Đơn vị:

14 cách trị ghẻ nước tại nhà an toàn, hiệu quả nhanh tận gốc

Ghẻ nước do ký sinh trùng bọ ve (hay cái ghẻ, con ghẻ) xâm nhập vào da người gây ngứa và khó chịu. Vậy ghẻ nước điều trị tại nhà được hay không? Cùng ThS.BS Lê Minh Châu, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tìm hiểu những cách trị ghẻ nước tại nhà thông qua bài viết dưới đây ngay.

cách trị ghẻ nước tại nhà

Tổng quan về bệnh ghẻ nước

Ghẻ nước do ký sinh trùng Sarcoptes scabiei hominis (hay còn gọi là cái ghẻ) gây ra. Loài ký sinh trùng này có kích thước rất nhỏ, gồm 8 chân. Chúng tồn tại bằng cách đào hang (dài khoảng 1cm trở lên) và trú ngụ trong lớp thượng bì của da, gây ra cảm giác ngứa ngáy dữ dội kèm theo phát ban kéo dài và trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiễm trùng. (1)

Những tác hại nếu không điều trị bệnh ghẻ nước kịp thời

Cái ghẻ không điều trị kịp thời dễ lây cho những người xung quanh gây nhiễm trùng da, ảnh hưởng tâm lý và suy giảm chất lượng cuộc sống… (2)

1. Nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, tập thể

Ghẻ nước là bệnh truyền nhiễm, dễ dàng lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân như quần áo, chăn gối… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể bùng phát trong gia đình hoặc môi trường tập thể dẫn đến khó kiểm soát.

2. Tăng nguy cơ nhiễm trùng da

Khi da người bệnh bị trầy xước sẽ tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập vào. Hậu quả là da bị viêm nhiễm, sưng tấy, nguy hiểm hơn có thể bội nhiễm hoặc áp-xe da.

3. Nguy cơ gây bệnh lý

Nếu kéo dài không chữa trị, ghẻ nước ngứa nhiều, gây ảnh hưởng giấc ngủ, nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ tổng thể, tạo điều kiện phát triển các bệnh khác ở người bệnh.

4. Tăng mức độ nguy hiểm của bệnh

Không điều trị sớm khiến số lượng cái ghẻ tăng lên nhanh chóng, tạo ra nhiều đường hầm gây tổn thương sâu trên da khiến quá trình điều trị trở nên phức tạp, kéo dài thời gian và để lại sẹo mất thẩm mỹ.

ghẻ nước có thể để lại sẹo trên da
Ghẻ nước có thể để lại sẹo trên da nếu không điều trị kịp thời, đúng cách

5. Ảnh hưởng tâm lý

Ngứa ngáy kéo dài gây khó chịu, mất ngủ và căng thẳng. Người bệnh có thể cảm thấy xấu hổ, tự ti khi giao tiếp hoặc tham gia các hoạt động xã hội.

6. Suy giảm chất lượng cuộc sống

Ghẻ nước gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập. Người bệnh thường xuyên phải đối mặt với cảm giác mệt mỏi, khó chịu và lo lắng về tình trạng của mình.

Xem chi tiết thêm: Biến chứng bệnh ghẻ nước tiềm ẩn tại đây

Hướng dẫn cách trị ghẻ nước tại nhà đơn giản, an toàn dễ thực hiện

Các bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da Tâm Anh khuyến cáo người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc bôi tại nhà. Tự điều trị mà không có hướng dẫn của bác sĩ có thể làm bệnh trở nên nghiêm trọng gây khó khăn trong quá trình phục hồi.

1. Điều trị bệnh ghẻ nước bằng thuốc bôi ngoài da

Các loại thuốc bôi được sử dụng trong điều trị ghẻ nước bao gồm Towders Cream (Permethrin 5%), Benzyl benzoate, Ivermectin 3mg, kem Permethrin 5%…

cách chữa trị ghẻ nước
Thuốc bôi được sử dụng nhiều trong điều trị ghẻ nước gồm: Towders Cream (Permethrin 5%), Benzyl benzoate, Ivermectin 3mg, kem Permethrin 5%…

1.1 Towders Cream (Permethrin 5%)

Towders Cream (Permethrin 5%) là thuốc bôi ngoài da thuộc nhóm Pyrethrins, được sử dụng khi có chỉ định từ bác sĩ. Đây là chế phẩm thường dùng để tiêu diệt các loại ký sinh trùng gây bệnh ngoài da như ghẻ, ve ghẻ, chấy, rận và mạt nhà.

