Theo TS Dương Hoàng Lộc, Trưởng bộ môn Nhân học - Tôn giáo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM, tháng cô hồn kéo dài từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/7 âm lịch hàng năm. Quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn có từ lâu và mang tính phổ biến.
“Vi Lê Minh - nhà nghiên cứu văn hóa Trung Quốc, ghi nhận nhiều địa phương ở Trung Quốc gọi tháng 7 âm lịch là Quỷ tiết và Thi cô. Các cách gọi đó thể hiện thời điểm để mọi người cầu nguyện cúng vái.
Niềm tin trên bắt nguồn từ Đạo giáo, sau đó ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân gian Trung Quốc. Lâu dần, dân gian Trung Quốc lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa quan Đại đế quản lý.
Tháng 7 âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với ngày sinh nhật của Địa quan Đại đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Điều này đồng nghĩa với việc ma quỷ, vong hồn quay lại trần gian mang theo những tai ương, xui rủi cho nhân gian.
Do đó, ngày Rằm tháng 7, dân gian Trung Quốc bày hương án cúng tế ma quỷ, thả đèn trôi sông, nhằm chỉ lối dẫn đường cho các linh hồn, ma quỷ bị chết oan từ nhiều kiếp trước bước qua cầu Nại Hà để đầu thai”, TS Dương Hoàng Lộc cho biết.
Nguồn gốc của tháng cô hồn có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng tất cả đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn, đề cao việc báo hiếu và làm phúc.
Ở Việt Nam, dân gian cho rằng, tháng 7 âm lịch là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn. Các chùa thiết lập trai đàn chẩn tế, để “tài pháp nhị thí” cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng.
Tháng 7 âm lịch cũng là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời. Phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng, quan tâm, chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2024, tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch, nhằm ngày 4/8 đến 2/9 dương lịch.
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/thang-co-hon-la-thang-may-a39779.html