Phong tục xin xăm (xin xâm), xin keo, gieo quẻ đầu năm là gì, bạn biết chưa?

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường đi xin xăm, xin keo hay gieo quẻ đầu năm với mong muốn một năm mới bình an và thành công hơn. Nhưng xin xăm, xin keo, gieo quẻ là gì và có ý nghĩa như thế nào thì không phải ai cũng nắm được. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng Coolmate tìm hiểu kỹ hơn về hoạt động thu hút này nhé!

Xin xăm (xin xâm)

1. Xin xăm (xin xâm) là gì?

Xin xăm hay xin xâm là một phong tục truyền thống mỗi dịp đầu năm mới của người Việt. Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều người thường sẽ đến chùa, miếu để lễ Thần, Phật cầu mong một năm bình an cho bản thân và gia đình, sau đó xin xăm (xin xâm).

Thực ra trước kia xin xăm (xin xâm) chỉ là một trò chơi may rủi trong dịp Tết, phục vụ cho mục đích giải trí của con người. Nhưng trong tín ngưỡng của người Việt ta hiện nay, xin xăm được coi là một hoạt động tâm linh, giúp con người kết nối với những bậc siêu nhiên và lắng nghe Thần ý.

xin xăm là gì

Xin xăm là hoạt động thu hút người Việt mỗi đầu năm mới (Ảnh: damri.edu.vn)

Có 2 loại xăm là xăm thường (hay Tướng Quân Linh Sám) và xăm thuốc (hay Tả Tướng Quân Hoàng Tiên Lương Phương). Bạn có thể hiểu như sau:

+ Xăm thường được gọi là Tướng Quân Linh Sám. Loại xăm này thường có 100 lá xăm đánh số từ 1 đến 100. Xăm thường sẽ cho người xin biết Thần ý về cưới gả, cầu tài, bổn mạng, bệnh tật, gia đạo, cầu quan, mưu sự, xuất hành, kiện cáo và mất trộm trong năm của gia đình.

+ Xăm thuốc được gọi là Tả Tướng Quân Hoàng Tiên Lương Phương. Cũng như xăm thường, xăm thuốc bao gồm 100 lá đánh số từ 1 đến 100, chỉ một màu vàng. Xăm thuốc sẽ không phân biệt tốt xấu và cho biết Thần ý về các thứ bệnh tật mà bạn có thể gặp phải trong năm.

xin xăm là gì

Xin xăm có 2 loại là xăm thường và xâm thuốc (Ảnh: vuanem)

2. Các hình thức xin xăm phổ biến hiện nay

Hiện nay có 8 loại xin xăm thường gặp như Tả Quân, Quan Âm, Quan Thánh, ông Bổn, Cửu Thiên Huyền Nữ, Bà Chúa Xứ, Hoàng Đại Tiên, Bắc Đế.

# Xin xăm Tả Quân

Có thể nói đây là một trong những hình thức xin xăm phổ biến nhất hiện giờ. Xin xăm Tả Quân chủ yếu với mong cầu bình an, ít đau ốm và bệnh tật.

# Xin xăm Quan Âm

Phong tục xin xăm này có nguồn gốc từ truyền thuyết Quan Thế Âm Bồ Tát lắng nghe nỗi đau, ai oán cùng lời cầu cứu từ chúng sinh (dân chúng). Khi nghe thấy những lời đó, Quan Âm Bồ tát sẽ ta tay cứu giúp và tương trợ. Vì vậy, xin xăm Quan Âm ra đời từ đó.

phong tục xin xăm

Phong tục xin xăm này xuất phát từ truyền thuyết Quan Thế Âm Bồ Tát (Ảnh: Coolmate)

Quẻ xăm này thường gồm lời giáo huấn, chỉ dạy, răn đe con người phải sống hướng thiện, tu tâm, dưỡng tính. Đồng thời, phù trợ cho con người về sức khỏe, gia đạo, tình duyên, …

# Xin xăm Quan Thánh

Bạn nên xin xăm Quán Thánh vào ngày mùng 1, ngày rằm hoặc ngày đầu xuân năm mới để cầu mong bình an, tài lộc. Cũng như, được Thánh chở che, phù hộ cho cuộc sống an yên, êm ấm, hạn chế rủi ro, tai nạn. Một điều cần nhớ là mỗi ngày chỉ nên bốc quẻ xăm 1 lần thì mới linh nghiệm, không nên bốc nhiều lần trong một ngày.

