Đơn vị:

Sốt xuất huyết uống nước dừa được không? Uống bao nhiêu là đủ?

Theo các chuyên gia, người mắc bệnh sốt xuất huyết thường ra mồ hôi nhiều dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, do đó người bệnh cần bổ sung nhiều nước hoặc các chất điện giải để cải thiện tình trạng mất nước. Vậy sốt xuất huyết uống nước dừa được không? Chuyên gia của Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC sẽ giải đáp trong bài viết này.

BS Đoàn Thị Khánh Châm - Quản lý Y khoa vùng 2 - miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bên cạnh việc điều trị triệu chứng, người bệnh cần được chăm sóc dinh dưỡng thật tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là bổ sung nhiều nước (nước lọc, nước ép trái cây, cháo loãng, canh súp…) để khắc phục tình trạng mất nước trong cơ thể”.

sốt xuất huyết uống nước dừa được không

Thành phần các chất có trong nước dừa

Nước dừa là một loại nước giải khát có vị ngọt thanh mát tự nhiên được nhiều người yêu thích và ưa chuộng sử dụng vào thời tiết nắng nóng. Nước dừa có đến 95,5% là nước (1), không chứa chất béo, ít đường và calo (khoảng 19 calo/100 gam), amino acid, acid hữu cơ và các enzyme, giàu các vitamin B3, B5, biotin, B2, acid folic, một lượng nhỏ vitamin B1 và B6, vitamin C và chất khoáng cần thiết như canxi, đồng, canxi, natri, kali, sắt, mangan, magie và kẽm… Nhờ hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa mà thức uống này giúp cân bằng điện giải rất tốt, tối ưu hoạt động của hệ thần kinh, hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể, bổ sung và bù nước cho cơ thể.

Trước đây, trong những trường hợp không có thuốc giúp bù nước như oresol và không có điều kiện đến các cơ sở y tế để điều trị, người bệnh thường sử dụng nước dừa như một biện pháp giúp bù nước cho cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên dùng tạm thời, không thể thay thế nước lọc. Bởi nếu uống nước dừa mỗi ngày có thể khiến người bệnh bị rối loạn điện giải, cảm giác đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy cũng như ảnh hưởng đến chức năng cơ trong cơ thể.

Sốt xuất huyết uống nước dừa được không?

Người bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể uống nước dừa. Theo các chuyên gia, người mắc bệnh sốt xuất huyết có thể bổ sung thêm nước dừa để cải thiện tình trạng mất nước khi mắc bệnh. Bởi sốt xuất huyết khiến người bệnh sốt cao, cơ thể mất nước nhiều (qua da và niêm mạc), nếu không bù nước kịp thời người bệnh có thể rơi vào trạng thái sức khỏe nguy kịch, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, điều cần nhất là bù nước và ion đầy đủ. Bác sĩ khuyến nghị người bệnh có thể bù nước bằng cách bổ sung sữa, nước ép trái cây, cháo loãng, các thức uống giúp bổ sung chất điện giải như nước dừa (không nên chỉ uống nước lọc) vào thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày để cải thiện tình trạng mất nước của cơ thể.

=> Xem thêm: Sốt xuất huyết nên ăn gì?

sốt xuất huyết có nên uống nước dừa
Sốt xuất huyết uống nước dừa được không là thắc mắc của nhiều người

4 lợi ích của nước dừa đối với người bệnh sốt xuất huyết

1. Khắc phục tình trạng mất nước

Khi bị virus Dengue (dengue hemorrhagic fever, DHF hay Sốt dengue) gây bệnh sốt xuất huyết xâm nhập và tấn công cơ thể, người bệnh sẽ có triệu chứng sốt. Trong quá trình sốt, sau mỗi lần hạ sốt sẽ đổ nhiều mồ hôi (mồ hôi chứa cả nước và cả chất điện giải), điều này khiến người bệnh mất đồng thời cả hai chất này trong cơ thể, từ đó sự cân bằng dịch lỏng trong cơ thể trở nên rối loạn.

2. Bổ sung chất điện giải

Nước dừa là một lựa chọn tuyệt vời để bù nước và cả chất điện giải. Với hàm lượng kali phong phú, nước dừa giúp duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể, đồng thời tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra rất hiệu quả.

3. Bổ sung dưỡng chất cho cơ thể

Trong nước dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cần cho cơ thể. Nghiên cứu cho thấy nước dừa rất ít chất béo và calo nhưng chứa nguồn protein, carbohydrate, đường tự nhiên, kali, magie, phốt pho, chất chống oxy hóa và vitamin dồi dào giúp bổ sung và nâng cao mức năng lượng (có thể là năng lượng tối ưu) cũng như duy trì sức khỏe tổng thể.

4. Hỗ trợ kháng khuẩn, kháng virus

Nghiên cứu cho thấy việc uống nước dừa còn giúp hỗ trợ cơ thể kháng khuẩn, kháng virus bảo bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm cũng như tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả. Chính vì vậy, bên cạnh việc uống nước dừa để bổ sung nước và chất điện giải cho cơ thể thì người mắc bệnh sốt xuất huyết còn có thể nhận được thêm các lợi ích tuyệt vời này và mau chóng mục hồi sức khỏe.

