Sông Hồng (còn gọi là sông Cái, sông Cả, sông Thao, Nhị Hà, Nhĩ Hà) bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) có tổng chiều dài 1.149km, trong đó đoạn dòng chảy trên đất Việt Nam dài 556km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam.
Tại địa phận Hà Nội, sông Hồng chảy qua các quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm.
Theo dòng chảy thời gian, sông Hồng bồi đắp phù sa, hình thành nên một vùng đất đai màu mỡ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Sông Hồng không chỉ là biểu tượng của một nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn mang lại nhiều giá trị văn hóa đặc thù và đáng trân trọng của người Việt Nam.
Sông Đà là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, dài 927km, cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Đặc điểm có hàng trăm ghềnh thác hiểm trở, lưu lượng nước lớn, cung cấp hơn 30% lượng nước cho sông Hồng.
Hàng loạt các thủy điện lớn được xây dựng trên sông Đà như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... Sông Đà còn được gọi là dòng sông năng lượng. Vào những thời điểm hồ thủy điện tích nước, lòng sông thu hẹp để lộ ra những bãi cát lớn.
Ảnh chụp sông Đà tại cầu Đồng Quang, con sông là ranh giới tự nhiên giữa Hà Nội (bên trái) và tỉnh Phú Thọ (bên phải).
"Nước sạch sông Đà" là dự án lấy nước sông Đà cấp về thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục những khó khăn trong việc cấp nước sạch từ các nguồn nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt ở vùng thành phố.
Sông Đuống là phân lưu của sông Hồng, dài 65km, nối liền hai con sông lớn của miền Bắc là sông Hồng và sông Thái Bình. Điểm đầu tại nơi giáp ranh giữa xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) và quận Long Biên của thành phố Hà Nội. Điểm cuối tại xã Cao Đức (Bắc Ninh) để hợp lưu với sông Thương thành sông Thái Bình.
Trong ảnh là điểm đầu sông Đuống (bên trái).
Hiện sông Đuống có 6 cây cầu bắc qua. Địa phận Hà Nội gồm cầu Đuống, cầu Đông Trù, cầu Phù Đổng. Địa phận Bắc Ninh gồm cầu Kinh Dương Vương, cầu Hồ, cầu Bình Than.
Trong ảnh là cầu Kinh Dương Vương bắc qua sông Đuống.
Sông Tô Lịch là con sông nhỏ chảy trong nội thành Hà Nội. Dòng chính chảy qua các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì. Chiều dài sông chỉ 13,5km.
Sông Tô Lịch được gọi là dòng sông chết do nguồn nước ô nhiễm nặng, không còn tôm cá sinh sống. Ngày nay, đoạn sông lộ thiên chỉ còn khoảng gần 14km, bắt nguồn từ các cống lớn, nhỏ, sau đó đổ vào sông Nhuệ.
Sông Tích bắt nguồn từ vùng núi Ba Vì, chảy qua các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, sau đó nhập vào sông Đáy tại ngã ba Ba Thá, huyện Chương Mỹ. Tổng chiều dài 110km.
Ảnh chụp tại xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội).
Nhiều năm qua, do việc xây dựng một số hồ chứa cùng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp và tác động của biến đổi khí hậu, nguồn sinh thủy của sông Tích trở nên cạn kiệt, đặc biệt vào mùa khô, nhiều đoạn đã trở thành sông chết. Đầu năm 2023, nước sông Đà được dẫn vào sông Tích qua cống đầu mối xã Thuần Mỹ (Ba Vì) bổ sung nguồn nước tưới cho 8 huyện phía tây và tây nam thành phố.
Sông Đáy có chiều dài khoảng 240km, là phân lưu của sông Hồng chảy qua Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định rồi đổ ra vịnh Bắc Bộ tại Cửa Đáy. Sông là dòng chảy chính của các sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Bôi, sông Hoàng Long, sông Sắt, sông Nam Định, sông Vạc.
Khu vực gần với nội thành Hà Nội nước sông có màu đen kịt, bốc mùi nặng nề, gần như không có tôm cá. Năm 2007, công trình đưa nước từ sông Hồng ở cống Cẩm Đình qua hệ thống kênh tiêu Cẩm Đình - Hiệp Thuận dài 12km với kỳ vọng làm sống lại dòng sông Đáy.
Trong ảnh là đoạn sông Đáy ô nhiễm tại xã Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội).
Sông Kim Ngưu cổ là một phân lưu của sông Tô Lịch. Lấy nước từ sông Tô Lịch ở ô Cầu Giấy chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi hợp lưu trở lại ở Văn Điển.
Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ còn chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội. Hiện Kim Ngưu còn lại một đoạn lộ thiên, dài khoảng gần 4km, từ Ô Đông Mác đến hồ Yên Sở.
Sông Nhuệ là một con sông nhỏ, thuộc phụ lưu của sông Đáy. Sông dài khoảng 76km, uốn lượn theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Đoạn thuộc địa phận Hà Nội dài 63km. Trong ảnh là sông Nhuệ đoạn địa phận xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội).
Sông Nhuệ cũng là dòng sông chết do nguồn nước ô nhiễm trầm trọng. Hiện trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có khoảng 2.521 nguồn thải, trong đó có 1.672 nguồn thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh; 126 nguồn thải từ khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 137 nguồn thải từ các cơ sở y tế (bệnh viện), 586 làng nghề.
Sông Cầu là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình, sông nằm lọt trong vùng Đông Bắc Việt Nam. Tại địa phận Hà Nội, sông Cầu là ranh giới tự nhiên giữa huyện Sóc Sơn và tỉnh Bắc Giang.
Lưu vực sông Cầu có dòng chính là sông Cầu với chiều dài 290km, bắt nguồn từ núi Văn Ôn (Vạn On, Bắc Kạn) và đổ vào sông Thái Bình ở Phả Lại.
Cuối cùng là sông Cà Lồ, lấy nước từ sông Hồng, kết hợp với nguồn nước từ dãy núi Tam Đảo để đổ vào sông Cầu tại địa phận xã Việt Long (huyện Sóc Sơn - Hà Nội). Sông có chiều dài 89km.
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/hinh-anh-dong-song-a41868.html