Thùy thái dương chiếm 22% tổng thể tích vỏ não, chứa các vùng não quan trọng và liên quan trực tiếp đến chức năng ngôn ngữ, cảm xúc, trí nhớ và giác quan. Cấu trúc này bị tổn thương có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về nhận thức, giác quan, cách hiểu, nói ngôn ngữ…
Thùy thái dương là gì?
Thùy thái dương (temporal lobe) còn được gọi là vỏ não mới, nằm chủ yếu ở hố sọ giữa (một khoang nằm gần nền sọ), phía trước thùy chẩm, phía sau thùy trán và phía dưới rãnh bên (rãnh Sylvian). Thùy thái dương được chia nhỏ thành thùy thái dương trên, thùy thái dương giữa và thùy thái dương dưới, bên trong chứa một số cấu trúc não quan trọng bao gồm vùng hải mã và hạch hạnh nhân. Đây là phần quan trọng của não bộ, giúp cơ thể sử dụng các giác quan để hiểu và phản ứng với thế giới xung quanh như giao tiếp, ghi nhớ ký ức, sử dụng ngôn ngữ, xử lý cảm xúc…. (1)
Vị trí thùy thái dương của não bộ nằm ở đâu?
Tương tự như tất cả các thùy não khác, thùy thái dương có hai bên trái và phải. Mỗi thùy nằm ngay phía sau vùng thái dương ở mỗi bên đầu, kéo dài về phía sau dọc theo bên não và kết thúc ở một điểm ngay sau tai.
Cấu tạo giải phẫu thùy thái dương
Thùy thái dương là thùy lớn thứ hai, sau thùy trán, chiếm 22% tổng thể tích vỏ não mới và kéo dài đến khe Sylvian. Thùy thái dương được ngăn cách với thùy chẩm, thùy đỉnh dưới và thủy đỉnh trên bằng đường đỉnh thái dương bên. Cấu trúc này được chia thành hai phần chính: (2)
- Tân vỏ não (cấu trúc mới tiến hóa gần đây): Bề mặt bên và bên dưới.
- Thùy thái dương gần (còn được gọi là thùy limbic), bao gồm: Hồi hải mã, hạch hạnh nhân, hồi cận hải mã.
Thùy thái dương được chia thành năm hồi bởi bốn rãnh, phần lớn song song với khe nứt Sylvian. Thứ tự tính từ phần bên đến dưới trung gian lần lượt như sau:
- Hồi thái dương trên
- Rãnh thái dương trên
- Hồi thái dương giữa
- Rãnh thái dương dưới
- Hồi thái dương dưới
- Rãnh chẩm thái dương
- Hồi hình thoi
- Rãnh chẩm thái dương trong
- Hồi parahippocampal (phía trước)
- Hồi lưỡi (phía sau, kéo dài đến thùy chẩm)
Thùy thái dương có chứa vùng nào?
Thùy thái dương có chứa các vùng sau:
1. Hệ thống Limbic
Hệ thống limbic là một tập hợp các cấu trúc của não, bao gồm đại não, gian não và não giữa, bao phủ cả hai bên đồi thị, ngay dưới não. Chức năng của Limbic rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến cảm xúc, hành vi, trí nhớ dài hạn và khứu giác của con người. Do đó, đây là phần não quyết định phần lớn đến hành vi sinh tồn hàng ngày như ăn uống, sinh sản, chăm sóc con cái, phản ứng chiến đấu, bỏ chạy…
2. Vùng Broca
Vùng Broca là vùng não ở thùy trán của bán cầu não ưu thế (thường là bán cầu não trái), được tạo thành từ các vùng Brodmann 44 và 45, thực hiện các chức năng liên quan đến xử lý ngôn ngữ.
3. Vùng Wernicke
Vùng Wernicke là một trong hai phần của vỏ não có liên quan đến chức năng xử lý ngôn ngữ (phần còn lại là vùng Broca). Vùng này chủ yếu hỗ trợ não hiểu ngôn ngữ viết và nói, trái ngược với vùng Broca, chỉ tập trung suy nghĩ để phát ra tiếng nói. Vùng Wernicke thuộc khu vực Brodmann 22, nằm ở hồi thái dương trên ở bán cầu não ưu thế.
Chức năng thùy thái dương
Thùy thái dương chứa các vùng não quan trọng, liên quan trực tiếp đến chức năng ngôn ngữ, trí nhớ và giác quan, hỗ trợ con người trong các hoạt động hàng ngày. Chức năng của thùy thái dương, cụ thể như sau:
- Trí nhớ: Bên trong thùy thái dương là vùng hồi hải mã, đóng vai trò quan trọng đối với quá trình ghi nhớ.
- Ngôn ngữ: Thùy thái dương hỗ trợ não bộ hiểu ý nghĩa của từ ngữ và đồ vật. Ví dụ, khi nhìn thấy một cái cốc, thùy thái dương sẽ hoạt động giúp con người nhận ra đó là một đồ vật đựng nước uống. Thùy thái dương đồng thời cũng chứa vùng Wernicke, giúp não bộ hiểu được ngôn ngữ và hình thành các câu có ý nghĩa.
- Cảm xúc: Bên trong thùy thái dương là hạch hạnh nhân, đóng vai trò quan trọng đối với trải nghiệm và xử lý cảm xúc thường ngày.
- Xử lý tín hiệu của giác quan: Thùy thái dương xử lý tín hiệu từ các giác quan, đặc biệt là thị giác và thính giác.
- Nhận dạng hình ảnh: Một số vùng nhất định của thùy thái dương có khả năng giúp nhận dạng hình ảnh như khuôn mặt, các vật thể đã biết…
Tổn thương thùy thái dương tác động đến sức khỏe như thế nào?
