Ultra-rich, hay giới siêu giàu, được định nghĩa là những cá nhân có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên. Với lượng tài sản khủng, giới tinh hoa chỉ chiếm 1% dân số thế giới, nhưng lại có khả năng kiểm soát hơn 20% sự thịnh vượng của một quốc gia.
Giới siêu giàu gồm hai nhóm: những người giàu mới nổi và những gia đình giàu lâu đời. Chúng ta đã nghe nhiều về những tỷ phú tự thân như Elon Musk hay Jeff Bezos. Thế nhưng, quyền lực và lượng tài sản của họ không là gì khi so với những gia đình siêu giàu. Tại Hàn Quốc, chaebol được dùng để ám chỉ những nhà tài phiệt, những tập đoàn gia đình khổng lồ chi phối nền kinh tế, chính trị, xã hội tại Hàn Quốc như Samsung, LG hay Hyundai. Hay tại Mỹ, gia đình Walton - nhà sáng lập Walmart - có tổng tài sản ròng trị giá hơn 247 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Như một lẽ đương nhiên, khi có quyền lực và nhiều tài sản trong tay, họ không cần phải ăn mặc phô trương để thể hiện sự giàu có của mình. Tiến sĩ tâm lý học thời trang Dion Terrelonge cho biết “quiet fashion” được giới siêu giàu ưa thích vì “Nó là một cách thể hiện bạn là ai qua những gì bạn mặc nhưng không phải mọi người đều dễ dàng tiếp cận “khí chất” này. Chỉ những người hiểu biết mới hiểu rằng bạn đang mặc một thứ gì đó danh giá.” Quả là một cách “lọc” bớt đi những người đu bám theo sự giàu có mà thiếu đi những nền tảng cần thiết.
Trong đại dịch, giới siêu giàu này cũng chính là “thiên thần” để lý giải cho việc ngành hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng dù hầu như thế giới đang bất động. Milton Pedraza - nhà sáng lập của Luxury Institute - cho biết giới siêu giàu chiếm đến 20% tổng lượng khách hàng của các thương hiệu xa xỉ. Đa số doanh thu của các công ty đến từ những vị khách “rủng rỉnh” và chịu chi này. Nhờ đó, các công ty xa xỉ thường có xu hướng trải qua suy thoái trễ hơn những ngành hàng khác.
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/quiet-luxury-a39057.html