Đôi môi là bộ phận vô cùng nhạy cảm trên cơ thể, nhạy cảm hơn nhiều so với đầu ngón tay. Cũng bởi nó có hơn một triệu đầu dây thần kinh. Vì vậy, chỉ cần sức khỏe của con người bị suy giảm, bạn cũng có thể nhận thấy dễ dàng qua màu sắc và tình trạng của đôi môi. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Môi có vết thâm đen cảnh báo bệnh gì?
Thông thường, khi nhìn thấy môi có vết thâm đen, việc đầu tiên mà hầu hết mọi người đều nghĩ tới là áp dụng các phương pháp thẩm mỹ. Tuy nhiên, họ lại không hề biết rằng đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sức khỏe đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho môi xuất hiện các vết thâm đen:
Viêm môi dị ứng
Một trong những nguyên nhân gây nên hầu hết các trường hợp thâm môi là bệnh viêm môi tiếp xúc sắc tố. Đây là phản ứng dị ứng bình thường của cơ thể, xảy ra khi môi tiếp xúc với một số chất gây kích ứng. Bao gồm: Các sản phẩm chăm sóc môi, son môi, mặt nạ,...
Ngoài ra, việc tiêu thụ một số loại thực phẩm hoặc đồ uống có chứa chất tạo màu, chất bảo quản hoặc các thành phần gây dị ứng cao cũng có thể gây ra tình trạng viêm môi dị ứng.
Mất nước
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, 70% trọng lượng cơ thể con người là nước. Bởi vậy, việc môi có căng mọng, hồng hào hay không có mối liên hệ mật thiết với hàm lượng nước mà bạn nạp vào cơ thể hàng ngày. Nếu không uống đủ lượng nước cần thiết, đặc biệt là thời tiết hanh khô, đôi môi không chỉ thâm, đen hơn mà còn trở nên nứt nẻ, bong tróc. Theo đó, đốm đen trên môi có thể hình thành từ những vết thương trên môi sau khi bong vảy.
Thiếu cân đối trong dinh dưỡng
Cơ thể dư thừa sắt hoặc thiếu hụt vitamin B12 chính là nguyên nhân tạo nên hiện tượng tăng sắc tố da. Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng này là môi có vết thâm đen.
Hiểu theo cách đơn giản, khi cơ thể chứa lượng sắt nhiều quá mức cần thiết, lượng sắt dư thừa sẽ được lưu trữ trong các mô cơ thể, nhất là da. Điều này gây ra sự thay đổi màu sắc của da, hình thành nên các chấm đen trên môi.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể kéo theo các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sắc tố da, dẫn đến hiện tượng môi có vết thâm đen. Theo thống kê của các bác sĩ, bạn cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng các loại thuốc sau để tránh tác động tiêu cực đến sắc tố trên da và môi:
- Thuốc gây độc tế bào: Là loại thuốc được sử dụng cho các bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Nó làm tăng sản xuất melanin, dẫn đến các vết thâm trên da, bao gồm cả môi.
- Thuốc chống sốt rét: Các loại thuốc như Hydroxychloroquine và Chloroquine có thể gây tăng sắc tố làm môi trở nên sẫm màu hơn.
- Thuốc chống co giật: Thường dùng trong kiểm soát động kinh, có thể gây thay đổi sắc tố da.
- Thuốc chống loạn thần: Loại thuốc này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra hyperpigmentation, đặc biệt là ở vùng môi và các vùng da tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Điển hình trong số đó phải kể đến Amiodarone, có thể tăng nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời và gây ra tình trạng tăng sắc tố trên môi.
Bệnh dày sừng tiết bã
Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của căn bệnh này là các đốm đen tróc vảy trên môi. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy da bị khô, thô ráp, nhất là ở vùng cổ, tai, da đầu và tay. Trong trường hợp nguy hiểm, viêm da tiết bã còn là giai đoạn đầu tiên của ung thư.
Rối loạn nội tiết tố tuyến giáp
Tuyến nội tiết lớn nhất và quan trọng nhất trên cơ thể con người là tuyến giáp. Do đó, khi số lượng nội tiết tố biến động thất thường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sắc tố da, bao gồm cả da môi.
Trong trường hợp này, người bệnh cần được thăm khám kỹ càng để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh:
- Suy giáp: Là tình trạng nồng độ hormone tuyến giáp bị suy giảm nhanh chóng. Khuôn mặt người bệnh thường có sắc tố màu nâu mờ, tàn nhang, nám,...
