Đơn vị:

Phải làm gì khi bị say trà?

Chúng ta thường nghe mọi người nhắc đến say rượu hay say cà phê nhưng bạn đã từng nghe về say trà chưa? Chúng ta có thực sự say khi uống trà không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi bài viết dưới đây để tìm ra lời giải đáp.

Say trà là gì?

Trà tốt cho sức khỏe là thức uống được yêu thích không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Thậm chí ở một số quốc gia, trà còn trở thành biểu tượng văn hóa, nghệ thuật. Uống trà không chỉ có hương vị tuyệt vời mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể thưởng thức trà. Một số người khi uống trà sẽ xuất hiện tình trạng “say”. Vậy say trà là gì?

Trong trà có rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, trong đó có ba thành phần dễ xảy ra phản ứng với cơ thể đó là theanine, catechin và caffeine. Say trà là tình trạng xảy ra khi bạn uống quá nhiều trà đậm đặc trong một khoảng thời gian ngắn và gây ra sự chuyển đổi trạng thái về thể chất, tinh thần và cảm xúc tương tự như khi bạn bị say rượu hay say cà phê.

Say trà thường xảy ra ở những người có thể trạng yếu, phụ nữ, trẻ em, những người mới tập uống trà. Tuy nhiên, những người có thói quen uống trà cũng có thể bị say khi họ uống loại trà đặc hơn bình thường hoặc có những người biết uống trà nhưng lâu không uống khi uống lại cũng có thể bị say trà.

Phải làm gì khi bị say trà 1
Say trà thường gặp ở những người mới uống trà

Nguyên nhân và triệu chứng say trà

Say trà có thể gặp ở người lần đầu uống trà và cả những người thường xuyên uống trà. Nguyên nhân chính dẫn đến việc bị say trà là do cách uống trà không đúng. Đầu tiên có thể do bạn đã uống trà với lượng quá nhiều, uống trà đậm đặc, uống lá trà mới được hái lên nên dược tính trong lá trà còn cao. Có thể bạn sử dụng loại trà có đủ 3 chất khiến bạn say trà là theanine, catechin và caffeine.

Người bị say trà thường có triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi tay. Ngoài ra một số người sẽ có cảm giác hưng phấn, lâng lâng khi bị say trà. Trường hợp nặng hơn bạn có thể bị hạ đường huyết, ngất xỉu do say trà.

Mặc dù say trà không khó chịu như say rượu và không kéo dài quá lâu, thông thường các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn sau khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nếu bị say trà thì bạn nên hạn chế lái xe ngoài đường vì lúc này phản ứng của cơ thể sẽ chậm hơn, bạn khó xử lý được các tình huống phát sinh tai nạn. Ngoài ra người bị say nặng có thể bị ngất, nếu đang điều khiển phương tiện thì sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn và những người xung quanh.

Phải làm gì khi bị say trà 2
Say trà khiến bạn cảm thấy buồn nôn

Say trà phải làm gì?

Ăn kẹo ngọt

Nếu bị say trà, bạn có thể ăn một vài viên kẹo ngọt. Trong kẹo có chứa nhiều đường sẽ giúp làm tăng lượng đường trong máu và giảm các triệu chứng khó chịu của bạn.

Uống trà gừng

Khi bạn gặp các triệu chứng liên quan đến đường ruột do say trà thì trà gừng là loại thức uống hữu hiệu bạn nên sử dụng. Bởi việc bạn bị chóng mặt, buồn nôn có thể do đường ruột bị ảnh hưởng bởi nước trà. Bạn chỉ cần sử dụng vài lát gừng pha chung với nước sôi, thêm một chút mật ong cho dễ uống hoặc mua loại trà gừng bán sẵn ở các hiệu thuốc để dùng.

Phải làm gì khi bị say trà 3
Uống trà gừng giúp bạn thoải mái hơn nếu bị say trà

Uống nước dừa

Khi bị say trà, bạn nên bổ sung nhiều nước cho cơ thể để nhanh chóng tống các thành phần khiến bạn bị say qua đường tiểu tiện. Bạn có thể uống nước lọc hoặc muốn đẩy nhanh hiệu quả thì hãy sử dụng nước dừa.

Trong nước dừa chứa nhiều chất điện giải tốt cho cơ thể, khi bạn bị say trà hãy cố gắng uống hết một quả dừa thì bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn.

Hãy nghỉ ngơi

Khi bị say trà, bạn không nên hoạt động mạnh mà hãy nghỉ ngơi thư giãn hoàn toàn. Bên cạnh đó, bạn có thể kết hợp xoa ấm tay chân, xoa vùng thái dương hoặc ấn đường của mình để giảm bớt cảm giác khó chịu.

Phải làm gì khi bị say trà 4
Nếu bị say trà, hãy nghỉ ngơi thư giãn để cảm thấy dễ chịu hơn

Những lưu ý khi uống trà để luôn khỏe mạnh

Uống trà là thói quen tốt đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời với sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, để uống trà đúng cách và không gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe thì bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Hạn chế uống trà quá đặc hoặc uống quá nhiều nếu bạn mới tập uống hoặc uống chưa quen các loại trà đặc.
  • Người mắc bệnh tim, huyết áp không nên uống trà. Nếu thích uống thì nên hạn chế sử dụng và hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.
  • Nếu đang bị sốt cao thì không nên uống trà vì trà sẽ làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt và tăng thân nhiệt người bệnh, khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn.
  • Nếu bạn bị suy nhược thần kinh thì không nên uống trà vào chiều tối vì có thể điều này sẽ khiến bạn bị mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ.
  • Người bệnh gan không nên uống trà vì sẽ khiến gan bị tổn thương nhiều hơn.
  • Phụ nữ mang thai không nên uống trà đặc vì sẽ gây ra ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Nếu bạn đang bị viêm loét dạ dày thì không nên uống trà do trà có thể khiến lượng axit trong dạ dày tiết ra nhiều hơn.
  • Nếu bạn bị say rượu thì không nên uống trà vì sẽ gây ảnh hưởng đến tim và gan của bạn.
  • Nên hạn chế uống trà mới hái vì chúng có nồng độ alkaloids cao hơn. Lá trà mới hái về nên để khoảng 15 - 20 ngày hãy sử dụng để tránh bị say trà.
  • Không nên uống trà khi bụng đói.
  • Bạn có thể uống trà hằng ngày nhưng không nên uống quá 3 - 4 ly để không gây ra ảnh hưởng đến sức khỏe.

Say trà là tình trạng không hiếm gặp, tuy nhiên tình huống này không gây ra quá nhiều nguy hiểm cho cơ thể mà chỉ khiến bạn cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi là có thể hoàn toàn bình phục trong thời gian ngắn.

Xem thêm:

  • Trà thảo mộc và những công dụng bất ngờ cho sức khỏe
  • Uống trà thảo mộc có tốt cho sức khỏe không?