Vú sữa là một loại trái cây được rất nhiều gia đình ưa chuộng hiện nay. Nhưng liệu ăn vú sữa có mập không, hãy cùng tìm hiểu vú sữa bao nhiêu calo và cách ăn giảm cân qua bài viết dưới đây nhé!
1Vú sữa bao nhiêu calo?
Theo nghiên cứu, trong 100g vú sữa có chứa tới khoảng 67,2 kcal. Thông thường, mỗi quả vú sữa sẽ có trọng lượng trung bình từ 200 - 300 g. Như vậy, cơ thể sẽ tiếp nhận khoảng 134 - hơn 200 kcal khi tiêu thụ hết một quả vú sữa. [2]
Trong 100g vú sữa có chứa tới khoảng 67,2 kcal
2Ăn vú sữa có mập không?
Quả vú sữa không những không chứa chất béo mà còn cung cấp một lượng thấp lượng calo, 67 kcal/100 g nên khi tiêu thụ vú sữa không lo tăng cân.
Hơn nữa, lượng chất xơ dồi dào có trong vú sữa có khả năng khiến bạn cảm thấy no lâu hơn và giảm cảm giác thèm ăn. Từ đó có thể giúp bạn giảm cân và ngăn ngừa béo phì. [3]
Vú sữa có thể giúp bạn giảm cân và ngăn ngừa béo phì
3Cách ăn vú sữa giảm cân
Có rất nhiều cách để chế biến vú sữa để thêm vào chế độ ăn của bạn. Tuy nhiên, có một số điều bạn cần hạn chế là thêm đường, sữa và chế biến đơn giản để giữ lại vitamin, khoáng chất cần thiết.
Ăn trực tiếp
Ăn trực tiếp là một cách ăn rất phổ biến đối với mọi người bởi sự đơn giản mà hình thức này đem lại. Bạn chỉ cần thực hiện một bước duy nhất đó là bỏ đi lớp vỏ ở phía ngoài, chỉ như vậy là bạn đã có thể thưởng thức loại trái cây này.
Ăn trực tiếp là một cách ăn vú sữa rất phổ biến
Sinh tố vú sữa
Bạn có thể chuẩn bị một ly sinh tố vú sữa vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng theo các nguyên liệu và bước thực hiện cụ thể như sau:
Nguyên liệu:
- Vú sữa chín: 2 trái.
- Nước dừa tươi và cơm dừa: 1 trái.
- Sữa tươi.
- Đường hoặc sữa đặc.
Cách làm:
- Bước 1: Đông đá nước dừa trong khoảng 1 tiếng thành từng viên nhỏ trong khuôn đông đá. Rửa sạch vú sữa, dùng tay bóp nhẹ cho quả nhũn đều và cắt làm đôi. Dùng thìa nạo lấy phần thịt và loại bỏ hạt.
- Bước 2: Cho phần thịt vú sữa, cơm dừa, nước dừa đã đông đá, sữa tươi, sữa đặc hoặc đường với lượng tùy thích vào máy xay đến khi các nguyên liệu nhuyễn mịn và hòa trộn hoàn toàn vào nhau. Bạn có thể gia giảm phần sữa đặc hoặc đường lại sao cho phù hợp với khẩu vị của bản thân.
- Bước 3: Đổ hỗn hợp xay được ra ly và có thể thưởng thức ngay còn lạnh.
Bạn có thể chế biến một ly sinh tố vú sữa vừa thơm ngon vừa bổ dưỡng
Vú sữa dầm
Tương tự với sinh tố vú sữa, vú sữa dầm cũng là món ăn phổ biến đơn giản, dễ làm không chỉ mang lại tác dụng giải nhiệt mà còn giúp ổn định cân nặng, duy trì vóc dáng cho chị em phụ nữ.
Nguyên liệu:
- Vú sữa chín: 2 trái.
- Sữa chua: 1 hộp.
- Đá bào.
Cách làm:
- Bước 1: Tách lấy cùi thịt 2 trái vú sữa chín, bỏ vỏ và loại bỏ hết hạt.
- Bước 2: Dùng thìa dằm nhỏ thịt vú sữa ra với kích thước tùy thích.
