45 năm qua, ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh vẫn vang lên trong đời sống nghệ thuật trong cả nước từ sân khấu chuyên nghiệp đến nghệ thuật không chuyên, từ karaoke đến sinh hoạt bình dân. Ai hát cũng được. Hát song ca, đơn ca, đồng ca mấy trăm người cũng được…
Nhạc sĩ Xuân HồngSức sống kỳ diệu của bài hát ấy thật khó có thể lý giải một cách trọn vẹn. Đó là một ca khúc mà giá trị nghệ thuật chỉ có đánh giá vào hàng xuất sắc, đẹp cả ca từ lẫn giai điệu, long lanh cả nhạc lẫn lời, vượt không gian TP.HCM đến với cả thế giới, vượt thời gian chào mừng Sài Gòn giải phóng đến sau 45 năm hòa bình và giai điệu ấy còn sống mãi với thời gian.
* Giai điệu của những bước chân thần tốc
“Mùa xuân này về trên quê ta…”, những câu hát đầu tiên của bài hát được ra đời cùng với những bước chân thần tốc của đoàn quân giải phóng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã ấp ủ và viết bài hát ấy trên hành trình “tiến về Sài Gòn”. Bài hát được hoàn thiện sau khi nhạc sĩ cùng đồng đội về nhận công tác tại thành phố Sài Gòn và được sống trong niềm vui cả nước “rợp bóng cờ bay”, sống trong cảm giác hạnh phúc đến nghẹn ngào “vui sao nước mắt lại trào”!
Nhạc sĩ Xuân Hồng (1928-1996) tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, quê ở Tây Ninh, sinh ra trong một gia đình yêu thích nhạc tài tử, được học nhạc từ rất sớm. Âm nhạc truyền thống có ảnh hưởng trong sáng tác của ông. Với tài năng và sự cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật nước nhà, năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Bài hát ấy đã nhanh chóng được đón nhận và phổ biến trên các kênh phát thanh và truyền hình, trong các buổi văn nghệ của những đoàn nghệ thuật chính quy đến các đội văn nghệ địa phương, ban, ngành trong không khí chào mừng Sài Gòn giải phóng, chào mừng đất nước thống nhất.
Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là bức tranh hiện thực của một giai đoạn rực rỡ trong lịch sử: Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bài hát là cảm xúc mãnh liệt mà vô cùng chân thành của từng con người và của cả dân tộc về chiến thắng vĩ đại: chiến thắng biến mùa xuân thực sự là “thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”.
Ai hát cũng thấy hay và thấy mình trong đó: Có tình cảm nghẹn ngào của người chiến sĩ cách mạng cùng các đồng đội hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn, có niềm hạnh phúc đoàn tụ của những cán bộ phải chia xa miền Nam hơn 20 năm chống Mỹ, có niềm tự hào của người dân thành phố mang tên Bác trong niềm vui thống nhất vỡ òa từ chiến thắng lịch sử 30-4!
* Giá trị nghệ thuật
Điều rất kỳ lạ là bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh có cấu trúc cực kỳ giản dị, ngắn gọn, gồm 2 đoạn; có ca từ mộc mạc và có giai điệu, tiết tấu đậm chất dân ca Nam bộ, không hàn lâm nhưng đó là ca khúc được đón nhận nhiều nhất, lâu nhất và sâu rộng nhất.
Chỉ có thể nói rằng bài hát đã được sáng tạo bằng cả tấm lòng, với cả trái tim của một người nghệ sĩ chân chính. Theo nhạc sĩ Trương Quang Lục, vào thời điểm sự kiện lịch sử trọng đại thống nhất đất nước ngày 30-4-1975, có đến hàng trăm ca khúc được sáng tác ngợi ca chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta, nhưng theo thời gian chỉ còn vài ca khúc được người nghe yêu mến, hát đi hát lại đến tận bây giờ như: Như có Bác trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên), Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà) và Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng).
Đây là bài hát mà ai cũng thấy mình hát được, ai cũng có thể tham gia hát tập thể được. Dân chuyên nghiệp có thể dựng cho các dàn đồng ca, hợp xướng hàng ngàn người hát cũng được, một người hát cũng được, hợp ca, song ca cũng được… Dễ dàng thuộc, dễ dàng hát nhưng không chỉ có giới bình dân yêu thích mà cả “dân chuyên nghiệp” cũng rất muốn hát là điều kỳ lạ hiếm thấy ở một ca khúc.
Lời ca được khai thác những âm tiết mở tạo vần như thơ và độ vang cho câu hát:
+“Mùa Xuân này về trên quê tA
Khắp đất trời biển rộng bao lA
Cây xanh tười ra lá trổ hoA
Chào mùa Xuân về với mọi nhÀ
Thành phố Hồ Chí Minh quê tA
Đã viết nên thiên anh hùng cA”
+ “Biết bao biết mấy tự hÀO
Sài Gòn ơi cả nước vẫy chÀO
Cờ sao đang tung bay cAO
Qua hết rồi những năm thương đAU
Xa ba mươi năm nay đã gặp nhAU
Vui sao nước mắt lại trÀO”
+ “Bao năm vẫn đợi chỜ
Mà niềm vui như đến bất ngỜ
Ngày đi như trong đêm mƠ
Tuổi lớn rồi mà như ngây thƠ
Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cỜ”.
Khai thác vần tiếng Việt trong ca từ là thủ pháp Xuân Hồng thực hiện trong nhiều bài hát của ông khá thành công và lời hát nhờ đó như những bài thơ dễ nhớ. Phong cách nghệ thuật của Xuân Hồng còn là việc khai thác thủ pháp đảo phách (syncope) vốn có trong dân ca Nam bộ nhưng không gây khó khăn cho người hát. Trong Xuân chiến khu trước đây, ông dùng đảo phách: “Chim hót mừng/ mùa xuân thắng lợi” và trong bài hát Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh thủ pháp này lặp lại: “Lưu danh/ đến muôn đời” hay “Vui sao/ nước mắt lại trào”.
Xuân Hồng được xem là nhạc sĩ thành công khi viết về đề tài mùa xuân với nhiều bài hát làm say đắm lòng người như: Xuân chiến khu (1963), Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (1975), Mùa Xuân bên cửa sổ (1985 - thơ Song Hảo), Bức ảnh mùa Xuân (1988), Khúc Xuân (1995 - thơ Ngân Thương), Gương mặt mùa Xuân (1996 - trích thơ Trương Vũ Thiên An)... Nhưng trong số này, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh là đỉnh cao nghệ thuật.
Có thể nói, Xuân Hồng, tác giả của rất nhiều bài hát nổi tiếng như: Bài ca may áo, Chiếc khăn tay, Hành quân đêm, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Cây đàn ghita của Đại đội 3, Người Mẹ Việt Nam..., đã để lại cho chúng ta một tài sản tinh thần vô giá với ca khúc Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh. Một ca khúc mà ở đó, tính chất lãng mạn hòa nhập vào tinh thần lạc quan cách mạng. Một ca khúc mà qua đó người nghe không chỉ cảm nhận mùa xuân của đất trời, của TP.HCM cụ thể, mà còn thấy mùa xuân của dân tộc, của đất nước, mùa xuân của hòa bình, độc lập, hạnh phúc…
Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là tài sản của người dân TP.HCM, người dân Nam bộ mà còn trở thành tài sản chung của nhân dân cả nước.
Phú Trang