Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tỉ lệ học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường đang có xu hướng tăng những năm gần đây, đặc biệt là sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Nhiều biện pháp để cải tiến môi trường học tập đã được triển khai.
Bạo lực học đường trở thành chủ đề nóng trên màn ảnh Hàn Quốc, ở cả điện ảnh và truyền hình. Nhiều tác phẩm khi ra mắt đã tạo cú sốc lớn với dư luận, góp phần phản ánh hiện trạng bạo lực kinh hoàng ở môi trường học đường.
Gần đây nhất series Netflix "The Glory" do nữ diễn viên Song Hye Kyo thủ vai chính đã tạo thành cơn sốt.
Với những cảnh quay tái hiện chân thực thực trạng bạo lực học đường và những hệ lụy mà nó mang lại, "The Glory" đã thành công vang dội.
Trước “The Glory”, màn ảnh Hàn đã có nhiều tác phẩm gây chấn động về bạo lực học đường.
Tòa án vị thành niên (2022)
Đầu năm 2022, Hàn Quốc khiến giới mộ điệu điện ảnh choáng ngợp với series phim tội phạm "Tòa án vị thành niên".
"Tòa án vị thành niên" xoay quanh hàng loạt vụ thảm án gây nên bởi những tội phạm tuổi vị thành niên dưới góc nhìn và quan điểm của nữ thẩm phán Shim Eun Seok (Kim Hye Soo).
Trong số đó có những vụ án được xây dựng dựa trên những câu chuyện có thật, đặc biệt là những vụ án về vấn nạn bạo lực học đường.
Điển hình như vụ án 2 học sinh vị thành niên tham gia giết, phân xác bé 8 tuổi năm 2017 và vụ án nữ sinh 14 tuổi bị 41 nam sinh cưỡng hiếp tập thể trong suốt 11 tháng vào năm 2004.
Weak Hero Class 1 (2022)
Được chuyển thể từ bộ webtoon cùng tên, "Weak Hero Class 1" (Người hùng yếu đuối) được dán nhãn 18+ cho các cảnh phim bạo lực.
Bộ phim nói về nam sinh tên Yeon Si Eun (Park Ji Hoon) mặc dù có thành tích học tập tốt nhưng luôn bị tách biệt với bạn học.
Sự khác biệt khiến Yeon Si Eun trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt trong trường. Tuy nhiên, với những kiến thức của mình, Yeon Si Eun đã tìm cách chiến đấu chống lại bạo lực học đường diễn ra trong và bên ngoài trường học.
Dù không quá gây sốt nhưng "Weak Hero Class 1" được khán giả đánh giá cao về nội dung. Phim được Douban và My Drama List cho điểm xuất sắc.
Bộ phim đã vạch trần những khía cạnh bi kịch của vấn nạn bạo lực học đường. Những nhân vật trong phim được xây dựng với nhiều hình tượng nhưng đều chung số phận bị bắt nạt. Cách họ phản kháng cũng mang lại những suy ngẫm.
Penthouse (2020-2021)
Bộ phim đình đám của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc được phát sóng qua 3 mùa và 48 tập được nhận xét là "phiên bản cao cấp" về vấn nạn bạo lực học đường.
Trong "Penthouse" (Cuộc chiến thượng lưu), người xem không chỉ được chiêm ngưỡng những màn trình diễn âm nhạc, những khung cảnh đậm mùi tiền mà còn nhìn thấy được những khía cạnh khác về vấn nạn bạo lực học đường trong những môi trường sống tưởng chừng như hoàn hảo nhất.
Ngoài ra, áp lực học hành, bệnh thành tích hay sự ganh đua giữa các bậc phụ huynh cũng được tái hiện đầy đủ trong bộ phim khiến "Penthouse" trở thành một trong những series đình đám nhất của màn ảnh Hàn.
Signal (2016)
"Signal" là dự án truyền hình hình sự trinh thám của Hàn Quốc, ra mắt vào năm 2016 với nội dung mới lạ về hai thanh tra cảnh sát ở hai mốc thời gian quá khứ - tương lai lại có thể liên lạc với nhau để cùng phá các vụ án.
"Signal" được chắp bút bởi biên kịch nổi tiếng Kim Eun Hee và có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên hạng A Lee Je Hoon, Kim Hye Soo, Cho Jin Woong.
Bên cạnh tái hiện hàng loạt vụ án giết người gây chấn động nhất Hàn Quốc, bộ phim cũng chuyển thể một vụ án hiếp dâm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Miryang vào năm 2004.
Đây chính là vụ án nữ sinh 14 tuổi bị hiếp dâm bởi 41 nam sinh trong suốt 11 tháng vừa được khắc họa lại trong "Tòa án vị thành niên" (2022).
Link nội dung: http://thoitiet247.edu.vn/phim-bao-luc-hoc-duong-a6233.html