HỌC VẼ TRANG TRÍ HÌNH VUÔNG - Trung tâm dạy vẽ TP HCM
Nghệ thuật trang trí là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn trong mỹ thuật ứng dụng. Bản thân trang trí ít khi ở dạng tác phẩm độc lập nhưng rất hữu dụng khi phụ trợ, trang hoàng và góp phần hoàn thiện cho các thực thể khác.
Các loại hình trang trí hết sức phong phú và đa dạng, tuy nhiên để đạt được sự “ đa dạng và phong phú “ ấy, mỗi người nghệ sĩ phải bỏ công sức học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, đều phải tập đi những bước đi đầu tiên, không ai có thể trở thành một bậc thầy trang trí trong một sớm một chiều được. Học vẽ trang trí hình vuông là một trong những bài học đầu tiên, có thể coi là bài học nhập môn mà bất kì ai khi học trang trí đều phải đi qua.
1. BÀI TRANG TRÍ HÌNH VUÔNG CẦN GÌ?
Muốn trang trí hình vuông thì tất nhiên chúng ta sẽ cần một hình vuông rồi. Tuy nhiên, Jolla có một số lời khuyên cho các bạn mới bắt đầu học trang trí:
Khuôn khổ: chúng ta nên chọn trang trí hình vuông có khổ 20 x 20 cm. Đối với những bạn mới bắt đầu, hình vuông khổ này không quá to, cũng không quá bé, có kích thước vừa phải giúp các bạn có thể dễ dàng nhìn tổng quát và trang trí cách tốt nhất
Chất liệu màu: nên chọn chất liệu màu bột vì đây là chất liệu màu khá đa dạng và phong phú về bảng màu. Ngoài ra, sử dụng màu bột giúp các bạn tiện tô những mảng phẳng, dễ chồng màu và thuận tiện hơn trong việc tập tô nét đều.
2. NHỮNG VẬT DỤNG CẦN CHUẨN BỊ KHI HỌC VẼ TRANG TRÍ HÌNH VUÔNG
Bồi sẵn giấy báo lên bảng gỗ dán, ngày này tiện lợi hơn các bạn có thể dùng băng keo giấy hoắc kẹp giấy kẹp trực tiếp lên bảng vẽ A3
Chuẩn bị giấy can trong để can hình các hoa văn và hoạ tiết, không dung giấy than vì giấy than làm cho các nét can rất thô và đậm, để lại các vết tích rất xấu và khó xoá
Pha sẵn keo với nước nóng cho tan đều ( có thể dùng loại keo nước bán ở các nhà sách và văn phòng phẩm, tuy nhiên, loại keo này khá đặc làm cho màu bị xỉn, nên pha thêm nước nóng cho màu loãng hơn
Bút bẹt để vẽ các mảng nền. Bút tỉa để đi nét và vẽ các mảng nhỏ.
2 ống nước ( có thể dùng ca to, lon hộp sữa, … ) mục đích là để đựng nước. Một ống nước để rửa cọ và một ống để pha màu cho sạch.
Palét pha màu bằng gỗ dán sơn trắng hoặc mica trắng. Hiện nay tại các cửa hang hoạ cụ có bán các bảng pha màu bằng nhựa có thể đóng mở rất tiện lợi, không bị dính hay đổ màu.
Chuẩn bị các màu cơ bản của bài theo sự hướng dẫn của giáo viên
3. NHỮNG NGUYÊN LÝ CẦN THIẾT CỦA TRANG TRÍ HÌNH VUÔNG
Hình vuông có cấu trúc đặc biệt nhất trong các loại tứ giác. Một hình vuông bao gồm: 4 cạnh - 4 góc - 1 trục ngang - 1 trục dọc - 2 trục chéo. Tất cả các cạnh, các góc, 2 đường chéo của hình vuông đều bằng nhau và đối xứng nhau từng đôi một. Hình vuông có 1 trọng tâm là giao điểm của hai đường chéo, cũng là tâm đối xứng giữa 4 cạnh và 4 góc.
Mọi thứ trong hình vuông đều đối xứng một cách tuyệt đối nên ở giai đoạn bắt đầu nhập môn, chúng ta có thể chỉ thiết kê 1 hoa văn góc, sau đó can sang 3 góc kia. Ta có thể làm tương tự với cạnh, chỉ cần thiết kế 1 đường diềm cạnh rồi can sang các cạnh còn lại.
Hoa văn chính ở vị trí chính giữa nên ở xoè ở chính diện mặt hoạ tiết về đều mọi phía hoặc xoè về 4 hướng - 4 góc - 8 hướng. Tuy nhiên, đối với các bạn vô cùng sang tạo hay đã rất thông thạo việc trang trí, chúng ta có thể làm khác đi, không nhất thiết phải rập khuôn nhưng có thể thoả sức thể hiện phong cách nghệ thuật của riêng mình.
4. CÁC BƯỚC PHÁC THẢO MỘT BÀI TRANG TRÍ
Tìm ý kết cấu - bố cục chính phụ của bài: chúng ta xác định vị trí của các hoa văn cơ bản bằng cách vẽ phác thử các ô vuông cỡ nhỏ bằng bút chì, nên phác nhỏ ở góc giấy, phác nhẹ tay tránh để lại đường lằn lên bài vẽ.
Tìm hình: phóng bản tìm ý đã chọn ở trên lên khổ 20 x 20 cm, sau đó dung bút chì tìm và phác các hình tương đối cụ thể vào tất cả các vị trí chính phụ, xác định kích cỡ to nhỏ sao cho thích hợp của từng vị trí, lưu ý là vẫn phác mờ thôi nha vì đây chỉ là ý tưởng sơ khởi ban đầu của các bạn.
Tìm hoà sắc màu: đây là việc tìm màu bước đầu, chỉ cần thử màu trên khuôn khổ giấy nhỏ, không cần chính xác vè hình và màu, quan trọng nhất là sắp xếp làm sao tạo ra màu tương đối ổn và cho ra hoà sắc hợp ý ta.
Tìm hoạ tiết thích hợp: Chọn loại hoạ tiết thích hợp vơi từng vị trí trong bài. Xác định được những hình chính nằm ở trung tâm, những hình phụ nhỏ hơn thường nằm ở góc. Đường diềm 4 cạnh thường sử dụng hoa văn chạy dài, sử dụng hoa văn kỉ hà hay đường nét uốn lượn là tuỳ ý định người vẽ. Các chỗ trống còn lại trên hình nếu vừa phải đi để nghỉ mắt, nếu quá to có thể thêm một số chi tiết nhưng không vẽ quá to làm lấn át hoạ tiết chính. Cuối cùng trau chuốt lại tất cả các nét
Can hình toàn bộ sau khi đã đủ các hoạ tiết, dùng thước kẻ các cạnh cho thẳng.
Phác thảo màu: đây là bước cuối cùng, chúng ta hoàn thiện bài, phác thảo màu kỹ lưỡng trên bản hình đã đầy đủ hoạ tiết và chi tiết.