Một ngày nên uống bao nhiêu cốc nước dừa là đủ?

Nước dừa mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tuy nhiên các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo chỉ nên coi nước dừa là một loại nước giải khát và chỉ nên uống 1 trái dừa (tương đương khoảng 500 ml)/ ngày, mỗi tuần chỉ dùng từ 2 đến 3 trái dừa. Nếu uống quá liều lượng trên, cơ thể sẽ có nguy cơ bị:

Hạ huyết áp quá mức

Nước dừa được đánh giá là thức uống bổ sung nguồn khoáng chất kali khá dồi dào - một trong những dưỡng chất cần thiết với người đang điều trị cao huyết áp. Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều nước dừa, người bệnh có thể dẫn tới tình trạng dư thừa kali, làm hạ huyết áp quá mức, gây hoa mắt chóng mặt và thậm chí là ngất xỉu.

máy đo huyết áp

Đầy bụng khó chịu

Nếu uống lượng lớn nước dừa cùng một lúc sẽ khó tránh khỏi nguy cơ bị chứng đầy hơi chướng bụng. Lúc này dạ dày tích tụ nhiều nước, bụng sẽ căng tức lên gây khó chịu do tăng áp lực vùng bụng.

Tăng đường huyết

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong khoảng 100ml nước dừa chứa khoảng 5 gam chất đường bột. Chính vì vậy, đối với người đang điều trị bệnh tiểu đường thì nên kiểm soát tốt lượng nước dừa uống mỗi ngày, nhằm phòng ngừa nguy cơ tăng đường huyết và các biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mất cân bằng chất điện giải

Mất cân bằng chất điện giải (còn được biết đến là rối loạn điện giải), xảy ra do nồng độ kali và natri trong máu tăng lên hoặc hạ xuống vượt mức an toàn. Theo đó, uống nước dừa liên tục mỗi ngày sẽ làm biến động hai chỉ số này trong máu khiến tốc độ lưu thông máu đến tim chậm, nhịp tim không ổn định và nguy hiểm hơn là tim có thể ngừng đập.

các chất điện giải

Tăng áp lực cho thận

Nghiên cứu cho thấy khi uống nhiều nước dừa, số lần đi tiểu tiện sẽ tăng lên với tần suất nhiều hơn. Hiện tượng này có thể khiến thận phải làm việc nhiều hơn để bài tiết, các tế bào nhu mô thận sẽ sưng phồng lên tạm thời, song nếu kéo dài tình trạng này sẽ khiến chức năng của thận bị suy giảm.

Lưu ý khi uống nước dừa cho người bệnh sốt xuất huyết

1. Không uống chung với thuốc

Đối với người đang mắc bệnh sốt xuất huyết cần lưu ý không uống nước dừa chung với thuốc điều trị bệnh vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo các chuyên gia, nước dừa sẽ tạo một một lớp màng bọc xung quanh thuốc và cản trở quá trình hấp thu thuốc của cơ thể, từ đó giảm hiệu quả điều trị bệnh. Đồng thời, các chất dinh dưỡng có trong nước dừa như canxi, magie, khoáng chất khác cũng làm giảm đi công dụng của thuốc mang lại. Chính vì vậy, người mắc bệnh sốt xuất huyết nên uống thuốc bằng nước lọc trước, sau đó hẵng sử dụng nước dừa để hỗ trợ bù nước cho cơ thể.

2. Không uống vào buổi tối

Người mắc bệnh sốt xuất huyết cũng không nên uống nước dừa buổi tối vì chúng có thể khiến cơ thể bị đầy bụng, khó tiêu. Trong trường hợp uống nước dừa vào thời điểm này trong ngày, tốt nhất nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ và chỉ nên uống ít.

3. Cho thêm chút muối

Đặc biệt, người mắc bệnh sốt xuất huyết trong khi uống nước dừa nên cho thêm một chút muối, nhất là ở bệnh nhân đang trong giai đoạn pha 2 (tức từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7), khi đã hạ sốt nhưng vẫn cần bù nước cho cơ thể. Lý giải vấn đề này, chuyên gia cho biết người mắc bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn này có nồng độ muối trong máu thấp, nếu bước vào giai đoạn thoát dịch thì tốc độ thoát dịch sẽ cao hơn người khác, điều này rất nguy hiểm vì có thể gây ra nguy cơ biến chứng thoát dịch. Do đó, người mắc bệnh sốt xuất huyết khi uống nước dừa, lý tưởng nhất là có thể cho thêm một chút muối.

Hy vọng những thông tin hữu ích trên đã giải đáp được thắc mắc sốt xuất huyết uống nước dừa được không của nhiều người. Mặc dù người mắc bệnh sốt xuất huyết uống có thể uống nước dừa để hỗ trợ làm giảm triệu chứng sốt và bù nước hiệu quả. Tuy nhiên nếu trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng, người bệnh cần nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nghiêm trọng đến tính mạng.