- Bước 3: Cho thêm sữa chua, đá bào và một ít sữa đặc nếu thích vào tô, trộn đều lên và thưởng thức.
Vú sữa dầm cũng là món ăn phổ biến, đơn giản và dễ làm
4Tác dụng của vú sữa
Những dưỡng chất trong vú sữa có thể mang lại nhiều tác dụng và lợi ích cho sức khỏe con người như:[3]
- Hỗ trợ tim mạch: Vú sữa là nguồn cung cấp glycosid tim tốt giúp làm hạ huyết áp, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim và duy trì sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, vú sữa còn chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid và vitamin E, C, và A ngăn ngừa tổn thương oxy hóa của tế bào và tăng cường sức khỏe tim mạch. [4]
- Hỗ trợ phòng ngừa, kiểm soát bệnh tiểu đường: Các hợp chất hoạt tính sinh học có trong vú sữa bao gồm các alkaloid, polyphenol có thể ức chế enzyme glucosidase làm tăng lượng đường trong máu. Vú sữa cũng chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên chống lại stress oxy hóa và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
- Tăng chức năng não, trí nhớ: Hợp chất lipopolysacarit có trong vú sữa được chứng minh giúp tăng cường chức năng trí nhớ và ngăn ngừa sự suy giảm nhận thức. Đồng thời, đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của những loại trái cây này có khả năng đảo ngược tổn thương và phục hồi chức năng não. [5]
- Hỗ trợ phòng ngừa ung thư: Một nghiên cứu cho thấy polyphenol trong vú sữa có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư xương. Hơn nữa, pectin và các chống oxy hóa như beta-carotene và vitamin E cũng có đặc tính chống viêm giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư.
Vú sữa có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch
5Ăn nhiều vú sữa có tốt không?
Vú sữa đem lại cho cơ thể của chúng ta rất nhiều lợi ích cụ thể. Tuy nhiên, chúng cũng có thể mang lại các tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bạn nên lưu ý:
- Không ăn quá nhiều vú sữa hoặc sử dụng liên tục trong thời gian dài dễ gây táo bón hay nóng trong người vì vú sữa có tính nóng, chứa nhiều ofacrid và nhựa chát trong phần vỏ có thể dẫn đến tình trạng táo bón, đặc biệt ở phụ nữ có thai, người già và trẻ nhỏ.
- Không ăn những quả vú sữa còn xanh.
- Không ăn những quả đã quá chín, úng, thối vì rất dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.
- Không ăn quá sát vỏ vú sữa hoặc ăn vở vì chúng có rất nhiều nhựa chát. Các loại nhựa này có khả năng gây dị ứng gây ra các triệu chứng gồm sổ mũi, nổi mề đay, ngứa, thở khò khè và khó thở. [6]
Ăn quá nhiều vú sữa có thể dễ gây táo bón
6Lưu ý khi ăn vú sữa
Ai không nên ăn vú sữa?
Một số đối tượng không nên sử dụng vú sữa gồm:
- Người bị dị ứng: Mặc dù dị ứng vú sữa rất hiếm nhưng có thể gây ra hội chứng mủ trái cây với các triệu chứng như sổ mũi, nổi mề đay, ngứa, thở khò khè và khó thở. Do đó, nếu có tiền sử dị ứng mủ cao su tự nhiên bạn không nên ăn vú sữa. [7].
- Bệnh nhân sỏi thận: Hàm lượng oxalate trong vú sữa cao nên những người có vấn đề về thận nên tránh ăn hoặc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi có dự định sử dụng nhằm hạn chế xảy ra các vấn đề về thần kinh như lú lẫn, co giật và thậm chí tử vong. [8]
- Người bị tiểu đường, người bị vấn đề về dạ dày: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn vì vú sữa có tác dụng làm giảm lượng đường huyết lại có tính nóng, chứa nhiều ofacrid dễ gây táo bón.
Những người có tiền sử dị ứng mủ cao su không nên ăn vú sữa
Lưu ý khi chọn mua, bảo quản vú sữa
Khi chọn mua vú sữa, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Nên chọn quả vú sữa có lớp vỏ ngoài bóng nhẵn, ít trầy xước, màu sáng, có sự chuyển màu từ xanh nhạt sang màu kem hồng đến hơi nâu ở phần đáy quả.
