Đơn vị:

Sốt xuất huyết có được uống C sủi không? Bổ sung vitamin C sao cho đúng?

Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu chữa triệu chứng, theo dõi dấu hiệu cảnh báo và chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên thực tế, không ít trường hợp mắc sốt xuất huyết lại kiêng nhiều đồ ăn thức uống, trong đó có kiêng uống C sủi. Vậy, sốt xuất huyết có được uống C sủi không? Cách bổ sung vitamin C thế nào cho đúng?

BS Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa Vùng 1 - Mekong, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sốt xuất huyết có được uống C sủi không là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm, khi vitamin C mang lại nhiều công dụng tích cực cho cơ thể như: chất chống oxy hóa, giúp làm vững thành mạch máu, hạn chế tăng huyết áp, chống cục máu đông, giảm thuyên tắc mạch, hỗ trợ quá trình đào thải độc của nhiều loại thuốc… Tuy nhiên, người bệnh cần nắm được liều lượng vitamin C mà cơ thể cần hằng ngày, để từ đó sử dụng viên C sủi đúng cách, tránh dẫn đến các tác dụng phụ khi dung nạp vitamin C quá nhiều.

sốt xuất huyết có được uống c sủi không

Vitamin C và C sủi là gì?

Vitamin C là dưỡng chất mà cơ thể con người không thể tự sản xuất, chỉ có thể hấp thu qua các thực phẩm tự nhiên như rau xanh, hoa quả tươi hoặc dưới dạng viên C sủi.

Viên C sủi hiện nay được bày bán dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng. Nhiều người thấy C sủi được bày bán thông dụng thì nghĩ đây là sản phẩm có thể dùng tùy tiện mà không có hại. Tuy nhiên, nếu không biết cách bổ sung vitamin C đúng, dung nạp nhiều vitamin C hơn mức mà cơ thể cần cho một ngày có nguy cơ tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, loét đường tiêu hóa (nếu dùng khi bụng đói), sỏi thận oxalat (1), giảm độ bền hồng cầu,…

1. Vai trò của vitamin C trong cơ thể

Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể bằng nhiều cách, điển hình như:

  • Giúp cơ thể sản sinh Collagen - loại protein chính của mô liên kết, xương, răng, sụn, da và mô sẹo, chiếm đến ¼ protein trong cơ thể;
  • Vitamin C hoạt động như chất chống oxy hóa quan trọng, chống lại stress oxy hóa tạo ra trong quá trình nhiễm trùng, bên cạnh vitamin E, beta-caroten và chất khoáng selen;
  • Giúp thành mạch máu vững chắc, đặc biệt quan trọng với mạch máu nuôi tim và người bệnh sốt xuất huyết;
  • Giúp điều chỉnh huyết áp, hạn chế tăng huyết áp, chống cục máu đông, giảm thuyên tắc mạch;
  • Tham gia tạo các chất dẫn truyền thần kinh như Serotonin, Norepinephrine, Acid amin Tyrosine;
  • Ngoài ra, vitamin C cần thiết cho quá trình thải độc của nhiều loại thuốc, giúp giảm độc tính của thuốc đồng thời chuyển các phần từ độc thành dạng có thể đào thải qua nước tiểu.
vitamin c giúp tăng cường sức đề kháng
Vitamin C góp phần tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng bảo vệ cơ thể

2. Công dụng và cách thức hoạt động của C sủi

Viên C sủi có vị ngọt dễ chịu, cung cấp cho cơ thể một lượng lớn vitamin C. Viên C sủi khi được thả vào nước sẽ sủi bọt mạnh, khí thoát ra làm viên C tan nhanh trong nước, tạo thành dạng dung dịch dễ uống.

Các viên C sủi thông dụng hiện nay chứa 1g vitamin C (tức 1.000mg), cao hơn đến 16 lần nhu cầu vitamin C được khuyến cáo hằng ngày. Khi dùng quá 1g vitamin C mỗi ngày, cơ thể có thể gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Chỉ một số trường hợp thiếu hụt vitamin dẫn đến hình thành bệnh lý, mới được chỉ định dùng vitamin C liều cao (hay còn gọi là liều điều trị).

Sốt xuất huyết có được uống C sủi không?

Người bệnh sốt xuất huyết nên uống viên C sủi vì có thể bù vitamin C cấp tốc cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh nên hiểu rõ nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể để sử dụng viên sủi một cách hợp lý, từ đó tránh các tác dụng phụ do việc dung nạp quá mức vitamin C.

Người bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể uống C sủi. Thực tế, vitamin C rất quan trọng với người bệnh sốt xuất huyết, vì có công dụng giúp thành mạch máu vững chắc, từ đó giảm tình trạng bệnh. Các chuyên gia cho biết, khi nhiễm sốt xuất huyết, người bệnh nên lưu ý bổ sung vitamin và khoáng chất để cơ thể có sức đề kháng tốt, đủ chất, giúp bệnh mau khỏi, diễn biến nhẹ hơn và giảm biến chứng.

Mặt khác, người bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao, mất nước, cần được bù nước và chất điện giải. Bên cạnh bổ sung nhiều nước, nước đun sôi để nguội, người bệnh có thể uống thêm viên C sủi hoặc các loại nước trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, quýt… giúp tăng cường đề kháng, vững thành mạch và giảm thoát huyết tương trong máu. Các loại rau như súp lơ, rau bina cũng chứa nhiều vitamin C. Có thể chế biến rau thành món ăn dễ tiêu hóa để người bệnh sốt xuất huyết nhanh chóng hấp thụ.

Phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết càng nên chú ý bù dịch, bổ sung thêm vitamin C trong C sủi và thức ăn, cùng các khoáng chất như sắt, kẽm để tăng cường đề kháng cho cơ thể, tránh nguy cơ bệnh diễn biến nặng, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe của mẹ lẫn con.

sốt xuất huyết uống c sủi được không
Người bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể uống C sủi

Cách sử dụng C sủi để bổ sung vitamin C cho người sốt xuất huyết

Thời điểm tốt nhất để uống viên C sủi là vào buổi sáng, sau khi ăn no. Nếu uống C sủi khi bụng trống có thể dẫn đến loét đường tiêu hóa. Không nên uống viên C sủi buổi tối vì có thể gây khó ngủ.

Người bệnh sốt xuất huyết cũng không nên lạm dụng viên C sủi như một loại thuốc bổ và dùng không giới hạn. Việc lạm dụng vitamin C có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận, vì tăng đào thải canxi trong cơ thể qua đường tiết niệu. Không nên dùng quá 1g vitamin C mỗi ngày tức 1 viên C sủi/ ngày. Người có tiền sử tăng huyết áp không nên dùng viên C sủi, vì viên sủi có chứa lượng lớn Natri - một thành phần trong muối có thể làm tăng huyết áp.

Viên C sủi nên được bảo quản trong hộp kín, nơi khô ráo, nhiệt độ dưới 25 độ C để sử dụng được lâu. Tránh bảo quản nơi ẩm thấp, ánh sáng chiếu trực tiếp.

Các biện pháp bổ sung vitamin C khác

Bên cạnh bổ sung vitamin C bằng viên C sủi, người bệnh sốt xuất huyết có thể đưa các loại trái cây và rau quả giàu vitamin C vào thực đơn hằng ngày.

⇒ Tham khảo thêm: Sốt xuất huyết nên ăn trái cây gì? Loại hoa quả nào không nên ăn?

6 loại thức uống giàu vitamin C cho người bệnh sốt xuất huyết

Uống nước trái cây là cách đơn giản để bù dịch và tăng cường vitamin C cho cơ thể khi bị sốt xuất huyết. 6 loại thức uống giàu vitamin C tốt cho người bệnh có thể kể đến như:

1. Nước cam

Cam là một trong các loại trái cây lành mạnh, giàu vitamin C. Theo Viện Y học của Viện Hàn lâm Quốc gia, một quả cam 100g có chứa 64% DV - giá trị hằng ngày đối với vitamin C. Nước ép cam cũng rất đơn giản, dễ thực hiện, có thể ép bằng máy ép trái cây hoặc bằng tay.

⇒ Tham khảo thêm: Sốt xuất huyết uống nước cam được không? Uống bao nhiêu mỗi ngày?

2. Nước chanh

Tương tự cam, nước chanh cũng rất giàu vitamin C. Uống nước chanh không chỉ bổ sung vitamin C, mà còn cải thiện tiêu hóa, tăng cường trao đổi chất, cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể.

3. Nước ép thơm

Thơm không chỉ có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể như vitamin C, vitamin B6, các khoáng chất như mangan, đồng; mà còn có hương vị tươi ngon, giúp duy trì cơ thể khỏe mạnh.

4. Nước quả vải

Quả vải là loại trái cây giàu vitamin C và các loại khoáng chất như kali, đồng. Trong 100g quả vải tươi có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng như: calo: 66; carbs: 16,5g; chất đạm: 0,8g; đường: 15,2g; chất béo: 0,4g; chất xơ: 1,3g.

5. Nước ép dưa hấu

Dưa hấu là nguồn vitamin C dồi dào, có khả năng chống oxy hóa và bổ sung dinh dưỡng tốt. Ngoài ra, hàm lượng nước trong dưa hấu cao, giúp ngậm nước và giữ no lâu. Nước ép dưa hấu ngọt ngào là thức uống lý tưởng để làm dịu cơn khát và bổ sung vitamin C cho cơ thể.

6. Nước ép dâu tây

Dâu tây nổi tiếng vì hương vị tươi ngon và giàu dinh dưỡng. Quả dâu rất giàu vitamin C và các chất chống oxy hóa khác, tốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết, tim mạch, tiểu đường.

uống nước trái cây bổ sung vitamin c
Uống nước trái cây là phương pháp đơn giản tăng cường vitamin C cho cơ thể

Ngoài ra, các loại thực phẩm như ớt chuông vàng, mùi tây, bắp cải, bông cải xanh, rau bina, cải xoăn,… có nhiều vitamin C, có thể chế biến thành các bữa ăn giàu dinh dưỡng cho người bệnh sốt xuất huyết. Nên chế biến thực phẩm thành các món dễ tiêu như cháo, súp, canh, có thể chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày cho người bệnh dễ tiêu hóa.

Sốt xuất huyết có được uống C sủi không? Chắc chắn là được, tuy nhiên, người bệnh cần biết cách bổ sung viên C sủi với liều lượng hợp lý để tránh các tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa do dùng quá nhiều vitamin C. Bệnh nhân sốt xuất huyết cần hỏi tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc phương pháp điều trị nào, bao gồm cả viên C sủi.