Chia sẻ trên: 89649
Phân kỳ là một trong những kỹ thuật giao dịch phổ biến khi sử dụng các chỉ báo. Trong đó, phân kỳ RSI tỏ ra khá hiệu quả cho các giao dịch ngắn hạn.
Phân kỳ đơn giản được hiểu là hiện tượng giá cổ phiếu và chỉ báo không dịch chuyển chung hướng. Phân kỳ dương là hiện tượng giá giảm tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, tuy nhiên chỉ báo tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Phân kỳ âm, ngược lại là hiện tượng giá tăng tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, tuy nhiên chỉ báo lại tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
Trong cả hiện tượng phân kỳ âm và phân kỳ dương, phân kỳ đều hàm ý xu hướng hiện tại đang dần suy yếu, do đó có thể tiềm ẩn khả năng đảo chiều xu hướng.
Phân kỳ xuất hiện cho chúng ta thấy xu hướng hiện tại đang yếu dần chứ không chắc chắn về sự đảo chiều trong xu hướng. Một hình tượng ví von của quy tắc này là khi chúng ta thấy trời bao phủ bởi mây đen, khả năng cao dần là trời mưa, đó là tín hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, trời có mây đen không đảm bảo chắc chắn hoàn toàn về khả năng trời mưa.
Trong giao dịch cổ phiếu cũng tương tự, khi có phân kỳ xảy ra, chúng ta nghi ngờ về xu hướng hiện tại, sẽ là hợp lý nếu các vị thế cùng chiều với diễn biến của giá được tiết chế, tuy nhiên hành động giao dịch ngược với xu hướng hiện tại của giá nên được cân nhắc với sự xác nhận trên đồ thị giá. Cụ thể khi giá tăng, phân kỳ âm xuất hiện, sẽ là hợp lý nếu chúng ta không mua thêm, nhưng tín hiệu bán chưa thể xác nhận nếu chưa có sự dịch chuyển trên đồ thị giá khẳng định xu hướng tăng hiện tại đã kết thúc. Ngược lại, nếu giá đang giảm, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua thăm dò khi có phân kỳ dương và dấu hiệu tích cực hơn từ đồ thị giá.
Xem thêm: Có nên tiếp tục theo xu hướng khi xuất hiện tín hiệu phân kỳ
Áp dụng quy tắc trình bày ở trên, khi RSI xuất hiện phân kỳ dương, đặc biệt trong trường hợp đáy đầu tiên của RSI nằm sâu trong vùng quá bán và đáy thứ hai tạo phân kỳ, dù giá tạo đáy mới nhưng RSI đã ra khỏi vùng quá bán, tín hiệu sẽ càng đáng tin cậy hơn. Khi đó chúng ta thấy xu hướng giảm nhìn chung đã yếu đi. Tín hiệu xác nhận tạo đáy và có thể mua vào khi giá thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn như trong hình phía dưới.
Đặc biệt trong phiên tăng mạnh kể từ đáy có đi kèm với sự gia tăng thanh khoản, khả năng tạo đáy sẽ càng lớn hơn. Ngoài ra sự xác nhận của các chỉ báo và công cụ khác nên được đi kèm để xác nhận kết quả phân tích khi sử dụng tín hiệu phân kỳ
Hình 1: Giao dịch với phân kỳ trên RSI
Về mặt nguyên tắc, giao dịch với phân kỳ âm trên RSI cũng không có nhiều khác biệt so với giao dịch phân kỳ âm. Như ở ví dụ bên dưới, có 2 tín hiệu phân kỳ xảy ra liên tiếp. Trong tín hiệu phân kỳ thứ nhất, tín hiệu tăng bắt đầu yếu đi, tuy nhiên giá vẫn trụ tốt trên đường xu hướng và do đó, điểm phân kỳ đầu tiên không cần thiết phải bán ra. Từ tín hiệu phân kỳ đầu tiên này, giá tiếp tục được kéo tăng thêm một đoạn khá xa.
Tuy nhiên trong tín hiệu phân kỳ thứ 2, giá đã phá vỡ đường xu hướng tăng một cách rõ ràng. Với hai tín hiệu phân kỳ liên tiếp và giá gãy trend, tín hiệu bán trở nên rất rõ ràng.
Hình 2: Sử dụng tín hiệu phân kỳ âm trên RSI
Xem thêm: Tiếp diễn xu hướng với tín hiệu phân kỳ ẩn
Bùi Văn Huy - Bộ phận chiến lược thị trường
Công ty cổ phần chứng khoán TP. Hồ Chí Minh HSC
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/phan-ky-am-la-gi-a10601.html