# Xin xăm ông Bổn

Tương truyền, ông Bổn hay ông Bổn Đầu Công là một vị công thần có công với đất nước với nhiệm vụ bảo vệ đất đai và dân chúng. Xin xăm ông Bổn gồm 28 quẻ lấy theo tên của 28 chòm sao để cầu mong bình an, tài lộc với gia chủ.

xin xăm là gì

Xin xăm ông Bổn để cầu mong bình an và tài lộc (Ảnh: bachhoaxanh)

# Xin xăm Cửu Thiên Huyền Nữ

Cửu Thiên Huyền nữ còn được biết đến là Huyền Nữ hay Oa Huỳnh, Cửu Thiên Nương Nương. Vào thời loạn lạc, nhân dân khổ sở, lầm than, Cửu Thiên Huyền Nữ đã ra tay cứu giúp “cứu khổ cứu nạn”, che chở và chỉ dẫn người dân thoát khỏi kiếp nạn. Từ đó, bà được tôn sùng và thờ phụng ở chùa chiền và đền miếu.

Xin xăm Cửu Thiên Nương Nương có thể giúp bạn loại bỏ muộn phiền, lo âu và hướng tới những điều tốt đẹp, thanh thản trong tâm hồn. Thời điểm lý tưởng để xin xăm là ngày 3/3, 20/8, 9/9 âm lịch hoặc vào ngày rằm, mùng 1 đầu tháng, đầu xuân năm mới.

# Xin xăm Bà Chúa Xứ

Hoạt động xin xăm Bà Chúa Xứa diễn ra vào ngày rằm hoặc mùng 1 hàng tháng với mục đích cầu bình an, may mắn và tài lộc. Ngoài ra, xin xăm Bà Chúa Xứ cũng có thể cảnh báo rủi ro, tai nạn bất ngờ để bạn phần nào có thể phòng tránh cho bản thân và gia đình.

xin xâm

Xin xăm được coi là một hoạt động tâm linh (Ảnh: tamlinhso.vn)

# Xin xăm Hoàng Đại Tiên

Với xăm Hoàng Đại Tiên, 100 quẻ giúp dự đoán sức khỏe, tình duyên, gia đạo và công việc cho người xin. Hoạt động xin xăm cũng diễn ra vào ngày rằm, mùng 1 đầu tháng hay dịp năm mới.

# Xin xăm Bắc Đế

Xin xăm Bắc Đế bao gồm 51 quẻ, mỗi quẻ sẽ ghi nội dung dự đoán tương ứng với số mệnh của bạn trong 1 tháng, 1 năm hoặc tương lai gần. Mọi người xin xăm Bắc Đế để cầu tài lộc, bình an và trút bỏ lo toan, phiền muộn trong cuộc sống.

Xin keo

Không chỉ xin xăm (xin xâm), xin keo cũng là một phong tục phổ biến của người Việt khi xuân sang năm mới đến. Vậy xin keo là gì?

xin keo

Xin keo cũng là một phong tục phổ biến của người Việt dịp năm mới (Ảnh: tamlinhso.vn)

Keo là 2 mảnh gỗ có hình bán nguyệt với một mặt bằng và một mặt lồi. Loại keo thường có nhiều kích cỡ nhưng nhìn chung đều vừa để cầm tay. Tục xin keo mang ý nghĩa rằng người xin đang hỏi ý thần linh về một dự định hoặc kế hoạch nào trong tương lai có thể thực hiện (làm) được hay không.

Gieo quẻ đầu năm

Tương tự xin xăm hay xin keo, đi lễ chùa và xin quẻ (gieo quẻ) đầu năm cũng là một hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp, lứa tuổi trong dịp năm mới.

Theo tục lệ cũ, những người đi chùa sẽ chọn lấy một quẻ thẻ sau khi dâng lễ. Trước đây, quẻ thẻ này được làm bằng tre, ghi số hiệu hoặc ghi một câu bằng tiếng Hán ngắn gọn để khái quát về cuộc đời và vận hạn của người rút quẻ trong năm đó.

gieo quẻ đầu năm

Không thể bỏ qua hoạt động gieo quẻ đầu năm (Ảnh: Marc)

Hiện nay, các chùa thường thay que thẻ tre bằng các thẻ giấy và ghi chữ quốc ngữ để người xin có thể đọc hiểu. Nhờ vậy, tự phân tích và không cần đến các thầy đồ luận giải quẻ của mình. Tại một số ngôi chùa, việc gieo quẻ đầu năm được tổ chức hoàn toàn miễn phí cho người đi lễ, nội dung chú trọng về vận hạn trong năm để cảnh báo người xin quẻ.

