Nhớ mùa chem chép bên sông

Chem chép sau khi luộc lấy thịt có thể dễ dàng chế biến rất nhiều món xào, nấu canh ngon miệng cho bữa cơm cả nhà. Chem chép sau khi luộc lấy thịt có thể dễ dàng chế biến rất nhiều món xào, nấu canh ngon miệng cho bữa cơm cả nhà.

(VLO) Chưa vào tháng 5 âm lịch, chem chép (vẹm) đã “ghim” đầy con rạch, cái giống nhuyễn thể nước ngọt hiền lành ai bắt cũng được, chẳng cần phải dùng dụng cụ đào như loài chem chép sống ở biển, đã lâu thiệt lâu rồi nên lại thèm nhớ những mùa chem chép hồi xưa, nên rủ rê lội sông mò chem chép một bữa ăn chơi.

Con rạch không rộng lắm nhưng nước chảy thông thương cung cấp nguồn nước chủ yếu cho cả khu vực trồng rẫy, đoạn vào nội đồng chảy trong những diện tích đất nhà ít bị ai quấy phá, nên lâu lâu… ngó chừng là đủ các loại cá, tôm, thủy sản.

Một đoạn bãi bùn cạn chạy dài hễ tới mùa thường xuyên sinh sôi nảy nở đầy những con chem chép, con nào con nấy mập tru trú, to gần bằng 3 ngón tay, nhìn bắt ham.

Nước trong đứng trên bờ cũng có thể nhìn thấy những con chem chép phơi mình dưới đáy nước, khi đụng vào chúng sủi những bọt tăm lăn tăn. Một loài đặc sản miền Tây nhưng lại khá rẻ tiền, có lẽ nhờ vậy mà chúng kịp sinh sôi còn khá nhiều.

Hai ba người xúm lại mò chút xíu đã đầy một thau chem chép, tầm chục ký là đủ để chế biến đủ thứ món cho cả nhà rồi.

Đặc biệt, mọi người trông đợi nồi cháo chem chép, chỉ cần dằn xíu muối hột, chẳng cần nêm nếm gì để thưởng thức chất ngọt tinh túy từ thịt chem chép mới là đúng điệu.

Hồi xưa dọc các bãi sông có khi chem chép nằm sắp lớp đặc lừ, chỉ lấy rổ xúc một chút là đủ bữa ăn rồi. Giờ phải mò từng con. Món này có thể chế biến thiệt nhanh làm mồi nhậu lai rai, nhưng ít nhất phải ngâm nước cơm vo, hoặc nước muối tầm vài tiếng đồng hồ, để nhả sạch các chất bùn, cát.

Bình thường thì ngâm nước qua đêm là được rồi. Người quê, trải chiếu dưới vườn chuối, bày bếp than ở giữa mà nướng từng vỉ chem chép, khi chúng sủi bọt mở miệng là chín rồi.

Quơ quàu mấy cọng rau vườn, chem chép chấm muối ớt, cứ thế mà lai rai. Có lẽ đó là món tinh túy nhất, mà chẳng cần phải xào nấu, mỡ hành gì làm mất đi vị ngọt của thịt chem chép.

Thịt chem chép không ngọt đậm như thịt hến, nhưng cánh đàn ông khoái cái thịt con nào con nấy tru trú, cắn một miếng thịt dai dai, sần sật, nước tứa ra vừa đủ ngọt hòa quyện mấy hột muối ớt cay cay, cái sự ngon nó mộc mạc mà quyến rũ rất vừa vặn với ly rượu đế nồng nàn đậm chất dân dã miền Tây.

Cái ngon nó không nằm ở sự cầu kỳ nêm nếm quá nhiều gia vị mà đánh lừa cảm giác, một là nướng theo kiểu thật nguyên sơ, hay luộc sả hoặc làm tô canh thêm mấy lá rau răm là được rồi, không nên thêm thứ gì nữa để thưởng thức trọn vẹn hương vị những con chem chép bên sông nhà.

Được biết, chem chép giàu các loại vitamin, khoáng chất rất tốt cho xương khớp; có hàm lượng giàu can- xi, ma- giê, kẽm dạng hữu cơ giúp tăng cường sức khỏe và sự ổn định xương, tốt cho người cao tuổi. Món ngon lại rẻ tiền tốt cho sức khỏe và sự dẻo dai.

Một món ngon đặc biệt, nhưng ít khi thấy xuất hiện ở các hàng quán, đi chợ thì lâu lâu mới thấy, có lẽ nhờ vậy mà con rạch chảy vô xóm rẫy vẫn sinh sôi đầy những con chem chép thiệt to và mập ú.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/con-vem-song-a40149.html