Bệnh ra mồ hôi tay chân là một tình trạng rất phổ biến ở những người trẻ hiện nay. Tình trạng này tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ra không ít bất tiện và cản trở tới công việc của người bệnh. Vậy bị ra mồ hôi tay chân làm thế nào? Có cách trị mồ hôi tay chân dứt điểm không? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
1. Triệu chứng của bệnh ra mồ hôi tay chân
Triệu chứng của bệnh ra mồ hôi tay chân do rối loạn thần kinh thực vật gồm có:
Lòng bàn tay, bàn chân thường xuyên bị ẩm ướt và lạnh, da hay bị bong tróc, nhợt nhạt, bàn chân có mùi hôi, trường hợp nặng có thể thấy mồ hôi thường nhỏ giọt ở lòng tay chân;
Bệnh ra mồ hôi chân tay đa số bắt đầu từ lúc nhỏ hoặc tuổi thiếu niên và nó kéo dài suốt đời. Đến tuổi dậy thì tình trạng ra mồ hôi tay chân có xu hướng nặng hơn, có thể đổ mồ hôi nhiều vị trí khác như đầu, mặt, nách,...;
Căn bệnh này thường có tính chất di truyền, trong gia đình bạn thường có bố hoặc mẹ cũng bị đổ mồ hôi nhiều;
Căn bệnh này gây ra mồ hôi tay chân cả trong mùa đông hay khi thời tiết mát mẻ;
Mồ hôi tay chân sẽ ra nhiều hơn khi bạn bị căng thẳng và lo âu, sợ hãi hoặc giận dữ.
Bệnh ra mồ hôi tay chân không gây hại cho sức khỏe của bạn nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến đời sống như là:
Gây khó khăn cho bạn khi cầm nắm đồ vật, viết hay các công việc cần thao tác ở đôi tay, nó gây ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của bạn.
Tác động tiêu cực về tâm lý, khiến bạn ngại tiếp xúc với người khác, luôn trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng, mất tự tin và làm hạn chế các mối quan hệ xã hội.
Dễ khiến cho bạn bị nhiễm nấm da, gây ngứa, nổi mụn nước, bong tróc da và mùi khó chịu.
2. Tại sao bị ra mồ hôi tay chân nhiều?
Cũng giống như các vùng da khác, ở 2 lòng bàn tay và lòng bàn chân của chúng ta tập trung rất nhiều tuyến mồ hôi, chúng sẽ bài tiết mồ hôi theo tín hiệu từ hệ thần kinh thực vật. Khi cơ thể bị nóng bức hay căng thẳng, nhánh giao cảm của hệ thần kinh thực vật sẽ ra tín hiệu cho tuyến mồ hôi tiết mạnh hơn để hạ thân nhiệt xuống.
Ở những người mắc bệnh ra mồ hôi tay chân thì lượng mồ hôi tiết ra ở lòng bàn tay, bàn chân nhiều hơn mức cần thiết, do hệ thần kinh hoạt động sai lệch, nhánh giao cảm bị hưng phấn quá mức đã kích hoạt tuyến mồ hôi bài tiết liên tục mà không theo nhu cầu của cơ thể. Y học gọi tình trạng này là bệnh tăng tiết mồ hôi tay chân.
Người mắc bệnh tăng tiết mồ hôi tay chân có thể bị ra mồ hôi vào bất cứ khoảng thời gian nào, kể cả vào mùa đông, lòng bàn tay, bàn chân vẫn luôn ẩm ướt, nhớp dính hoặc nặng hơn là mồ hôi nhỏ thành giọt gây cản trở sinh hoạt, làm mất tự tin khi giao tiếp.
3. Các cách chữa trị mồ hôi tay chân
Hiện nay, có một số cách chữa trị ra mồ hôi tay chân đang được áp dụng phổ biến đó là:
Chất chống mồ hôi dùng ngoài: Đây là thuốc trị mồ hôi tại chỗ dùng để bôi thoa, xịt ngoài da có chứa thành phần hóa học chính là muối nhôm. Khi thuốc tiếp xúc với da, mồ hôi sẽ hòa tan và kéo các hạt muối nhôm này vào lỗ chân lông, tạo thành nút bịt kín ống dẫn mồ hôi, ngăn cản thoát ra ngoài. Chất chống mồ hôi có thể duy trì tác dụng tối đa từ 24 - 48 tiếng tùy loại. Trước khi bôi chất chống mồ hôi bạn nên rửa sạch và lau khô tay chân, nên sử dụng thuốc vào buổi tối, nếu mồ hôi vẫn ra có thể thoa lại vào ban ngày. Tuy nhiên, chất chống mồ hôi có thể gây kích ứng da, nóng rát, dày sần, hoặc mẩn đỏ khi sử dụng thường xuyên. Mặc dù rất tiện dụng, nhưng việc sử dụng chất chống mồ hôi chỉ là biện pháp tạm thời để giúp ngừng chảy mồ hôi tay chân, do đó bạn chỉ nên dùng khi cần thiết.
Thuốc uống điều trị mồ hôi tay chân: Nếu bạn đã sử dụng chất chống mồ hôi ngoài da nhưng không hiệu quả, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống. Các loại thuốc thường được sử dụng là các thuốc kháng Cholinergic như Oxybutynin, Glycopyrrolate, Propantheline... hoặc thuốc chẹn beta như Atenolol, Metoprolol... Cả 2 nhóm thuốc này đều có hiệu lực mạnh hơn vì làm ức chế hệ thần kinh giao cảm. Thuốc uống điều trị mồ hôi tay chân còn ức chế tiết mồ hôi trên toàn cơ thể, hiệu quả của thuốc kéo dài trong vòng 4 - 6 tiếng sau khi uống. Tuy nhiên, bạn cần phải thận trọng và tuân thủ chỉ định của bác sỹ khi dùng các loại thuốc này, vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ như bí tiểu, táo bón, khô miệng, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, nhìn mờ, chóng mặt...