Các quẻ gieo được tạo ra dựa trên quẻ Kinh Dịch, quẻ tốt hay xấu thể hiện ngay ở tên quẻ. Nếu quẻ có chữ Cát thì là những quẻ tốt, còn quẻ có chữ Hung là quẻ xấu. Cũng có những quẻ luận giải cụ thể các vấn đề cầu tài, cầu danh, hôn nhân, gia trạch, … và tổng giải cả năm của người xin.

gieo quẻ đầu năm là gì

Quẻ có chữ Cát thì là những quẻ tốt, quẻ có chữ Hung là quẻ xấu (Ảnh: Music & Lyrics)

Gieo quẻ đầu năm là một phong tục đặc trưng đã được dân ta lưu truyền từ bao đời nay và trở thành nét văn hóa đặc sắc mỗi dịp Tết Nguyên Đán.

Xin xăm, xin keo, gieo quẻ đầu năm có phải là mê tín hay không?

Xin xăm, xin keo hay gieo quẻ không phải là hình thức mê tín dị đoan mà chính là một trong những phong tục văn hóa từ bao đời nay. Tất cả các phong tục văn hóa đều có nét đặc sắc riêng biệt. Việc xin xăm, xin keo, gieo que đầu năm giúp mang đến lòng tin với con người để họ tin tưởng vào một năm tràn đầy niềm vui, may mắn và thành công.

Những phong tục này cũng giúp con người có thêm động lực. Qua đó, cố gắng và tự tin hơn trong mỗi bước đi của bản thân.

gieo quẻ đầu năm

Xin xăm, xin keo hay gieo quẻ không phải là hình thức mê tín dị đoan (Ảnh: Tạp chí Đẹp)

Nói vậy nhưng hiện nay không thể tránh khỏi việc biến tướng khi xin xăm, xin keo, gieo quẻ. Vì vậy, nếu muốn thực hiện các hoạt động này vào dịp đầu năm, bạn chỉ nên xem những lời trong que như lời khuyên răn, hướng đi mà bạn có thể lựa chọn trong cuộc sống. Không nên quá tin tưởng hay ỷ lại vào những kết quả đó mà xa rời thực tế.

Những việc nên làm trước khi xin xăm, xin keo, gieo quẻ

Trước khi xin xăm, xin keo tại chùa, đình đền, miếu, bạn cần thắp nhang và quỳ lạy trước Phật, Thánh. Khi thắp nhang, chỉ nên thắp 1 nén thành tâm, sau đó quỳ lạy và khấn tên, tuổi, địa chỉ của mình trước các vị Phật, Thánh. Khi khấn không cần quá to, đủ nghe là được. Việc xin xăm, xin keo hay gieo quẻ đầu năm được tiến hành sau đó.

xin keo là gì

Nên thắp nhang và quỳ lạy trước Phật, Thánh trước khi xin xăm, xin keo hay gieo quẻ tại chùa, đình đền... (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Cách xin xăm (xin xâm), xin keo, gieo quẻ đầu năm

1. Quy trình xin xăm (xin xâm), xin keo

1.1 Xin xăm như thế nào thì đúng?

Cách xin xăm (xin xâm) tuy đơn giản nhưng vẫn cần đúng thủ tục. Người xin phải quỳ hoặc ngồi bệt xuống một tấm chiếu, cầm lọ xăm trên trán rồi bắt đầu khấn vái, nói điều mình muốn cầu xin trước Thánh Thần. Sau đó là lắc lọ xăm đến khi một quẻ rơi ra. Đưa quẻ xăm đó cho người tại nơi xin xăm để họ luận giải rõ ràng về quẻ xăm bạn bốc trúng.

xin xăm

Cách xin xăm tuy đơn giản nhưng vẫn cần đúng thủ tục (Ảnh: VnExpress)

Tuy nhiên, không phải chùa, miếu nào cũng có người luận giải quẻ xăm nên que thường được đánh số. Người xin khấn sẽ tự tìm giấy có con số tương ứng rồi xem trong giấy nói gì về vận mệnh trong năm tới. Lời chú giải được ghi bằng chữ quốc ngữ để mọi người đều có thể đọc hiểu.

