Chúc là loại cây có nguồn gốc từ Châu Á. Tại Việt Nam, đây là một loài cây đặc hữu của vùng đất Bảy Núi An Giang. Toàn cây có tinh dầu rất thơm, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, dược phẩm đến mỹ phẩm. Cây chúc rất được quan tâm trong y học thảo dược từ tinh dầu, lá, quả và vỏ. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về loại cây này qua bài viết dưới đây nhé!
Cây chúc (trúc) hay trấp (chấp, giấp) thuộc chi Cam chanh. Tại các nước còn có tên gọi là chanh Thái, chanh kaffir (kaffir lime), chanh Makrut hoặc chanh Magrood. Loại cây có nguồn gốc từ Châu Á và là loài cây bản địa của Lào, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Tại Việt Nam, đây là một loài cây đặc hữu vùng Bảy Núi An Giang. Hiện chúc được trồng rộng rãi trên thế giới để làm gia vị, hương liệu và mỹ phẩm.
Cây chúc rất được quan tâm trong y học thảo dược. Tinh dầu, lá, quả và vỏ đều được sử dụng vì chúng có chứa các chất mang lại mùi thơm và lợi ích như hàm lượng cao alkaloid.
Ngoài y học, chúc được sử dụng rất nhiều trong ẩm thực của người bản địa. Nhưng hãy cẩn thận nếu bạn chưa ăn bao giờ vì hương vị khá mạnh của chúng. Nhưng nếu ăn được, bạn sẽ không thể chối từ hương thơm đặc trưng ấy!
Chúc là cây thân gỗ nhỏ đến trung bình. Thân có gai ngang. Quả tròn, to hơn chanh, vỏ màu lục sần sùi khá dày, có hậu the và thơm lâu rất đặc trưng. Thịt quả màu vàng xanh, ít nước, cũng có vị the và chua độc đáo hơn chanh. Lá có tinh dầu, có hình dáng tựa lá bưởi, mùi thơm nồng chua the, hương vị phối trộn giữa lá chanh, lá bưởi non và lá cari tươi. Cây chúc dễ trồng, sống khỏe, chịu hạn giỏi. Cây chỉ cho thu hoạch một năm một lần vào mùa mưa. Hợp chất tạo ra mùi thơm đặc trưng là (-) - (S) -citronellal, chiếm tới 80% trong tinh dầu lá; thành phần phụ là citronellol (10%), nerol và limonene.
Tác dụng này được thấy qua tinh dầu từ lá, không phải quả. Chúc có tính sát khuẩn, có thể loại bỏ vi khuẩn có hại trong răng miệng. Bạn có thể chà trực tiếp lá chúc lên nướu răng để ngăn vi khuẩn.
Tinh dầu chúc được thêm vào các loại thuốc rượu có thể giúp ích cho những người có vấn đề về máu. Nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc rượu có tinh dầu chúc có thể có lợi cho sức khỏe.
Các thành phần được tìm thấy trong chúc cũng giống như trong sả. Các thành phần này có tác dụng chống viêm, đồng thời có thể kích thích hệ tiêu hóa. Ngoài ra, hương vị đặc biệt của cây lá và trái còn kích thích mạnh khứu giác và dịch vị, hỗ trợ tiêu hóa.
Citronellol và limonene trong chúc không hấp dẫn đối với côn trùng như muỗi. Vì vậy, bạn có thể thoa trực tiếp nước ép chúc lên cơ thể để ngừa côn trùng cắn nhanh chóng! Tuy nhiên, vẫn nên thử trước xem bạn có bị kích ứng không. Ngoài ra, trồng cây chúc trước nhà có khả năng ngăn rắn vào nhà. Đây là 1 trong 4 vị thuốc trị rắn cắn hiệu quả.
Nước chúc chứa các hợp chất chống oxy hóa và acid, giúp trung hòa các gốc tự do. Hãy chà lá chúc trên bàn tay để đem đến cho làn da hương thơm dịu nhẹ và tươi mát. Tuy nhiên, hãy kiểm tra phản ứng da với lá chanh ở cổ tay trước khi dùng.
Chất kháng khuẩn và chất chống oxy hóa trong chúc giúp tăng cường miễn dịch. Thêm vỏ hay lá chúc tươi vào bồn tắm nước nóng cũng tạo hương thơm thư giãn.
