Làm thế nào để loại bỏ những vảy gàu đáng ghét trên mái tóc?

Gàu trên tóc khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp. (Ảnh: iStock)
Gàu trên tóc khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp. (Ảnh: iStock)

Và mùa Thu và mùa Đông, khi thời tiết hanh khô nhất, bạn nhìn vào gương và phát hiện có những vảy nhỏ màu trắng vướng trên tóc hoặc rơi đầy trên vai áo, bạn thở dài ngao ngán: gàu đã xuất hiện.

Gàu là tình trạng da đầu bị bong tróc và ngứa, phổ biến ở cả nam và nữ và ở mọi lứa tuổi. Theo sinh lý bình thường, lớp da đầu ngoài cùng sau gian khoảng thời một tháng sẽ chết đi, tạo thành những vảy nhỏ li ti. Các tế bào này sẽ được thay thế bằng các tế bào da đầu mới khác.

Tuy nhiên, nếu do một sự tác động nào đó khiến cho chu kỳ tế bào da đầu suy yếu, chết và bong tróc bị rút ngắn lại (chỉ còn 2-3 tuần), thì các tế bào cũ bị thay thế quá nhanh, trong khi tế bào mới phát triển mạnh làm bong tróc các vảy trắng, đôi khi là các mảng lớn, dính vào tóc và vai áo, đó chính là gàu.

Mặc dù tình trạng này có thể khiến bạn cảm thấy hơi xấu hổ, mất tự tin khi giao tiếp nhưng nó không lây nhiễm và không nghiêm trọng, có thể điều trị được.

Một số nguyên nhân gây ra gàu

Ai cũng có thể bị gàu và nguyên nhân gây ra gàu không chỉ có một. Hãy cùng tìm hiểu để có hướng điều trị hiệu quả.

Gàu do viêm da

Viêm da đầu là tình trạng da đầu bị đỏ, kèm vảy da màu trắng, mỏng, dính vùng trán đỉnh, có thể lan khắp vùng đầu. Tình trạng viêm da cũng xuất hiện ở mặt với những đám da màu đỏ có vảy và có ranh giới rõ rệt.

Gàu do da khô

Da đầu khô do không có đủ dầu và độ ẩm, rơi vào tình trạng rối loạn, dễ kích ứng và bong tróc, dễ phát sinh những vảy trắng nhỏ.

Gàu do nấm men Malassezia

Malassezia thuộc họ nấm men sinh sống trên da người có sở thích ăn chất dầu, bã nhờn trên da, hình thành các axit béo tự do, gây phản ứng viêm da kích ứng. Hệ quả là tế bào sừng da đầu tăng sinh quá mức và tạo vảy da đầu. Do đó, những người da dầu dễ bị gàu hơn so với nhóm da khác.

Gàu do sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc

Dầu gội, gel tạo kiểu, thuốc nhuộm, thuốc uốn tóc hay mỹ phẩm chăm sóc tóc có chứa các thành phần tẩy rửa, chất bảo quản… không thân thiện với da đầu cũng là các tác nhân gây ra gàu.

Các sản phẩm này khiến độ pH của da đầu bị ảnh hưởng và xáo trộn, mất cân bằng về độ ẩm, làm da đầu khô hơn mức bình thường và sinh gàu.

Gàu do bệnh lý

Một số bệnh lý như viêm da tiết bã nhờn, bệnh vảy nến, bệnh chàm… đều là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến da đầu và sinh vảy gầu.

Gàu do stress

Nếu bạn trải qua tình trạng căng thẳng kéo dài lâu ngày, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể, mà còn khiến bạn dễ mắc phải một số vấn đề về da.

Stress kéo dài sẽ kích hoạt quá trình bong tróc các tế bào da chết, sản sinh nhiều gàu hơn hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh hiện có.

Gàu do… gội đầu

Gội đầu quá nhiều hoặc quá ít cũng gây ra tình trạng gầu. Nếu gội đầu quá nhiều lần trong tuần, da đầu sẽ mất chất dầu bảo vệ, độ pH bị xáo trộn. Ngược lại, gội đầu quá ít khiến cho da chết tích tụ, sinh nhiều dầu, bít tắc lỗ chân lông, nấm có cơ hội sinh sôi và làm tăng các vảy gàu.

Cách để thoát khỏi gàu

Gội đầu đúng cách

Tần suất gội đầu phổ biến cho hầu hết các loại tóc và da đầu là 2- 3 ngày/lần. Trường hợp da đầu tiết nhiều dầu hoặc thường xuyên vận động, tập luyện thể thao ra nhiều mồ hôi, bạn có thể gội đầu mỗi ngày hoặc cách ngày với các loại dầu gội phù hợp.”

goi dau.jpg
Gội đầu quá ít hay quá nhiều đều có thể gây ra gàu. (Ảnh: iStock)

Với những người đang bị gàu, Mélanie Froliger, Giám đốc nghiên cứu lâm sàng, Chuyên gia về tóc của Phòng thí nghiệm Pierre Fabre tư vấn: “Hãy sử dụng dầu gội trị gàu và làm dịu da đầu 2-3 lần một tuần. Cách gội là 2 lần dầu, trong đó lần gội đầu tiên giúp loại bỏ vảy gàu, lần gội thứ hai để các hoạt chất thẩm thấu vào da đầu để trị gàu, đồng thời làm dịu cảm giác ngứa do gàu gây ra."

Khi gội lưu ý không dùng móng tai để gãi cho đã cơn ngứa mà nhẹ nhàng dùng phần thịt ở đầu ngón tay để massage nhẹ nhàng da đầu.

