Chân gà ngâm sả tắc (sả ớt) chua ngọt, cay giòn là món ăn khoái khẩu của nhiều người, ăn vặt, ăn chơi hay trên bàn nhậu đều có sức hút khó cưỡng. Món này đã giúp rất nhiều anh chị em tự tin kinh doanh và thu về rất nhiều thành quả đáng mơ ước. Tuy nhiên, vẫn có những chị em chưa làm ra được một đĩa chân gà ngâm ưng ý, hợp miệng mình vừa miệng khách. Vậy hãy thử xem mình có đang mắc phải một trong những lỗi sai đáng tiếc dưới đây không nhé:
Rất nhiều anh chị em đã phản hồi lại với nhà Thơm về tình trạng thành phẩm chân gà sau khi ngâm bị đắng, khiến món ăn mất hoàn toàn đi vị chua ngọt thơm ngon và gây cảm giác cực kỳ khó chịu.
Nhà mình lưu ý chân gà bị đắng phần lớn do cách chúng ta xử lý những trái tắc (còn gọi là quất) bị lỗi đấy ạ. Trong vỏ tắc có chứa tinh dầu tạo ra mùi thơm đặc trưng, nhưng nếu không được sơ chế đúng cách sẽ tạo ra vị đắng. Tương tự thì một số người có thói quen cho lá chanh vào lọ (hộp) ngâm cũng phá hỏng mất hương vị thơm ngon của món ăn này.
Vậy thì cách khắc phục chuẩn chỉnh đó chính là:
+ Khi sơ chế tắc, phải bóc hết hạt trong tắc trước khi tiến hành ngâm vì nếu không sẽ làm cho nước ngâm chân gà bị đắng.
+ Lúc thái tắc, chị em nhớ chọn con dao sắc, hạn chế tối đa ma sát mạnh với vỏ quất sẽ làm vỡ túi tinh dầu làm nước ngâm bị đắng. Và đặc biệt là BỎ lát thái ở đầu & cuối mỗi quả nhé.
+ Tuyệt đối không cho tắc và lá chanh vào đun sôi cùng mắm, đường sẽ khiến cho nước mắm ngâm bị đắng, lát tắc sẽ bị nhũn, nát.
+ Sau khi nấu xong phải để phần nước ngâm nguội hoàn toàn rồi mới cho tắc vào, nếu
cho tắc vào lúc nước còn nóng sẽ làm phần nước ngâm bị đắng chát.
+ Lá chanh chỉ cho vào khi món chân gà ngâm sả ớt đã hoàn thành và bày lên đĩa hoặc đóng hộp để tăng vị thơm và trang trí cho món ăn.
Nếu trót ngâm chân gà rồi mới phát hiện ra bị đắng thì cứu vãn được không?
Lúc này hãy mau chóng đem chân gà ra, đổ bỏ toàn bộ phần nước ngâm cùng các nguyên liệu phụ như tắc, sả, ớt. Sau đó, trụng (chần) phần chân gà qua nước sôi, kiểm tra kỹ xem vẫn còn có thể sử dụng được hay không. Nếu chân gà chưa quá đắng, chị em cần tiến hành nấu nước ngâm lại từ đầu và cho lại vào chân gà để khắc phục. Còn nếu chân gà đã quá ngấm vị đắng rồi thì mình đành rút kinh nghiệm “để đời” cho lần sau nhé!
Tình trạng này có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bắt đầu từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến và bảo quản không đúng cách. Điểm qua các lỗi cơ bản như sau:
- Chọn nhầm chân gà chất lượng kém, bị ôi thiu, quá hạn hoặc có chứa chất bảo quản: Khi tiến hành chế biến chân gà sẽ bị mềm nhũn, ra nhiều nhớt và có mùi hôi không thể chịu nổi.
- Sơ chế chân gà không kỹ: đây là tình trạng rất nhiều chị em mắc phải dẫn đến việc chân gà bị nhớt. Yêu cầu khi sơ chế đó là phải lột bỏ hoàn toàn lớp da màu vàng bên ngoài, sau đó ngâm với muối trong vài phút, bóp giấm thật kỹ rồi rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để loại bỏ hết chất nhớt trong chân gà.
