Giống và thời vụ gieo trồng
Giống: Tùy theo điều kiện từng nơi mà bà con có thể chọn giống cho phù hợp.
Ví dụ: Giống Thường Tín (giống địa phương); giống Hồng Hà 2 và Hồng Hà (nguồn gốc từ Ấn Độ); Giống KT2 và một số giống có nguồn gốc từ Hà Lan, Pháp,…..
Thời vụ:
+ Thời vụ sớm: Trồng trong các tháng 9, tháng 10, thời gian thu hoạch vào cuối tháng 12 và đầu tháng 1.
+ Thời vụ muộn: Trồng từ tháng 12 và tháng 1.
Làm đất và bón phân:
Chọn loại đất pha cát hoặc đất thịt nhẹ có tầng canh tác dày, nhiều mùn. Chọn những nơi chưa trồng cây khoai tây hoặc cây họ cà, cày bừa kỹ làm đất tơi xốp.
Lên luống càng cao càng tốt, lên luống trồng 1 hàng khoai tây thì mặt luống rộng 0,7 - 0,8m; trồng thành 2 hàng 1 - 1,2m.
Phân bón cho 1ha: phân chuồng: 15 - 20 tấn; 200-250kg super lân; 180kg Kali; 200 - 250kg Đạm ure.
Bón lót toàn bộ phân chuồng + toàn bộ phân lân + 30% đạm và 30% kali.
Bón thúc lần 1: 30% đạm và 30% kali kết hợp vun xới lần 1.Bón thúc lần 2: hết số đạm và số kali còn lại kết hợp vun xới lần 2.
(Trường hợp bà con không có đủ phân chuồng hoai mục có thế dùng phân gà ủ hoai mục hoặc dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo).
Kỹ thuật trồng:
- Bổ củ: Nguyên tắc trồng giống có củ to thì sẽ cho năng suất cao hơn, tuy nhiên với lượng giống trên 1 héc-ta khá lớn, để tiết kiệm giống, với kích cỡ củ giống to (thường đường kính củ tên 4,5 cm) thì nên tiến hành bổ củ giống. Tùy kích cỡ củ mà tiến hành bổ làm đôi hoặc làm ba. Cách bổ và xử lý củ giống như sau:
+ Dùng dao sắc, lưỡi mỏng để cắt. Trước mỗi lần cắt bắt buộc phải nhúng vào cồn có nồng độ cao hoặc nước xà phòng đậm đặc nhằm ngăn chặn nấm làm cho củ bị thối.
+ Xác định mỗi miếng bổ có từ 2-3 mầm, thường bổ dọc củ. Ngay sau khi bổ xong, chấm ngay phần cắt vào bột xi-măng khô và không để bột xi măng bám nhiều sẽ hút nước làm củ giống dễ khô, héo.
+ Khoai tây giống sau khi bổ rải đều, phủ tải ẩm lên trên để giữ ẩm. Không để đống sẽ dễ bị thối. Chú ý phải để nơi thoáng mát.
Sau khi bổ, xử lý xong như quy trình nói trên, có thể đưa giống ra ruộng trồng với thời gian tối thiểu sau 12 giờ và tối đa 1 tuần, tùy theo điều kiện ruộng sản xuất. Trong trường hợp đất đã chuẩn bị sẵn sàng, có độ ẩm tốt và đã được bón lót bằng phân chuồng hoai mục thì có thể trồng sớm. Với đất trồng chưa đủ điều kiện (đất quá khô, quá ướt…) thì phải xử lý đủ điều kiện mới đem trồng.
Với giống khoai nguyên củ và giống đã bổ củ sau khi xử lý: giống đưa ra ruộng trồng tốt nhất là khi mầm hơi nhú là có thể trồng ngay được. Không nên để mầm mọc dài vì như vậy khi trồng sẽ dễ bị gãy mầm.
Chú ý: Trong thời gian bảo quản khi mang khoai giống về chưa trồng ngay thì tuyệt đối không được tưới nước. Trường hợp muốn mầm mọc nhanh thì cho khoai vào thúng, phủ tải hoặc rơm rạ hơi ẩm lên trên để nơi thoáng mát, khô ráo; nhưng tránh độ ẩm cao khoai dễ bị thối.
(Thông thường khoai tây được trồng bằng củ. Nên chọn những củ to làm giống, củ càng to càng tốt. Củ giống cần đảm bảo 20 - 25g/củ, có thể cắt củ ra thành nhiều miếng, mỗi miếng từ 1 - 3 mầm. Bổ củ bằng dao sắc, nhúng dao vào nước xà phòng đặc sau mỗi lần bổ. Chấm miếng cắt vào bột xi măng khô để tránh bị chảy nhựa, xếp một lượt lên giàn).
Khoảng cách trồng: hàng cách hàng 40 - 55cm, cây cách cây: 30 - 35cm. Trước khi trồng cần dùng phân trộn thật đều rồi cho vào hốc. Không được để củ khoai giống trực tiếp trên phân. Nên chọn những hôm trời hanh khô để trồng khoai tây. Khi đặt củ khoai tây vào hốc cần để cho mầm khoai tây ở trạng thái tự nhiên, sau đó lấp đất lên củ dày từ 3-5 cm.
Kỹ thuật che phủ:
- Sau khi bón lót, dùng rơm rạ hoặc dùng trấu phủ kín mặt luống dày từ 5 - 7 cm;
- Khi cây cao 20-25 cm phủ bổ sung thêm rơm rạ đảm bảo dộ dày 10 -12cm, phủ kín cả mặt và 2 bên mép luống, dùng đất cày làm rãnh đè lên rơm rạ cho rơm rạ không bị bay.