1.2 Benzyl benzoate

Benzyl Benzoate là thuốc bôi ngoài da được sử dụng để điều trị các bệnh do ký sinh trùng như chấy, rận và ghẻ ngứa. Loại thuốc này cần được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, đảm bảo tuân thủ đúng liều lượng để đạt hiệu quả và tránh tác dụng phụ không mong muốn.

1.3 Phương pháp khác

Một số phương pháp điều trị khác như: Lưu huỳnh, Lindane hasy Malathion có thể được áp dụng trong điều trị ghẻ nước. Tuy nhiên, các loại thuốc này tiềm ẩn tác dụng phụ nếu sử dụng không đúng cách, nên dùng khi có chỉ định và theo dõi của bác sĩ Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da.

2. Mẹo trị ghẻ nước bằng các phương pháp dân gian, tự nhiên

Trong dân gian, cách điều trị ghẻ nước tại nhà được truyền tai sử dụng lá trầu không, lá bạch đàn tươi, nước muối ấm, giấm táo, nha đam, gừng, chanh, tinh dầu tràm trà…

Những mẹo dân gian trị ghẻ nước này chưa được khoa học chứng minh rõ ràng về tính an toàn và hiệu quả. Tự ý áp dụng những phương pháp này có thể gây kích ứng dẫn đến nhiễm trùng. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp nào để đảm bảo an toàn. Theo quan niệm dân gian, các loại lá, tinh dầu có tác động như sau:

2.1 Lá trầu không

Với hàm lượng phenol dồi dào, lá trầu không có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, làm dịu da, giảm ngứa hiệu quả. Cách dùng là giã nát lá trầu không, đắp lên vùng da bị ghẻ nước.

2.2 Lá bạch đàn tươi

Cách trị bệnh ghẻ nước bằng lá bạch đàn tươi được nhiều người sử dụng để hỗ trợ chữa trị ghẻ nước tại nhà khả năng kháng khuẩn và ức chế ký sinh trùng. Bạn có thể nấu lá bạch đàn tươi với muối để tắm làm giảm cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.

2.3 Nước muối ấm

Nước muối ấm là cách trị mụn ghẻ nước quen thuộc để làm sạch vết thương và giảm viêm. Khi bị ghẻ nước, ngâm vùng da bị tổn thương vào nước muối ấm sẽ giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu.

tắm với nước muối là cách trị ghẻ nước an toàn
Tắm với nước muối là cách trị ghẻ nước an toàn và hiệu quả, làm dịu các triệu chứng gây khó chịu

2.4 Giấm táo

Giấm táo có tính axit nhẹ, giúp cân bằng độ pH của da, làm sạch và sát khuẩn hiệu quả.

2.5 Tỏi kết hợp với rượu

Sự kết hợp giữa tỏi và rượu tạo thành một hỗn hợp sát trùng mạnh, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Lưu ý không nên bôi trực tiếp lên vùng da bị trầy xước để tránh gây kích ứng.

2.6 Nha đam

Nha đam có phần gel mát lạnh và giàu dưỡng chất giúp làm dịu da. Đắp gel nha đam lên vùng da bị ghẻ nước sẽ giúp giảm sưng, ngứa và thúc đẩy quá trình phục hồi.

2.7 Gừng

Gừng có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhức rất tốt. Đắp gừng tươi lên vùng da bị ghẻ nước, bạn sẽ cảm nhận được sự dễ chịu ngay.

2.8 Chanh

Axit citric trong chanh có khả năng sát khuẩn mạnh, giúp loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, cần pha loãng nước cốt chanh trước khi sử dụng để tránh gây bỏng rát da.

2.9 Tinh dầu tràm trà

Nhờ khả năng kháng viêm, sát trùng mạnh mẽ, tinh dầu tràm trà giúp giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả. Tuy nhiên, tất cả các loại tinh dầu cần pha loãng trước khi thoa lên da để tránh kích ứng.

tinh dầu tràm trà chứa kháng viêm
Trong tinh dầu tràm trà chứa kháng viêm, tính sát trùng mạnh giúp giảm ngứa ngáy và ngăn ngừa nhiễm trùng hiệu quả

2.10 Tinh dầu neem

Tinh dầu neem (hay còn gọi là tinh dầu cây sầu đâu) chứa azadirachtin, chất có khả năng làm tê liệt chu kỳ sinh sản của cái ghẻ. Nhờ vậy, neem không chỉ tiêu diệt ghẻ trưởng thành mà còn ngăn chặn sự phát triển của trứng.