- Không vớt bọt khi luộc: trong nồi nước luộc chân gà sẽ nổi lên những váng bọt, nếu không hớt bỏ ngay thì cặn bọt sẽ bám lại vào chân gà gây ra tình trạng dính nhớt.
- Sau khi ngâm đá không rửa lại: nhiều chị em sau khi ngâm chân gà trong chậu nước đá lạnh thì vớt ra bỏ vào lọ ngâm mắm luôn mà không rửa lại. Điều này sẽ không thể đảm bảo loại bỏ tất cả cặn bám và mỡ gà còn dính trên chân gà và sẽ gây nhớt cho món ăn.
- Tủ bảo quản chưa đủ lạnh: nhiệt độ tủ bảo quản tối ưu nhất là từ 3-5 độ, nếu trên mức nhiệt này thì khả năng cao chân gà cũng sẽ dính nhớt. Và khi xếp hộp vào tủ thì chúng mình lưu ý phải xếp các hộp so le, xen kẽ nhau để hơi lạnh phủ hoàn toàn lên tất cả các hộp, gà ngâm nhận đủ nhiệt thì mới không bị ra nhớt.
Đây là lỗi cơ bản mà rất nhiều người mới gặp phải khi lần đầu làm món này. Để Thơm liệt kê thử các nguyên nhân nhé:
- Luộc chân gà quá kĩ: chân gà là bộ phận chín rất nhanh, nếu luộc quá lâu sẽ làm gà bị mềm nhừ, nhũn, phần ra sẽ bị nứt, rách và chắc chắn là không giòn nữa.
- Sau luộc không ngâm qua đá lạnh hoặc ngâm xong nhưng không rửa: Việc ngâm vào đá lạnh sẽ làm chân gà se lại, tăng độ dai giòn cho món ăn. Nếu bỏ qua bước này chân gà sẽ dễ bị mềm và kém đi độ giòn đáng kể. Một số người ngâm xong không rửa lại thì lớp cặn mỡ sẽ không tách được ra khỏi chân gà hoàn toàn, cũng dễ gây nên tình trạng chân bị mềm, không dai.
- Cho chân gà vào nước ngâm còn đang nóng: Nhiệt độ nước cao sẽ khiến chân gà dễ bị mềm, nhừ, cũng gây ra tình trạng nhớt về sau. Mọi người lưu ý phải để thật nguội nước mắm ngâm rồi mới bỏ chân gà vào nhé => Điều quan trọng phải nhắc lại nhiều lần.
Nguyên nhân của tình trạng này là cũng là do các chị em đã đổ nước mắm ngâm vào lọ khi còn nóng và đậy kín. Đồng thời khi gắp chân gà ra từ lọ (hộp) ngâm để ăn, nếu dùng dụng cụ không sạch, món ăn cũng sẽ bị nổi váng và nhanh hỏng hơn bình thường. Vì thế, muốn chân gà ngâm không bị nổi váng và để được lâu, cần đặc biệt lưu tâm đến nhiệt độ nước ngâm và vệ sinh sạch sẽ dụng cụ gắp chân gà.
Sau khi đã chế biến xong, nếu không dùng ngay thì nên cho vào hũ đậy kín nắp, bỏ vào tủ lạnh bảo quản dùng dần trong khoảng 1 tuần. Nếu để lâu hơn, món ăn sẽ có nhớt, cũng như mùi vị không còn trọn vẹn như trước. Vậy nên chúng ta tranh thủ thưởng thức từ 1-2 ngày ngay sau khi chế biến xong nhé.
Trên đây là các lỗi sai được tổng hợp từ comment/inbox của chị em học viên gửi về cho nhà Thơm, mọi người còn thắc mắc khó khăn gì cứ liên hệ với đội ngũ nhà em để được giải đáp nhiệt tình, hỗ trợ hết mình luôn nha!
Cảm ơn mọi người! <3
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/ngam-chan-ga-sa-tac-a33578.html