Khi đến 11 tháng tuổi, trẻ sẽ không còn khuynh hướng to ra theo bề ngang một cách nhanh chóng nữa mà bé ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, khi khả năng tự ngồi và đứng lên của trẻ ngày càng vững vàng, trẻ sẽ bắt đầu nhìn thế giới từ tư thế thẳng đứng, điều này khiến mọi thứ xung quanh trở nên vô cùng thú vị.
Theo biểu đồ tăng trưởng của trẻ, cân nặng trung bình của một em bé 11 tháng tuổi là 8,7 kg (19,2 pound) đối với trẻ em gái là 9,4 kg (20,8 pound) đối với trẻ em trai. Đồng thời, chiều cao trung bình là 72,9 cm (28,7 inch) đối với trẻ em gái và 74,4 cm (29,3 inch) đối với trẻ em trai. Hầu hết các bé trong giai đoạn này có thể cao thêm khoảng 1.3 cm mỗi tháng và nặng thêm 100 kg mỗi tuần, nhưng khi bé biết đi và trở nên năng động hơn, tốc độ phát triển của bé có thể bắt đầu chậm lại một chút. Vì vậy, cha mẹ có thể thấy em bé 11 tháng tuổi của mình không tăng cân nhanh như trước đây.
Theo đó, bé 11 tháng nặng 8kg hay bé 11 tháng nặng 8.5 kg là thấp hơn hay suy dinh dưỡng so với chỉ số bình thường. Nguyên nhân thường là do chế độ ăn cho bé chưa đầy đủ so với nhu cầu hay cha mẹ còn gặp khó khăn khi tập cho bé ăn dặm. Dù thế, nhận xét về cân nặng của bé trước khi đưa ra còn phải so sánh với chỉ số cân nặng trẻ đạt được trong tháng trước đó. Nếu có sự tăng lên thì vẫn có thể chấp nhận được, bởi những trẻ đang mắc các bệnh lý cấp tính, bệnh bẩm sinh hay trẻ có tiền sử sinh non, sinh nhẹ cân thì chỉ số cân nhẹ hơn so với các trẻ cùng trang lứa vẫn phần nào có thể được chấp nhận. Ngược lại, nếu ghi nhận đường cong này trở thành một đường thẳng nằm ngang, nhất là khi kéo dài qua vài tháng liên tục, cha mẹ cần đưa trẻ đến tham vấn các bác sĩ nhi khoa hay chuyên khoa dinh dưỡng để được can thiệp kịp thời.
Các giác quan
Em bé 11 tháng có thể nhìn khá rõ trong khoảng cách lên đến 60cm. Nhờ đó, bé có thể dễ dàng quan sát các đồ vật khi chúng di chuyển cũng như dễ bị thu hút bởi các hình ảnh, đồ chơi di động, nhiều màu sắc.
Về thính giác, bé đã biết cách chú ý lắng nghe và giờ đây khả năng này đã được tích hợp với thị giác. Nói cách khác, bé vừa nhìn vừa nghe, biết nhận ra mẹ hay người thân, đồng thời không ngừng tìm hiểu thêm về những gì đang diễn ra xung quanh mình.
Các ngón tay của em bé dường như không ngừng hoạt động. Bé rất thích được thử thách với các món đồ chơi mới cũng như thích khám phá bên trong mọi vật, xem cách chúng hoạt động như thế nào.
Vận động
Bé 11 tháng ngày càng giỏi hơn trong việc tập bò và có thể bò với tốc độ nhanh hơn. Đây là cách thức di chuyển chính của trẻ. Tuy nhiên, khi trẻ biết đi vững vàng thì sẽ thấy đi bộ mới giúp cơ thể thoải mái hơn.
Theo đó, trẻ có khuynh hướng vịn vào đồ đạc xung quanh để tự mình đứng lên và bước đi từng bước đầu tiên. Mặc dù bàn chân chưa vững vàng để chịu đựng sức nặng của cơ thể và giữ thăng bằng, trẻ vẫn không ngừng bỏ cuộc và cố gắng lặp lại. Nếu không thể tự mình tìm cách với tới món đồ mong muốn, trẻ biết cách chỉ vào món đồ đó và khiến người lớn lấy cho mình. Ngược lại, một số trẻ cũng học được cách nhận biết người thân cũng như từng bộ phận trên cơ thể mình hay các đồ vật xung quanh và chỉ vào khi được hỏi ai, ở đâu.