Một thực tế ít được biết là nước ép và lá chúc có thể giúp tăng cường chắc khỏe các nang tóc và cũng giữ ẩm cho da đầu. Không ít phụ nữ Khmer dùng quả chúc để gội đầu cho tóc mượt, cải thiện vẻ ngoài sáng bóng cho mái tóc và không bị gàu.
Hương thơm đặc trưng của chúc còn giúp khử tanh những món có độ đạm cao như bò, gà, lươn, rắn. Vò một vài lá và cho vào túi thơm để hương thơm lan tỏa trong không khí.
Đặc biệt, chúc có khả năng trị bệnh cho một số loài động vật. Người dân dùng quả này để rơ miệng cho những con trâu, bò bỏ ăn. Điều này giúp trâu bò ăn uống tốt hơn, mau khỏi bệnh. Kinh nghiệm dân gian còn cho lá giã nát xuống đáy ao hồ để khử khuẩn ao, giúp cá khoẻ mạnh và mau lớn.
Toàn cây có tinh dầu rất thơm nên được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, dược phẩm đến mỹ phẩm. Trong đó, bộ phận được sử dụng nhiều nhất là lá và quả (bao gồm nước cốt, vỏ quả).
Lá chúc có vị the như lá chanh nhưng thơm nồng và gắt hơn, không bị đắng và mất hương vị dù nấu lâu. Chúng được sử dụng trong nhiều món ăn Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Indonesia, Philippines, Malaysia… Lá non ăn sống trong salad, dùng nguyên lá khi nấu súp và cà ri, cắt nhỏ hay thái sợi trong món chả cá Thái, lẩu Thái, làm nước sốt ướp thịt lợn, cừu, gà…
Trong ẩm thực Việt Nam vùng Bảy Núi, lá chúc thái mỏng rắc lên món thịt gà hấp hay luộc; món hấp lá chúc (cá lóc, ốc, ngao, sò); xào lăn (lươn, ếch, rắn nước); kho (cá, thịt); làm gỏi (gà, hến); bò nướng lá chúc, các món lẩu, canh chua; gà ta hầm…
Những cách thưởng thức tuyệt vời khác như:
Lá chúc có thể được sử dụng tươi hoặc khô tùy vào mục đích và công thức chế biến. Mẹo nhỏ cho bạn: Ngoài dùng tươi, bạn có thể bảo quản đông lạnh để dùng dần (cho lá tươi vào túi nhựa ziplock, hút chân không và đặt trong tủ đông hay ngăn đá tủ lạnh). Bạn cũng có thể bảo quản lá bằng cách phơi khô dưới nắng, hay sấy khô lá. Với lá già, có thể bỏ gân và cuống để khỏi đắng, lá khô nên đập nhuyễn trước khi dùng.
Nước trái chúc chua gắt, hơi the, góp phần làm tăng hương vị của nhiều món ăn với vị thơm nồng đậm và lan tỏa. Phổ biến nhất là dùng ăn tươi, pha nước chấm; trộn gỏi, nấu canh, kho; khử tanh hải sản, lòng bò; làm mứt… Bên cạnh các món gà hấp lá chúc, lươn, ếch xào lá chúc, cá lóc hấp lá chúc, cá linh kho lạt,… vùng Tri Tôn, An Giang còn nổi tiếng với đặc sản cháo bò trái chúc - món ăn sự giao thoa văn hóa người Khmer và Việt. Trái chúc cũng thường được ngâm rượu làm thuốc chữa đau bụng, cảm mạo, gội đầu trị gàu hay tắm rửa.
Vỏ quả làm hương liệu khử mùi nước, làm sạch và tạo hương cho nước uống; làm dược liệu trị bệnh tiêu hóa, giải cảm, chống nôn, chống say xe; chiết xuất tinh dầu làm mỹ phẩm. Vỏ của cây có khi cũng dùng làm hương liệu, nó có vị đặc trưng là dịu đồng thời lại đắng và cay.
Chúc là loại cây đặc hữu của vùng đất Bảy Núi An Giang. Toàn cây có tinh dầu rất thơm, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, dược phẩm đến mỹ phẩm. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết hơn phần nào về chúc. Hãy thử trải nghiệm một lần loại cây với hương vị đặc trưng này một lần khi ghé qua An Giang nhé!
Dược sĩ Trần Vân Thy
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/cay-chanh-chuc-a36003.html