Đơn vị:

Bổ sung sữa chua cho trẻ dưới 1 tuổi: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột, giúp hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 1 tuổi, khi cho con ăn mẹ nên lưu ý một số điều cơ bản.

1. Sữa chua và những lợi ích cho trẻ

1.1 Sữa chua là gì?

Sữa chua là sản phẩm được lên men của các loại sữa (sữa bò tươi, sữa bột công thức, sữa dê, sữa mẹ, ...) với các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột (Lactobacillus bulgaricus và Streptococus thermophilus). Phổ biến nhất là các sản phẩm công nghiệp sữa chua đặc và yaourt được lên men từ sữa bò tươi sau khi đã khử chất béo và thanh trùng vi khuẩn gây bệnh bằng phương pháp tiệt trùng Pasteur ở nhiệt độ 80-90 độ C.

1.2 Lợi ích từ sữa chua cho trẻ

  • Bổ sung dinh dưỡng

Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp đầy đủ và cân đối thành phần các chất đạm (với nhiều axit amin thiết yếu, nhất là lysin), chất đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất (nhất là canxi) và đa dạng các loại vitamin (nhất là vitamin nhóm B và A).

Một số loại sữa chua còn có thành phần DHA - là một chất béo không no chuỗi dài, có tác dụng trong phát triển trí não và tăng cường thị lực cho trẻ.

  • Hỗ trợ tiêu hóa - cải thiện hệ khuẩn ruột

Sữa chua cung cấp cho cơ thể một lượng lớn các vi khuẩn có lợi (Lactobacillus Acidophilus và Bifido Bacterium), giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng.

Sữa chua rất có hiệu quả trong việc lập lại cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột đối với các trường hợp tổn hại các vi khuẩn đường ruột (suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, các bệnh lý đường ruột hoặc sau đợt điều trị kháng sinh).

Sữa chua cho trẻ bổ sung dinh dưỡng

Sữa chua rất dễ tiêu hóa nên đặc biệt thích hợp với người già, trẻ em, người vừa khỏi bệnh, người mắc bệnh đường tiêu hóa. Sữa chua có thể giúp bé giảm các chứng biếng ăn, táo bón, tiêu chảy do tiêu hóa-hấp thu kém.

2. Trẻ từ mấy tháng ăn được sữa chua?

Trẻ từ 6 tháng tuổi, khi hệ tiêu hoá đã hoàn thiện là thời điểm bắt đầu ăn dặm tốt nhất. Sữa chua được xếp vào một trong những loại thực phẩm lành tính và tốt nhất, có thể làm món ăn dặm cho trẻ ngay thời điểm ngoài 6 tháng tuổi. Tuy nhiên không phải sữa chua nào cũng thích hợp ngay với hệ tiêu hóa của bé, khi mới làm quen mẹ cần cho bé ăn với lượng ít, nên bắt đầu với sữa chua tự làm từ các loại sữa bé đang sử dụng.

3. Cho trẻ ăn sữa chua đúng cách

Sữa chua có lợi ích tốt cho trẻ

Sữa chua giúp bổ sung rất nhiều dinh dưỡng cho trẻ, tuy nhiên cha mẹ nên cho con ăn đúng cách, đúng liều lượng để con hấp thu được đủ dưỡng chất cơ thể cần.

Liều lượng ăn phù hợp theo độ tuổi

Lượng sữa chua trẻ nên ăn mỗi ngày như sau:

- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi ăn từ 50 - 100ml

- Trẻ 2 - 3 tuổi: 100 - 200ml

- Từ 3 tuổi trở lên: 200 - 300ml

Cách ăn

  • Không cho trẻ ăn sữa chua khi đói: ăn sữa chua khi đang đói khiến trẻ bị co bóp dạ dày mạnh, dịch vị tiết ra có tính axit cao dễ tiêu diệt lợi khuẩn có trong sữa chua, vừa có thể gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, đau dạ dày.
  • Nên cho bé ăn sữa chua sau bữa ăn khoảng từ 30 phút-2 tiếng hoặc buổi tối trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, có lợi trong việc cung cấp them dưỡng chất và caxi cho cơ thể.
  • Không nên cho bé ăn sữa chua quá lạnh, mẹ nên bỏ sữa chua ra khỏi tủ lạnh ở nhiệt độ phòng khoảng 10-15 phút hoặc ngâm vào nước ấm, rồi trộn để nhiệt độ sữa chua có nhiệt độ đồng đều trước khi cho bé ăn.
  • Không nên dùng nóng hoặc cho thêm nước nóng vào sữa chua, có thể làm giảm đi một số chất dinh dưỡng và lợi khuẩn
  • Nên vệ sinh răng miệng cho bé sau ăn bởi sữa chua và các chất có tính axit, hơn nữa các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động rất mạnh nên cũng rất dễ làm hỏng men răng, nhất là răng trẻ nhỏ.
  • Không nên dùng chung với các loại thuốc, đặc biêt là thuốc kháng sinh và các loại thuốc có chứa thành phần amin lưu huỳnh vì có thể làm phá vỡ hoặc tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong sữa chua.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.