6. Máy tạo độ ẩm không khí bị bẩn gây hại như thế nào?

Bể chứa và bộ lọc của máy tạo độ ẩm không khí bị bẩn là môi trường thuận lợi để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi và phát triển. Máy tạo độ ẩm kém vệ sinh là vấn đề nghiêm trọng với những bệnh nhân hen phế quản và dị ứng, tuy nhiên máy tạo độ ẩm cũng có thể là nguy cơ tiềm tàng gây khởi phát các triệu chứng giống cúm hoặc bệnh lý viêm phổi ở những người khỏe mạnh nếu bụi bẩn và các dị nguyên bay vào không khí.

Tham khảo thêm những tác hại do ẩm mốc gây ra với sức khỏe qua bài viết sau: Ẩm mốc ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Để giảm thiểu các nguy cơ có hại cho sức khỏe người tiêu dùng do máy tạo độ ẩm bị bẩn gây ra, người dùng cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và có thể tham khảo thêm các mẹo sau:

  • Sử dụng nước khử khoáng hoặc nước cất: nước khoáng có thể lắng đọng bên trong máy tạo độ ẩm và kích thích sự phát triển của vi khuẩn. Khi giải phóng vào không khí, những chất khoáng này thường có dạng như các hạt bụi trắng trên các vật dụng trong nhà. Người dùng hoàn toàn có thể hít phải các hạt bụi này vào đường hô hấp. Nước khử khoáng và nước cất có lượng chất khoáng ít hơn nên giảm thiểu được nguy cơ có hại cho sức khỏe.
  • Thay nước cho máy tạo độ ẩm thường xuyên: không cho phép các chất lắng đọng và phát triển bên trong máy tạo độ ẩm. Làm trống các bể chứa, rửa sạch và đổ đầy lại với nước sạch mỗi ngày, đặc biệt với loại máy tạo độ ẩm hơi lạnh hoặc sóng âm.
  • Vệ sinh máy tạo độ ẩm mỗi 3 ngày: tháo rời máy trước khi làm vệ sinh. Rửa sạch những cặn lắng từ bồn chứa và các bộ phận khác của máu với dung dịch hydrogen peroxide 3% hoặc các dung dịch tẩy khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Luôn luôn súc rửa bể chứa sau khi chùi rửa.
Sử dụng nước khử khoáng hoặc nước cất để tạo độ ẩm
  • Thay đổi bộ lọc của máy tạo độ ẩm thường xuyên: nếu máy tạo độ ẩm có bộ lọc, cần thay mới theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất hoặc thay khi bẩn. Thay bộ lọc của máy tạo độ ẩm cùng với bộ lọc của máy điều hòa không khí và hệ thống sưởi trung tâm.
  • Giữ khu vực xung quanh máy tạo độ ẩm khô ráo: nếu khu vực xung quanh máy tạo độ ẩm như cửa sổ, rèm cửa, ngăn kéo trở nên ẩm ướt cần hạ mức độ ẩm của máy xuống thấp hơn mức thường sử dụng.
  • Vệ sinh máy tạo độ ẩm trước khi cất giữ: khi không còn nhu cầu sử dụng, cần vệ sinh máy, loại bỏ các loại nước thừa trong các bể chứa, lau khô trước khi đem cất.
  • Xem xét thay thế các máy tạo độ ẩm đã cũ: theo thời gian, bên trong các máy tạo độ ẩm có thể lắng đọng nhiều cặn lắng khó hoặc không thể làm sạch. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy cần xem xét thay mới máy tạo độ ẩm không khí nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

XEM THÊM:

  • Dị ứng nấm mốc: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Dưỡng ẩm cho người viêm da cơ địa
  • Chú ý dưỡng ẩm khi chăm sóc da ở trẻ bị viêm da cơ địa