Cách chữa trị mồ hôi tay chân bằng thảo dược: Nếu bạn lo ngại tác dụng phụ của thuốc tây thì việc sử dụng những sản phẩm trị mồ hôi tay chân từ thảo dược là lựa chọn an toàn, lành tính hơn. Phương pháp này cũng được đánh giá cao bởi hiệu quả giảm tiết mồ hôi tốt và tác dụng lâu dài. Trong đó, có một số thảo dược đã được nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng như Thiên môn đông, Hoàng kỳ, Sơn thù du,... Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu - Đại học Bundelkhand, Ấn Độ, cho thấy Thiên môn đông có hoạt tính ổn định trên hệ thần kinh thực vật, giúp giảm sự hưng phấn của hệ thần kinh giao cảm tương tự như các thuốc kháng Cholinergic, đây chính là điểm mấu chốt để có thể kiểm soát tình trạng ra mồ hôi tay chân một cách tối ưu.
Phương pháp điện di ion: Điện di ion là phương pháp sử dụng một thiết bị gọi là máy điện di, nó hoạt động dựa trên nguyên lý là cho vùng da bị tiết nhiều mồ hôi tiếp xúc với nước có dòng điện cường độ thấp (khoảng 10 - 30mA) chạy qua để vô hiệu hóa tạm thời các tuyến mồ hôi tại chỗ. Bạn sẽ đặt bàn tay, bàn chân vào khay điện di chứa nước, thời gian cho mỗi lần điện di từ 20 - 40 phút. Thời gian đầu cần điều trị 3 - 4 buổi/tuần, sau đó khi lượng mồ hôi giảm thì giảm dần rồi duy trì 1 buổi/tuần. Tuy nhiên, phương pháp điện di ion có thể gây ra các tác dụng phụ như là ngứa, khô da quá mức hoặc bỏng điện... Người bị bệnh động kinh, bệnh tim, ghép máy tạo nhịp hoặc dụng cụ bằng kim loại trong cơ thể không thể sử dụng phương pháp điện di ion và giải pháp này cũng chỉ giúp cải thiện được tình trạng ra mồ hôi tạm thời.
Phương pháp tiêm botox: Chất botox có bản chất là độc tố botulinum A được chia thành nhiều liều nhỏ và tiêm lần lượt vào lòng bàn chân, lòng bàn tay của bạn. Botox sẽ ức chế hệ thần kinh giao cảm tại chỗ, không cho giải phóng Acetylcholine, từ đó làm giảm mồ hôi. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm botox như là sưng đau tại chỗ, khó cử động tay chân hay yếu cơ tạm thời, nhìn mờ... Mỗi liệu trình tiêm botox có hiệu quả trong khoảng 4 - 6 tháng, khi thuốc hết tác dụng cần phải tiêm nhắc lại. Tuy nhiên, đây lại là một phương pháp khá tốn kém, chi phí dao động từ 4 - 10 triệu đồng/1 lần tiêm, nên không phải bệnh nhân nào cũng có thể sử dụng được.
Phẫu thuật cắt hạch giao cảm: Phẫu thuật cắt hạch giao cảm được chỉ định cho người bị tăng tiết mồ hôi tay. Trước đây, các bác sỹ cũng từng thực hiện phương pháp này để điều trị mồ hôi chân nhưng vì nó gây liệt dương, tiểu không tự chủ... nên hiện nay không còn áp dụng. Với phương pháp này, bác sỹ phẫu thuật sẽ tiến hành mổ nội soi lồng ngực để loại bỏ 2 chuỗi hạch giao cảm nằm từ đốt sống ngực L2 đến L4, đây chính là nơi tiếp nhận tín hiệu giữa hệ thần kinh giao cảm và tuyến mồ hôi ở tay. Cắt hạch giao cảm là phương pháp điều trị ra mồ hôi tay có hiệu quả khá tốt, tuy nhiên, nó lại có rủi ro cao hơn, sau phẫu thuật bạn có thể gặp phải như: Tăng tiết mồ hôi bù trừ (50 - 90%), xuất huyết nhiễm trùng đau ngực, tràn dịch màng phổi, rối loạn nhịp tim sụp mí mắt...
Khi áp dụng các phương pháp điều trị mồ hôi tay chân kể trên, để kiểm soát mồ hôi tốt hơn, bạn cần lưu ý:
Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê, đồ uống chứa caffein;
Tránh ăn đồ ăn cay nóng, hạn chế sử dụng các loại gia vị nóng như ớt, tiêu, tỏi...;
Luôn giữ tinh thần thư giãn thoải mái, không nên căng thẳng và thức khuya;
Uống đủ nước từ 1.5 - 2 lít/ngày, tăng cường bổ sung các loại rau củ và trái cây tươi;
Bạn có thể ngâm tay chân với lá lốt, chè xanh hoặc nước muối... điều này sẽ giúp giảm mồ hôi tốt hơn;
Nên đi dép, sandal hoặc giày vải, giày hở mũi để cho bàn chân được thông thoáng. Tránh đi giày chật, giày nhựa tổng hợp gây bí chân.
Lựa chọn tất có chất liệu cotton, sợi tre thấm mồ hôi tốt và thay tất hằng ngày.
Như vậy có thể thấy cho đến hiện nay, chúng ta chưa có cách trị mồ hôi tay chân dứt điểm. Các phương pháp điều trị trên đều chỉ là tạm thời và có thể gặp phải một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng, vì vậy bạn cần cân nhắc trước khi lựa chọn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.