Đơn vị:

Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em cha mẹ nên nhận biết sớm

Bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường có thể tự khỏi, tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Dưới đây là những hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em, giúp bố mẹ nhận biết sớm, chăm sóc đúng cách để trẻ mau hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng.

hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Tay chân miệng ở trẻ em là bệnh gì?

Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến hơn ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nếu không có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ, bệnh tay chân miệng lây lan nhanh qua đường hô hấp và có khả năng bùng phát thành dịch.

Thông thường, Coxsackievirus A16 không gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở trẻ. Trẻ nhiễm virus này có triệu chứng nhẹ và bệnh tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Trong khi đó, virus EV71 ít phổ biến hơn nhưng lại nguy hiểm ở trẻ nhỏ, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm não, suy hô hấp, viêm cơ tim, phù phổi,…

Một số triệu chứng ban đầu của bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh như sốt, đau họng, chảy nước mũi, mệt mỏi, biếng ăn. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát, trẻ sẽ xuất hiện các vết loét trong miệng và phát ban đỏ trên da. Phát ban thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Thông thường phát ban không gây đau, không ngứa và hầu như không để lại sẹo khi trẻ lành bệnh.

Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em

Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng thường khó nhận biết do các triệu chứng chưa rõ ràng. Tuy nhiên, thường từ ngày thứ 3 trở đi, bố mẹ có thể quan sát các vết loét xuất hiện trong miệng bé, kèm theo phát ban đỏ trên da. Phát ban thường xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối hoặc mông. Một số hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường thấy dưới đây.

1. Tay chân miệng ở tay

Các vết phát ban đỏ chủ yếu nổi ở lòng bàn tay, đôi khi ở mặt ngoài cánh tay.

tay chân miệng với các vết phát ban đỏ ở lòng bàn tay
Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em với các vết phát ban đỏ ở lòng bàn tay.
tay chân miệng ở trẻ em nổi nhiều ban đỏ
Hình ảnh tay chân miệng ở trẻ em nổi nhiều ban đỏ gồ, dạng phỏng nước.
ảnh tay chân miệng ở trẻ em với ban đỏ
Ảnh tay chân miệng ở trẻ em với ban đỏ xuất hiện trên bàn tay.

2. Tay chân miệng ở chân

Ở chân, các vết phát ban xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn chân, một số trường hợp khác có thể xuất hiện ở đầu gối hoặc bắp chân.

hình ảnh về tay chân miệng khi phát ban đỏ xuất hiện
Hình ảnh về tay chân miệng khi phát ban đỏ xuất hiện ở lòng bàn chân của trẻ.
xuất hiện ở bắp chân khi trẻ bị tay chân miệng
Ban đỏ cũng có thể xuất hiện ở bắp chân khi trẻ bị tay chân miệng.
tay chân miệng khi các vết ban đỏ xuất hiện ở đầu gối
Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em khi các vết ban đỏ xuất hiện ở đầu gối.

3. Tay chân miệng ở miệng

Các vết loét xuất hiện trong vòm miệng như tại đầu lưỡi, nướu, má trong hoặc xung quanh miệng. Vết loét ban đầu là nốt ban đỏ nhỏ, sau đó phát triển nhanh chóng thành bóng nước, dễ vỡ và gây loét. Tình trạng này khiến trẻ bị đau, tăng tiết nước bọt và gặp khó khăn khi ăn uống.

hình ảnh vết loét tay chân miệng xuất hiện trong miệng
Hình ảnh vết loét tay chân miệng xuất hiện trong miệng.
bệnh tay chân miệng với những vết loét gây đau cho trẻ
Hình ảnh bệnh tay chân miệng với những vết loét gây đau cho trẻ.
tay chân miệng ở trẻ em với vết loét nổi quanh miệng
Hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em với vết loét nổi quanh miệng.

Phân chia tay chân miệng theo giai đoạn

Bệnh tay chân miệng được chia thành 4 giai đoạn, căn cứ vào biểu hiện của bệnh.

  • Giai đoạn ủ bệnh: Thời gian ủ bệnh thường diễn ra trong khoảng 3 - 7 ngày, tính từ khi virus gây bệnh xâm nhập vào cơ thể trẻ. Ở giai đoạn ủ bệnh, trẻ hầu như không có các triệu chứng cụ thể;
  • Giai đoạn khởi phát: Trẻ bắt đầu xuất hiện một số triệu chứng của bệnh như sốt, mệt mỏi, chảy nước mũi, trẻ quấy khóc nhiều, biếng ăn, mắt đỏ và chảy nước mắt,… Giai đoạn này thường kéo dài trong 1 - 2 ngày;
  • Giai đoạn toàn phát: Các triệu chứng của bệnh biểu hiện rõ ràng hơn. Đặc trưng với các vết loét trong miệng và phát ban đỏ trên da, chủ yếu ở tay và chân. Lưu ý: Nếu trẻ gặp phải các dấu hiệu bất thường như sốt cao không hạ, co giật, khó thở, nhịp tim nhanh bất thường, ngủ li bì,… rất có khả năng dẫn đến những biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp hoặc nhiễm trùng. Bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.
  • Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn hồi phục thường bắt đầu từ ngày thứ 7 trở đi, tính từ thời điểm khởi phát bệnh. Ở giai đoạn này, các vết loét và phát ban thuyên giảm, trẻ cảm thấy dễ chịu và dần khỏe hơn.