2.11 Tinh dầu đinh hương

Tinh dầu đinh hương giúp giảm ngứa, kháng viêm, mang đến cảm giác thư giãn, dễ chịu. Tuy nhiên, giống như các loại tinh dầu khác, đinh hương chỉ là trợ thủ đắc lực chứ không thể thay thế hoàn toàn phương pháp điều trị y khoa.

Các kinh nghiệm dân gian được nêu ở trên chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả cũng như tính an toàn của chúng nên người dân tuyệt đối không nên tự ý áp dụng các phương pháp dân gian, dễ gây trầm trọng tình trạng bệnh.

3. Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh - thay đổi lối quen sống

Để phòng ngừa và trị bệnh ghẻ nước hiệu quả bạn nên thay đổi lối sống và duy trì thói quen vệ sinh kỹ càng.

  • Tập thói quen giặt quần áo bằng nước xà phòng nóng: nước xà phòng nóng (trên 50 độ C) giúp tiêu diệt ký sinh trùng và các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là trên quần áo, chăn màn và vật dụng cá nhân.
  • Dọn dẹp vệ sinh thật kỹ khu vực sinh sống: đảm bảo không gian sống luôn sạch sẽ và thoáng mát, hạn chế môi trường cho ký sinh trùng phát triển.
  • Vệ sinh cơ thể đúng cách và kỹ càng: thực hiện vệ sinh cơ thể hàng ngày, chú ý làm sạch các vùng da khó vệ sinh như kẽ tay, kẽ chân.
tập thói quen giặt đồ bằng nước xà phòng
Tập thói quen giặt đồ bằng nước xà phòng nóng (trên 50 độ C) để tiêu diệt ký sinh trùng gây bệnh ghẻ

Cần lưu ý gì khi tự điều trị ghẻ nước tại nhà?

Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc bôi ngoài da không kê đơn để điều trị ghẻ nước tại nhà.

Cách trị bệnh ghẻ nước tại nhà từ nguyên liệu thiên nhiên hoặc trị ghẻ nước bằng dân gian không thể thay thế cho phác đồ điều trị y khoa. Các bác sĩ Da liễu - Thẩm mỹ Da khuyến nghị chỉ sử dụng những phương pháp này để giảm nhẹ triệu chứng trong quá trình điều trị bệnh, đồng thời cần có sự hướng dẫn từ chuyên gia để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Khi nào cần gặp bác sĩ để chẩn đoán tình trạng bệnh?

Nếu bạn nhận thấy các biểu hiện bất thường trên da như ngứa kéo dài, phát ban không giảm hoặc tình trạng ngứa trở nên dữ dội hơn vào ban đêm, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu. Đây là những triệu chứng đặc trưng của bệnh ghẻ nước và có thể gây ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ cũng như sinh hoạt hàng ngày.

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để xác định chính xác tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, giúp kiểm soát và loại bỏ bệnh hiệu quả.

trường hợp cần gặp bác sĩ
ThS.BS Lê Minh Châu, Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang khám cho một khách hàng

Cách phòng ngừa ghẻ nước tái phát

Hiện chưa có cách nào đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn ghẻ nước, nhưng có thể giảm nguy cơ tái phát và lây nhiễm bằng các biện pháp sau:

  • Giặt sạch vật dụng cá nhân (chăn ga, gối, khăn…) bằng nước nóng, sau đó sấy khô ở nhiệt độ cao để loại bỏ ký sinh trùng và trứng.
  • Thường xuyên vệ sinh và hút bụi thảm, nội thất và sàn nhà để loại bỏ vảy da và mảnh vụn chứa ký sinh trùng.

Ghẻ nước gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để điều trị hiệu quả và an toàn, hãy đến Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM và Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7. Đội ngũ bác sĩ tại đây đã có nhiều năm kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, đặc biệt là bệnh ghẻ nước. Với phương pháp chuyên biệt hóa, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân, mức độ và xây dựng phác đồ điều trị tối ưu cho từng khách hàng.

Cách trị ghẻ nước tại nhà không được khuyến khích, đừng tự ý điều trị tại nhà, hãy đến Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và tư vấn liệu trình cụ thể, hướng dẫn chi tiết từng bước để sớm lấy lại làn da khỏe mạnh.