- Nên chọn những quả vú sữa còn tươi, nguyên phần cuống và lá. Thông thường, vú sữa để từ 1 - 2 ngày thì đã rụng cuống và lá.
- Tránh chọn những quả có phần vỏ bị khô héo, nhăn nheo vì đã để lâu, không còn hương thơm và vị ngọt khi ăn.
- Không chọn những quả vú sữa còn xanh vì khi ăn có vị chát và cần phải đợi chín nhưng không cảm nhận được vị ngọt.
Khi bảo quản vú sữa, bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Dùng khăn ướt để lau sơ trên bề mặt quả trước khi bảo quản.
- Nên cho vú sữa vào màng bọc hoặc túi bóng, rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 0 - 4 độ C, dùng được trong khoảng 7 ngày.
- Có thể dùng lá lục bình tươi để gói mỗi quả vú sữa và cho vào thùng xốp để vận chuyển đi xa, đây là cách bảo quản dân gian để giữ được độ ẩm và tránh bị trầy xước, dập nát quả. Thời gian bảo quản vận chuyển có thể lên đến 10 - 14 ngày so với cách việc không dùng lá lục bình (chỉ được 3 - 4 ngày).
Bạn nên chọn quả vú sữa có lớp vỏ ngoài bóng nhẵn, ít trầy xước
Lưu ý khi ăn vú sữa
Đầu tiên, bạn cần xoay vú sữa và bóp nhẹ cho đến khi mềm. Nếu bạn ăn trực tiếp vú sữa mà không bóp cho mềm thì quả sẽ có vị đắng, chát và không ngon, thậm chí là ăn không được. Tiếp theo, tách đôi hoặc dùng dao cắt đôi và dùng thìa lấy thịt ra ăn.
Bạn nên xoay vú sữa và bóp nhẹ cho đến khi mềm trước khi ăn
7Giải đáp thắc mắc khi ăn vú sữa
Ăn vú sữa có nóng không?
Quả vú sữa thực chất có tính nóng, nếu dùng nhiều có thể dẫn đến tình trạng nổi mụn hay phát nhiệt đối với cơ thể. Ngoài ra, những người hay táo bón cũng nên cẩn thận khi ăn vú sữa vì có thể làm nặng hơn tình trạng này.
Quả vú sữa có tính nóng nên ăn nhiều có thể gây nổi mụn
Bà bầu ăn vú sữa có được không?
Vú sữa có thể mang lại cho bà bầu những lợi ích với khẩu phần ăn vừa phải trong thai kỳ như:
- Giảm cảm giác buồn nôn.
- Bà bầu ăn vú sữa giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
- Hỗ trợ quản lý cân nặng khi mang thai.
- Ngăn ngừa thiếu máu khi mang thai.
- Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
- Giúp duy trì đường huyết khỏe mạnh.
- Hỗ trợ sức khỏe xương.
- Tăng cường sức mạnh cho hệ thống miễn dịch.
- Làm đẹp da.
- Hỗ trợ hấp thu sắt tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn có một số lưu ý cho bà bầu khi ăn vú sữa như sau:
- Không ăn vú sữa khi bị dị ứng với các loại trái cây họ Hồng Xiêm.
- Nên hạn chế ăn vú sữa nếu thấy nóng trong người, thay thế bằng các loại quả có tính mát như dưa hấu, lê, cam, quýt,... để dễ tiêu hóa hơn.
- Lựa chọn các quả vú sữa tươi và tránh việc ăn quá sâu sát lớp vỏ ngoài vì rất dễ dính nhựa chát có khả năng làm trầm trọng hơn triệu chứng táo bón ở mẹ bầu.
Vú sữa có thể mang lại cho bà bầu nhiều lợi ích với khẩu phần ăn vừa phải
.
Vú sữa là một loại trái cây có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt và đem lại cho cơ thể nhiều lợi ích cụ thể nhưng vẫn có một số lưu ý nhất định. Do đó, trước khi dùng bạn nên ghi nhớ một số điều đã được liệt kê phía trên để đảm bảo an toàn cho cơ thể. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy thông tin hữu ích bạn nhé!