Kỹ thuật chăm sóc:
- Sau khi trồng khoảng 20 - 25 ngày thì tiến hành bón thúc lần 1 với 30% lượng đạm; 30% kali. Có thể kết hợp với nước pha loãng để tưới. Bón thúc lần 2 sau lần 1 khoảng 15 - 20 ngày với số lượng phân đạm và kali còn lại.
- Cần vun xới nhẹ lần 1 sau trồng khoảng 7-10 ngày kết hợp với tỉa mầm (chỉ để lại từ 3-5 thân/khóm). Lần 2 khi cây được 20 - 25 ngày, xới sâu vun cao kết hợp với bón thúc. Lần 3 sau trồng khoảng 30 - 45 ngày, xới nhẹ, vét rãnh luống, vun cao gốc.
- Đất phải được giữ ẩm thường xuyên để giúp cho quá trình sinh trưởng và phát triển thân, lá củ được thuận lợi. Nên tưới lần 1 khi cây mọc được 15-20 ngày, tưới ngập rãnh. Tưới lần 2 sau lần 1 từ 15-20 ngày. Tưới lần 3 sau khi trồng 60-65 ngày. Ngoài ra còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mà bà con có thể thay đổi số lần tưới cho phù hợp.
Giai đoạn trước khi thu hoạch 15-20 ngày tuyệt đối không được tưới nước nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng củ khoai tây.
- Phòng trừ sâu bệnh hại:
+ Sâu khoang
Khi khoai tây mọc đều tiến hành làm bả chua ngọt cắm trên ruộng để diệt trưởng thành; cắm 200-250 bả/ha (khoảng 10bả/sào); cắm bả liên tục trên ruộng, khi bả bị khô cần bổ sung thêm dung dịch của bả.
+ Bệnh mốc sương
Nguyên nhân gây bệnh do nấm. Phát sinh chủ yếu khi củ bắt đầu hình thành. Bệnh phát triển liên tục, phá hại nặng trong những năm thời tiết ẩm ướt, rét và mưa kéo dài, trời có nhiều sương mù, nhiệt độ dưới 20oC. Bệnh hại mạnh từ tháng 12 đến tháng 2.
Biện pháp phòng trừ: dùng củ giống sạch bệnh, ruộng phải thoát nước và phải được luân canh. Bón phân phải cân đối, bón tập trung, không nên bón nhiều đạm, không được trồng quá dày, sạch cỏ dại và tàn dư cây trồng, nhổ bỏ cây bệnh và tiêu huỷ tàn dư. Nếu thời tiết có mưa, sương mù, bệnh xuất hiện với tỷ lệ 10% trở lên dùng thuốc trừ bệnh như: Ridomil Gol 68WP, Mancozeb 80WP, Curzate M8 72WP, Kocide 53,8DF,Zineb 80WP, Vodoc 30WP…
+ Bệnh vi rút
Nguyên nhân gây bệnh do vi rút. Các loại vi rút khoai tây truyền bệnh bằng phương pháp tiếp xúc giọt dịch qua vết thương và truyền bệnh nhờ côn trùng môi giới mà chủ yếu là rệp đào . Bệnh vi rút truyền sang thế hệ sau qua củ giống.
+ Bệnh héo xanh(héo rũ)
Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn. Vi khuẩn truyền bệnh qua củ giống, qua đất, qua tiếp xúc giọt dịch hoặc nước tưới nhiễm khuẩn.
Biện pháp phòng trừ: dùng củ giống sạch bệnh, đảm bảo quy định về cách ly với các cây ký chủ của rệp. Phun thuốc trừ rệp môi giới truyền bệnh. Tưới nước đúng kỹ thuật. Không dùng phân chuồng tươi.Ruộng nhân giống khoai tây nên luân canh với lúa nước. Nhổ bỏ cây bệnh và tiêu huỷ tàn dư. Khi nhổ bỏ cây bệnh bằng tay, người làm nhiệm vụ không để tay tiếp xúc với cây khoẻ. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh héo xanh, có thể sử dụng các loại thuốc sau để hạn chế lây lan: Ditacin 8L; Physan 20EC; Staner 20WP;Sasa 20WP; Hoả tiễn 50WP…
+ Rệp đào, Nhện trắng, Rệp sáp trắng
Biện pháp phòng trừ: đảm bảo quy định về cách ly với các cây ký chủ của rệp, không lấy giống ở những ruộng có rệp, nếu củ giống có rệp phải xử lý diệt hết rệp trước khi trồng. Trừ nhện bằng các loại thuốc: Kuraba 3.6EC, 1.8 EC; Otus 5 SL...; trừ rệp bằng các loại thuốc:Polytrin 440 EC, Supracide 40EC, Trigard 100 SL
Thu hoạch: khi củ đạt độ chín sinh lý, biểu hiện là thân lá đã chuyển sang
màu vàng tự nhiên vỏ củ lúc này nhẵn bóng và rắn chắc, phải chọn vào những ngày nắng ráo, thanh lọc và loại bỏ cây bệnh trước khi thu hoạch.
- Sau trồng 90-95 ngày chỉ cần lật bỏ lớp rơm rạ, củ khoai lộ ra và thu hoạch.
- Thu hoạch vào ngày nắng ráo, đất không quá ẩm. Rỡ củ và hong khô vỏ ngay trên ruộng. Phân loại củ sơ bộ tại ruộng, loại bỏ củ bị bệnh. Vận chuyển nhẹ nhàng, tránh làm xây xát vỏ.
Tác giả: Đinh Thị Hòa - Chi Cục QLCL NLS&TS
Chi cục QLCL NLS&TS
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/trong-khoai-tay-a39271.html