Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
1. Đau bụng dưới khi mang thai
Trong thai kỳ của bất cứ người phụ nữ nào cũng sẽ xuất hiện những cơn đau bụng dưới quanh rốn với nhiều mức độ đau khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng này rất đa dạng, có thể chỉ là hiện tượng sinh lý khi mang thai nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nguy hiểm nào đó. Những nguyên nhân có thể dẫn đến đau bụng dưới khi mang thai đó là:
- Nhau bong non: Nhau bong ra khỏi thành của tử cung sản phụ làm tử cung trở nên căng cứng, gây cảm giác đau bụng dưới cho người phụ nữ. Tùy thuộc vào từng trường hợp nhau bong non cụ thể mà có hay không có những ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.
- Thai làm tổ tại buồng của tử cung: Do thai bắt đầu làm tổ và đi vào buồng tử cung nên gây ra tình trạng đau bụng dưới khi mang thai tuần đầu, thường thì những trường hợp này sẽ không gây hại gì đến sức khỏe của sản phụ và sẽ tự động mất dần sau khoảng thời gian là 2 - 3 ngày.
- Thai ngoài tử cung: Do những nguyên nhân như nhiễm trùng sinh dục, bất thường vòi tử cung đã gây nên tình trạng thai ngoài tử cung gây ra những cơn đau bụng dưới khi mang thai kèm với triệu chứng ra máu âm đạo.
- Bổ sung dinh dưỡng không đầy đủ: Trong quá trình mang thai, vì tử cung của người mẹ phải chịu rất nhiều áp lực đè lên từ bào thai nên hệ tiêu hóa của người phụ nữ cũng gặp rất nhiều vấn đề khó khăn nên cần phải duy trì một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, nếu nồng độ Progesterone tăng quá cao trong thời gian mang thai thì sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém gây ra triệu chứng đau bụng dưới quanh rốn.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đau bụng dưới khi mang thai có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra kèm theo một số triệu chứng như khó chịu, tiểu buốt rát, tiểu không kiểm soát và nước tiểu có những đặc điểm bất thường như có mùi hôi, có lẫn máu...
- Em bé trong bụng đạp: Đây là một biểu hiện rất phổ biến ở tất cả những người mẹ đang mang thai và là một dấu hiệu cho sự phát triển một cách bình thường và khỏe mạnh của bào thai nằm bên trong bụng của người phụ nữ.
- Đặc biệt, nếu bị đau bụng dưới khi mang thai trong 3 tháng giữa thì nguyên nhân thường gặp có thể là do căng cơ và dây chằng. Hiện tượng này được giải thích là do trong 3 tháng giữa thai kỳ, bào thai đã phát triển được một thời gian khiến cho một số cơ và dây chằng quanh tử cung giãn ra rất nhiều gây đau bụng, nhất là khi người phụ nữ thay đổi tư thế hoặc khi thực hiện động tác ho.
- Đau bụng dưới quanh rốn cũng diễn ra khi người phụ nữ mang thai 3 tháng cuối do các nguyên nhân như cơn gò Braxton - hicks hoặc do chuyển dạ với một số trường hợp sinh non tháng. Đối với cơn gò Braxton - hicks thì đây là một yếu tố quan trọng để chuẩn bị cho cuộc sinh đẻ, cơn gò này sẽ xuất hiện trước sinh khoảng 1 tuần để cổ tử cung của người phụ nữ có thể mở rộng hơn đồng thời cũng mềm hơn nhằm mục đích đứa trẻ ra đời được thuận lợi hơn. Chuyển dạ trước 37 tuần mang thai cũng có thể gây ra đau bụng dưới quanh rốn với đặc điểm những cơn đau bụng này không mất đi khi bệnh nhân thay đổi tư thế hoặc đi lại, có kèm theo tình trạng tiêu chảy và ra dịch nhầy hồng âm đạo.
2. Cách xử lý đối với đau bụng dưới khi mang thai
Nếu đau bụng dưới khi mang thai chỉ đơn thuần là đau, co thắt vùng bụng dưới và không có bất cứ triệu chứng nặng nề nào kèm theo thì có thể thực hiện một số biện pháp sau để giảm đau:
- Di chuyển đi lại nhẹ nhàng
- Sử dụng nước ấm để tắm.
- Uốn cong cơ thể về phía bụng bị đau
- Uống nhiều nước
- Nằm xuống một cách nhẹ nhàng
- Massage vùng bụng dưới
Một số trường hợp đau bụng dưới cũng có thể sử dụng thuốc Acetaminophen có tác dụng làm dịu cơn đau hoặc nếu nguyên nhân gây ra đau bụng dưới khi mang thai là do nhiễm trùng đường tiết niệu, chuyển dạ trong sinh non hay thai phát triển bên ngoài tử cung thì cần báo ngay với bác sĩ điều trị. Điều quan trọng trong thời gian này là mẹ bầu không nên lo lắng quá nhiều đến những cơn đau bụng vì có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển của thai nhi, thay vào đó cần bình tĩnh và quan sát những triệu chứng của cơ thể để có thể đến khám tại các bệnh viện trong những trường hợp cần thiết. Những sản phụ bị đau bụng dưới quanh rốn do thiếu chất hay do em bé trong bụng đạp thì cần thay đổi một chế độ ăn mới sao cho có nhiều chất xơ để giảm thiểu tình trạng rối loạn tiêu hóa, có thể là rau, quả hoặc những loại ngũ cốc, đặc biệt là uống thật nhiều nước trong giai đoạn này. Trong những tháng đầu thì ưu tiên tập thể dục nhẹ nhàng, không nên ngồi yên 1 chỗ trong thời gian dài, ngược lại khi đến những tháng cuối thì sản phụ cần nghỉ ngơi nhiều hơn để chuẩn bị cho một cuộc sinh đẻ được diễn ra một cách tốt nhất.
3. Kết luận
Khi có bất cứ dấu hiệu nào của đau bụng dưới quanh rốn thì người phụ nữ mang thai không nên có tâm lý chủ quan, và bên cạnh đó cũng không nên quá căng thẳng về tình trạng này mà cần phải đến những cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.