- Cường giáp: Chỉ hiện tượng nồng độ hormone tuyến giáp lưu thông ở mức quá cao. Nó cũng có thể là nguyên nhân khiến làn da bị sạm đen.
U mạch Angiokeratoma
Angiokeratoma được hiểu là tình trạng mao mạch giãn ra hoặc mở rộng gần bề mặt da, dẫn đến da hình thành các đốm đen hoặc đỏ sẫm. Không chỉ có môi, nó có thể xuất hiện ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể.
Phần lớn trường hợp u mạch Angiokeratoma là vô hại, không gây đau ngứa nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Tuy nhiên, môi có vết thâm đen sẽ làm giảm tính thẩm mỹ, khiến bạn cảm thấy tự ti khi giao tiếp.
Hút thuốc
Hơi nóng từ thuốc lá có thể trực tiếp đốt cháy da trên môi. Hơn nữa, các chất có trong thuốc lá cũng làm chậm quá trình lành vết thương, những vết bỏng và làm tăng nguy cơ hình thành sẹo. Các vết bỏng này sau đó sẽ dẫn đến sắc tố, tạo ra những đốm đen ngay cả khi vết thương đã lành.
Môi có vết thâm đen có phải bệnh ung thư không?
Hiện nay, nhiều người không khỏi lo lắng rằng môi bị đốm đen là dấu hiệu của bệnh ung thư. Trên thực tế, khả năng này là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo đó, hai loại ung thư da phổ biến nhất là ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy. Hơn nữa, đàn ông có nguy cơ mắc ung thư môi cao gấp 3 đến 13 lần so với phụ nữ và môi dưới có khả năng bị ảnh hưởng gấp 12 lần.
Dưới đây là những dấu hiệu bất thường cảnh báo tình trạng ung thư môi mà bạn cần thăm khám càng sớm càng tốt:
Đối với ung thư biểu mô tế bào đáy:
- Môi thường xuyên xuất hiện các vết thương hở;
- Môi có mảng màu đỏ hoặc khu vực bị kích thích;
- Các vết sưng trên môi trở nên sáng bóng;
- Xuất hiện một khu vực giống như vết sẹo.
Đối với ung thư biểu mô tế bào vảy:
- Môi có một mảng đỏ có vảy;
- Rất dễ bị tổn thương, dẫn đến các vết thương hở;
- Có các tăng trưởng giống như mụn cóc, có thể hoặc không chảy máu.
Các phương pháp khắc phục môi có vết thâm đen
Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà bạn cần có cách khắc phục, điều trị thâm môi riêng. Bạn có thể cải thiện bằng biện pháp tại nhà hoặc can thiệp y khoa. Cụ thể:
Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Đôi môi cũng cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết để duy trì sự căng mịn, hồng hào. Tốt nhất, bạn nên tăng cường bổ sung vitamin B12 vào thực đơn bằng cách ăn nhiều cá, trứng, sữa,...
Bên cạnh đó, bạn cũng cần đảm bảo uống đủ 2 lít nước/ngày. Việc bù nước đầy đủ sẽ giúp các vết thâm mờ dần đi. Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh trong thời gian dài không chỉ mang lại làn môi tươi tắn mà còn nâng cao khả năng miễn dịch, giúp cơ thể được khỏe mạnh hơn.
Chăm sóc da môi đúng cách
Yếu tố vệ sinh cần được đặt lên hàng đầu trong quá trình chăm sóc đôi môi. Mỗi ngày, bạn nên cần tẩy trang cho làn môi ngay cả khi không trang điểm. Thói quen này sẽ giúp loại bỏ màu son, thức ăn dư thừa và bụi bẩn bám trên môi.
Đồng thời, tẩy tế bào chết cho môi từ 1 - 2 lần/tuần. Việc làm này cũng góp phần thúc đẩy quá trình tái tạo da. Bên cạnh đó, sử dụng thêm các sản phẩm dưỡng môi để cung cấp độ ẩm.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã nắm được những nguyên nhân khiến môi có vết thâm đen. Hãy tìm cách khắc phục nhanh chóng để cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả nhé! Nếu phát hiện những dấu hiệu sức khỏe bất thường, cần nhanh chóng đến thăm khám bác sĩ ngay.
Xem thêm:
- Môi bị thâm tím là bệnh gì?
- Môi thâm thiếu chất gì? Một số yếu tố khiến môi thâm