Chế độ ăn của em bé 11 tháng tuổi bao gồm bú sữa mẹ hoặc sữa công thức ba đến năm lần một ngày và có ba bữa ăn dặm với thức ăn đặc, cộng với một đến ba bữa phụ. Một số bà mẹ nghĩ cần bắt đầu cai sữa cho con khi trẻ sắp bước tới 1 tuổi nhưng nên biết rằng lợi ích của sữa mẹ vẫn kéo dài đến những năm trẻ mới biết đi. Thậm chí, nhiều phụ nữ tiếp tục cho con bú sau sinh nhật đầu tiên và cảm thấy điều này rất vui, đem lại năng lượng tích cực trong cuộc sống. Do đó, đây là quyết định cá nhân, vì vậy hãy làm những gì phù hợp với chính mình và con trẻ.
Trong trường hợp mẹ không còn sữa, ngoài bữa ăn dặm, trẻ cần được bổ sung sữa công thức phù hợp với tuổi. Theo đó, các loại sữa tươi, sữa nguyên kem nên đợi đến khi trẻ tròn một tuổi. Lúc này, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ đủ trưởng thành để xử lý sữa bò thông thường, tránh gây rối loạn đường ruột còn tương đối chưa hoàn thiện của trẻ.
Về những bữa ăn đặc, các bác sĩ nhi khoa luôn khuyến khích cha mẹ nên áp dụng chế độ ăn dặm tự chỉ huy cho trẻ. Lúc này, cha mẹ nên để trẻ trong các ghế tập ăn và hướng dẫn em bé tự đưa thức ăn vào miệng bằng các ngón tay cũng như bắt đầu khám phá cách sử dụng thìa. Nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ 11 tháng tuổi nên đến từ nhiều loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa - pho mát và sữa chua - và protein - thịt bò, thịt gà, cá, đậu phụ. Nên cho bé ăn nhẹ vào buổi sáng và buổi chiều để bé có đủ năng lượng hoạt động cả ngày. Bánh quy giòn, trái cây và ngũ cốc khô đều là những lựa chọn ăn vặt tốt trong các bữa phụ này.
Em bé 11 tháng tuổi có thể vẫn duy trì thời gian ngủ tổng cộng khoảng 13 đến 14 giờ mỗi ngày. Khoảng 10 đến 11 giờ trong số đó là vào ban đêm và trẻ có thể ngủ hai giấc ngủ ngắn trong tổng số khoảng ba giờ ngủ ban ngày.
Cha mẹ có thể tiếp tục đặt con đi ngủ nằm ngửa như bình thường nhưng đừng lo lắng nếu chúng thường xuyên tự mình thay đổi cơ thể, bao gồm cả chuyển sang nằm sấp trong đêm vì nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh là rất ít từ khoảng 8 tháng tuổi. Trong thực tế, hầu hết trẻ 11 tháng đều có thể lăn theo cả hai hướng một cách dễ dàng và một số dường như chỉ có thói quen thích nằm sấp khi ngủ.
Chỉ một số rất ít trẻ tự thức dậy vào ban đêm, nhất là khi cảm thấy khó chịu, chẳng hạn như bị đau khi mọc răng, do quá nóng hoặc quá lạnh hoặc vì... đói bụng. Theo đó, để đảm bảo con có giấc ngủ ngon trong khi nguồn năng lượng đòi hỏi luôn dồi dào, cha mẹ phải cho trẻ ăn đủ ba bữa chính mỗi ngày cùng các bữa phụ để trẻ không bị đói vào ban đêm.
Tóm lại, khi trẻ 11 tháng, trẻ đã trở nên rất năng động và không ngừng khám phá mọi vật xung quanh. Do đó, chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, vừa đảm bảo duy trì nguồn năng lượng dồi dào hoạt động cả ngày cho trẻ, vừa giúp trẻ tăng trưởng theo biểu đồ phát triển cân nặng chiều cao của trẻ. Đây là chính nền tảng cho sự khởi đầu về thể chất tốt nhất trong những năm tiếp theo cho đến khi trẻ trưởng thành.
Ngoài ra, trẻ 11 tháng tuổi cần 5mg kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/tre-11-thang-tuoi-nang-bao-nhieu-kg-a37198.html