Các cấp độ của tay chân miệng

Nắm rõ thông tin về các cấp độ của bệnh tay chân miệng giúp phụ huynh chủ động hơn trong việc chăm sóc bé, cũng như giúp trẻ mau chóng hồi phục hơn. Các cấp độ của bệnh tay chân miệng gồm có:

1. Độ 1

Bệnh tay chân miệng độ 1 là mức độ nhẹ nhất. Trẻ nhiễm bệnh có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà. Bệnh ở mức độ 1 có thể tự khỏi tối thiểu sau 7 ngày và không gây ra biến chứng. Các dấu hiệu của bệnh phổ biến như trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi và xuất hiện các bọng nước trên da.

2. Độ 2

Tay chân miệng độ 2 được chia thành 2a và 2b với biểu hiện triệu chứng tăng dần. Trẻ bệnh tay chân miệng từ độ 2 cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

  • Cấp độ 2a: Triệu chứng thường thấy như trẻ sốt cao kéo dài trên 2 ngày, mệt mỏi, quấy khóc, nôn ói và giật mình dưới 2 lần/30 phút (không giật mình khi thăm khám bệnh).
  • Cấp độ 2b: Bệnh tay chân miệng cấp độ 2b biểu hiện với các triệu chứng như trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt cao không hạ ngay cả khi uống thuốc, trẻ ngủ gà, mạch đập nhanh >150 lần/phút (đo khi trẻ không sốt và nằm yên). Một số dấu hiệu tay chân miệng độ 2 nặng hơn có thể gặp ở trẻ như yếu tứ chi, trẻ đi loạng choạng, rung giật nhãn cầu, liệt thần kinh sọ,…
trẻ sốt cao không hạ là dấu hiệu nguy hiểm
Trẻ sốt cao không hạ là dấu hiệu nguy hiểm của bệnh tay chân miệng.

3. Độ 3

Bệnh tay chân miệng độ 3 ở trẻ là cấp độ bệnh nghiêm trọng, trẻ cần được nhập viện điều trị để hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Ở mức độ này, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như nhịp tim tăng nhanh, mạch đập nhanh >170 lần/phút, đổ nhiều mồ hôi, rối loạn tri giác,…

4. Độ 4

Đây là mức độ bệnh nặng nhất, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong. Trẻ bị tay chân miệng cấp độ 4 thường biểu hiện ở trẻ như ngưng thở, thở yếu, cơ thể trở nên tím tái, nhịp tim chậm bất thường, phù phổi cấp,…

Cách chẩn đoán bệnh tay chân miệng

Thông thường bệnh tay chân miệng được chẩn đoán thông qua việc thăm khám lâm sàng, căn cứ vào độ tuổi của trẻ và các dấu hiệu bệnh. Một số trường hợp, việc chẩn đoán bệnh cần thực hiện các xét nghiệm dịch hầu họng, dịch tiết từ các vết loét, mụn nước hoặc mẫu phân. (1)

Điều trị tay chân miệng ở trẻ em hiệu quả

Bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, các cách điều trị bệnh ở trẻ hiện nay đều hướng đến mục tiêu làm giảm triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và ngăn ngừa nguy cơ xảy ra các biến chứng như viêm cơ tim, viêm não, phù não, suy hô hấp, viêm phổi,…

Bố mẹ có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt hoặc bù nước để giúp làm giảm các triệu chứng ở trẻ. Tuy nhiên cần lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng kháng sinh hoặc aspirin để điều trị tay chân miệng vì có thể gây nguy hiểm cho bé.

Để hạn chế các biến chứng của bệnh tay chân miệng, việc chủ động phòng ngừa cho trẻ là rất quan trọng. Trong đó, tiêm vắc xin phòng ngừa là cách hiệu quả nhất. Hiện tại, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đang tích cực hợp tác cùng Công ty Substipharm Biologics (Thụy Sĩ), đẩy mạnh trong việc sớm đưa vắc xin tay chân miệng về Việt Nam, mang đến hiệu quả phòng ngừa bệnh lên đến 96,8%. Bố mẹ có thể theo dõi các thông tin cập nhật mới nhất về vắc xin tay chân miệng để chủ động tiêm ngừa, phòng bệnh cho bé.

việt nam sẽ có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng
Sắp tới tại Việt Nam sẽ có vắc xin phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Khi nào cần đến cơ sở y tế?

Trẻ bị tay chân miệng cấp độ 1 với các triệu chứng nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà. Bệnh có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày và không gây ra các biến chứng ở trẻ. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường dưới đây:

  • Trẻ sốt cao từ 2 ngày trở lên, không có dấu hiệu hạ sốt dù đã uống thuốc hạ sốt;
  • Trẻ nôn ói, tiêu chảy nhiều, mất nước nghiêm trọng;
  • Tình hình bệnh không cải thiện sau 10 ngày;
  • Trẻ có khó thở, ngưng thở, nhịp tim bất thường;
  • Yếu tứ chi, co giật, run tay chân;
  • Trẻ mệt lả, ngủ li bì, có dấu hiệu rối loạn tri giác.

Hầu hết bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể tự khỏi sau tối thiểu 7 ngày, tuy nhiên nếu không được nhận biết sớm và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể dẫn đến tình trạng viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp,… Dựa trên các hình ảnh bệnh tay chân miệng ở trẻ em, bố mẹ có thể dễ dàng đối sánh và chủ động trong việc điều trị cho bé, hạn chế xảy ra những biến chứng nguy hiểm.