Tẩy tế bào chết da đầu

Da đầu cũng cần được chăm sóc giống như da mặt, trong đó không thể bỏ qua phần tẩy da chết da đầu, bao gồm việc sử dụng các chất tẩy da chết vật lý hoặc hóa học để loại bỏ các tế bào da thừa, dầu và gàu bám quanh và làm tắc nghẽn chân tóc.

Tẩy tế bào chết da đầu thường được thực hiện tóc ướt. Sau khi chải kỹ và tách các phần tóc, bạn dùng đầu ngón tay thoa hỗn hợp tẩy tế bào chết lên. Hoặc cũng có thể sử dụng bàn chải hoặc găng tay được thiết kế để tẩy da chết.

Nếu sử dụng chất tẩy da chết vật lý, hãy chà xát theo chuyển động tròn một cách nhẹ nhàng.

Tuy nhiên chỉ nên tẩy tế bào da đầu 1 lần/tuần. Bởi tẩy da chết quá nhiều có thể khiến da đầu mất cân bằng và tiết nhiều dầu đề bù lại.

Cắt giảm đồ ăn có đường hoặc cay

Gàu phát sinh thường do dư thừa nấm Candida. Thức ăn cay và chứa nhiều đường sẽ thúc đẩy sự phát triển quá mức của loại nấm này, vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn nên cân nhắc cắt giảm chúng.

Bên cạnh đó, ăn nhiều đường khiến cơ thể phải tiêu hao một lượng lớn vitamin B, một chất thiết yếu trong việc chống lại các bệnh về da, từ đó dễ làm thiếu hụt loại vitamin này trong cơ thể và tăng sinh gàu.

Tăng lượng kẽm trong chế độ ăn uống

Kẽm có tác dụng cân bằng lượng bã nhờn trên da đầu, chống gây gàu và ngăn ngừa tác hại của một số kim loại nặng có trong nước máy, giúp mái tóc sạch và khỏe mạnh hơn.

Viện Tóc Farjo ở London (Anh) cho biết việc bổ sung kẽm trong chế độ ăn uống có thể mang lại hiệu quả kỳ diệu trong việc ngăn ngừa gàu. Cơ thể chúng ta không đòi hỏi quá nhiều kẽm, chỉ 8mg ở phụ nữ và 11mg ở đàn ông mỗi ngày.

hau tri gau.jpg
Hàu là thức ăn chứa nhiều kẽm. (Ảnh: iStock)

Các thức ăn cung cấp kẽm cho cơ thể gồm các loại cây họ đậu, hàu, thịt gà, thịt lợn, thịt bò và các loại hạt.

Chế độ ăn giàu Omega-3

Thực phẩm giàu omega-3 sẽ là giải pháp chống gàu vô cùng hiệu quả. Bởi omega-3 giúp giữ cho làn da đầu ngậm nước, ngăn chặn sự khô da đầu và hạn chế phát triển gàu.

Nhóm thực phẩm giàu omega-3 nên bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày gồm có cá mòi, cá hồi, cá ngừ, hạt lanh, quả óc chó, đậu đỏ, đậu nành…

Một số cách trị gàu đơn giản tại nhà

Giấm táo: Hai lần một tuần, thoa hỗn hợp 1/4 cốc dấm táo và 1/4 cốc nước lên tóc đã gội sạch trong khoảng từ 30-60p, sau đó xả lại với nước.

Baking soda: Lấy 20g baking soda hòa cùng nước ấm rồi trực tiếp thoa hỗn hợp này lên da đầu và massage nhẹ nhàng để baking soda thấm đều, giữ nguyên như vậy khoảng 15-20 phút rồi gội lại với nước sạch.

Nên thực hiện 3 lần/ tuần, sau 7 ngày là bạn đã thấy gàu giảm đi đáng kể rồi.

het gau.jpg
Một mái tóc đẹp, sạch gàu là điều ai cũng mong muốn. (Ảnh: iStock)

Dầu dừa: Chuẩn bị khoảng 5 thìa dầu dừa, sau đó làm ướt tóc và thoa đều dầu dừa lên da đầu. Massage thật nhẹ nhàng để dầu dừa được thẩm thấu tốt nhất và ủ tóc trong khoảng khoảng thời gian 20 phút, sau đó gội lại cho thật sạch.

Tuy nhiên đừng làm điều này quá nhiều. Dầu dừa có khả năng gây mụn cao và có thể gây tắc nghẽn lỗ chân lông, hãy nhớ gội thật sạch cho hết dầu dừa trên da đầu.

Nha đam: Dùng phần gel của nha đam thoa lên da đầu rồi ủ trong thời gian từ 30-60. Sau đó gội sạch bằng dầu gội dịu nhẹ và nước. Duy trì thực hiện từ 2 đến 3 lần /tuần, bạn sẽ thấy gàu được giảm đáng kể.

Dầu oliu: Lấy 1 lượng dầu oliu vừa đủ với độ dày mái tóc của bạn rồi thoa lên phần da đầu và nhẹ nhàng massage trong khoảng 15 phút. Sau đó gội lại thật sạch với dầu gội.

Với cách làm này, bạn nên sử dụng đều đặn từ 2-3 lần/tuần để đạt hiệu quả tốt nhất và cũng lưu ý luôn gội thật sạch để loại bỏ hết dầu oliu trên da đầu nhằm tránh gây mụn./.

Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/cach-de-het-gau-a38944.html