1.2 Xin keo cần làm những thủ tục nào?

Trước tiên, người xin keo phải cầm lá keo lên khấn tên, tuổi, chỗ ở của mình và bắt đầu nói những điều mình cầu xin trước Thánh Thần. Khi cầu xong thì để hai lá keo xuống đất rồi đi khoảng một vòng chùa và trở lại nơi hai lá keo lúc đầu. Cầm hai lá keo vái thêm lần nữa về những lời mình cầu xin.

xin keo

Một lá keo sấp và một lá keo ngửa nghĩa là xin keo thành công (Ảnh: bachhoaxanh)

Sau khi cầu xong, hai tay chụm lại giữ chặt lá keo trong lòng bàn tay và từ từ đưa lên cao ngang với mặt rồi buông xuống. Trong trường hợp một lá keo sấp và một lá keo ngửa nghĩa là xin keo thành công.

2. Hướng dẫn gieo quẻ đầu năm mới

Gieo quẻ đầu năm thường có 2 loại hình, một loại hình giống như cách xin xăm mà Coolmate vừa chia sẻ ở trên, một loại hình khác gọi là gieo quẻ dịch truyền thống. Và gieo quẻ truyền thống sẽ phức tạp hơn nhiều.

Để gieo quẻ, người ta sử dụng đồng xu Càn Long thông bảo, được đúc bằng đồng, hình tròn và có lỗ vuông ở chính giữa. Một mặt của đồng tiền có ghi 4 chữ Hán tự “Càn Long thông bảo” là mặt ngửa. Trong khi, mặt sấp có họa tiết và những ký tự riêng của đồng tiền.

gieo quẻ đầu năm là gì

Gieo quẻ dịch truyền thống sử dụng đồng xu Càn Long (Ảnh: Vifengsui)

Khi bắt đầu gieo quẻ, cần chuẩn bị sẵn một tờ giấy, bút và ghi rõ giờ - ngày - tháng - năm mình gieo quẻ, cùng 1 cái đĩa hoặc 1 tờ giấy sạch để bạn gieo 3 đồng xu xuống.

Cách gieo quẻ là lấy 3 đồng tiền và đặt trong lòng bàn tay, sau đó úp hai tay lại, giữ nguyên và bắt đầu suy nghĩ đến việc bạn cần hỏi trong vòng 1 phút. Mục đích là để từ trường của đồng tiền và từ trường của cơ thể liên thông với nhau.

Hoặc bạn có thể khấn một câu đơn giản như “Con tên là ..., con ở ..., hôm nay ngày ... con xin Thần linh chỉ cho con biết bao giờ con nên mua đất?”. Việc khấn như vậy sẽ giúp tinh thần bạn tập trung, để quẻ hiện ra rõ ràng hơn và thể hiện lòng thành kính của bạn.

cách gieo quẻ đầu năm

Việc khấn giúp tinh thần bạn tập trung, để quẻ hiện ra rõ ràng hơn và thể hiện lòng thành kính (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Sau khoảng 1 phút, bạn vừa xóc đều 3 đồng xu vừa tập trung ý niệm về những việc muốn hỏi. Cuối cùng là gieo cả 3 đồng xu xuống đĩa.

Bạn cứ gieo 6 lần là sẽ thành 1 quẻ. Bên cạnh đó, để thuận tiện hơn trong việc gieo quẻ, bạn có thể ghi lại vào giấy kết quả của từng lần gieo. Khi gieo xong, có thể căn cứ vào các hào đã gieo được để lập thành quẻ, đối chiếu với Kinh Dịch để luận giải quẻ. Qua đó phần nào dự đoán được vận hạn sẽ đến trong năm tới và phòng tránh.

gieo quẻ đầu năm

Bạn có thể ghi lại vào giấy kết quả của từng lần gieo (Ảnh: Tarot.vn)

Xin xâm, xin keo hay gieo quẻ đầu năm là những phong tục tập quán lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc của người Việt Nam nên cần được bảo tồn và gìn giữ. Mặc dù vậy, cũng không nên lạm dụng và quá ỷ lại vào những hoạt động đó để trục lợi cá nhân dẫn đến mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hằng ngày của chính bạn.

Lời kết

Mong rằng bài viết này của Coolmate sẽ giúp bạn hiểu thêm về phong tục xin xăm, xin keo, gieo quẻ đầu năm. Chúc bạn nhận được những quẻ tốt đẹp, mang lại nhiều may mắn và tài lộc trong năm tới. Đừng quên ghé CoolBlog, rất nhiều chủ đề thú vị đang chờ bạn khám phá đấy nhé!

“Coolmate - Nơi mua sắm đáng tin cậy dành cho nam giới”

>>> Xem Thêm:

Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/xin-xam-dau-nam-a44653.html