Cơ thể sẽ xảy ra rất nhiều triệu chứng bất thường nếu thùy thái dương bị tổn thương hoặc gián đoạn hoạt động, bao gồm:
- Các vấn đề về trí nhớ
- Thay đổi trong cách hiểu ngôn ngữ và/hoặc diễn đạt ngôn ngữ (như nói hoặc viết)
- Chứng Alexia: tương tự như chứng khó đọc, nhưng nghiêm trọng hơn và không phải bẩm sinh.
- Chứng Acalcia: tương tự như alexia, nhưng chỉ xảy ra đối với các con số và toán học.
- Động kinh: 75% các cơn động kinh cục bộ kèm theo mất nhận thức đều liên quan đến thùy thái dương
- Cảm giác lo lắng, hoảng sợ nghiêm trọng hoặc thường xuyên
- Lú lẫn
- Thay đổi về tầm nhìn
Các tình trạng sức khỏe và rối loạn ảnh hưởng đến thùy thái dương
Bất kỳ tình trạng hoặc bệnh lý nào liên quan đến não đều có thể ảnh hưởng đến thùy thái dương, đặc biệt là vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm: (3)
- Bệnh Alzheimer
- Một số dạng mất trí nhớ (mất trí nhớ)
- Tổn thương não do bệnh tật hoặc phẫu thuật/ thủ tục y tế
- Khối u não (bao gồm ung thư)
- Ngộ độc carbon monoxide
- Chấn thương sọ não
- Chứng mất trí nhớ vùng trán-thái dương
- Nhức đầu và đau nửa đầu
- Bệnh xơ cứng vùng đồi thị
- Nhiễm chất độc, kim loại nặng, hóa chất công nghiệp
- Các vấn đề về xử lý cảm giác liên quan đến trí nhớ như prosopagnosia (bệnh mù mặt)
- Nhiễm trùng
- Tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến cảm giác sợ hãi hoặc hoảng loạn, đặc biệt là rối loạn lo âu hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
- Chứng mất trí nhớ thể Lewy
- Bệnh não TDP-43 (LATE)
- Tâm thần phân liệt
- Động kinh và các tình trạng liên quan đến động kinh như, đặc biệt là động kinh thùy thái dương
- Đột quỵ và cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)
Các phương pháp chẩn đoán tình trạng sức khỏe của thùy thái dương
Để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe ở thùy thái dương, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu (giúp phát hiện các vấn đề bệnh lý từ hệ thống miễn dịch, độc tố, đặc biệt là các kim loại nặng như đồng, chì, thủy ngân…)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Xét nghiệm dịch não tủy
- Điện não đồ (EEG)
- Điện cơ (kiểm tra dẫn truyền thần kinh)
- Điện thế gợi thị giác
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Đánh giá tâm lý thần kinh
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
- Đánh giá bệnh lý ngôn ngữ và lời nói
Một số phương pháp chăm sóc thùy thái dương khỏe mạnh
Để bảo vệ thùy thái dương hoạt động ổn định, tránh xảy ra các vấn đề bệnh lý, tổn thương không mong muốn, mỗi người nên chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:
- Điều trị các bệnh lý về thính giác: Khi bị mất thính lực, người bệnh không chỉ gặp khó khăn trong việc lắng nghe, giao tiếp hàng ngày, mà còn có nguy cơ cao bị mất trí nhớ, thậm chí các bệnh thoái hóa não liên quan đến tuổi tác (như Alzheimer). Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý thính giác là vô cùng quan trọng.
- Làm việc hàng ngày để duy trì sự hoạt động của não bộ: Tương tự như bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, não bộ cũng cần vận động để khỏe mạnh. Vì vậy, việc sử dụng não để làm việc hàng ngày cũng là biện pháp quan trọng giúp giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ và các bệnh lý về não khác do tuổi tác.
- Ngủ đủ giấc và ngủ ngon: Bộ não cần ngủ ngon và ngủ đủ giấc để hoạt động hiệu quả. Thiếu ngủ có thể góp phần gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như Alzheimer, chứng ngưng thở khi ngủ, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, phán đoán…
- Sử dụng các công cụ hỗ trợ: Công cụ hỗ trợ trí nhớ (lịch, bảng kế hoạch, báo thức, ứng dụng điện thoại thông minh…) có thể giúp củng cố khả năng suy nghĩ và ghi nhớ, giúp não bộ hoạt động hiệu quả, ổn định hơn.
- Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng: Bộ não có mối liên hệ mật thiết với hệ thống tuần hoàn, ngược lại tuần hoàn khỏe mạnh cũng giúp não bộ hoạt động ổn định. Vì vậy, việc xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng là vô cùng quan trọng, bổ sung đầy đủ vitamin, không thừa, không thiếu để tránh ảnh hưởng đến chức năng tuần hoàn và não bộ.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và vận động thường xuyên: Ổn định cân nặng và vận động đều đặn hàng ngày sẽ giúp ngăn ngừa nhiều tình trạng mạn tính, đặc biệt là các bệnh lý tuần hoàn ảnh hưởng đến não (như huyết áp cao). Việc tập luyện thể dục thể thao hàng ngày đồng thời còn giúp kích thích sản xuất chất dẫn truyền thần kinh, giúp não khỏe mạnh.
- Mang thiết bị bảo hộ: Vị trí của thùy thái dương rất dễ bị tổn thương khi va chạm hoặc thay đổi chuyển động đột ngột. Vì vậy, việc mang mũ bảo hiểm, dây đai an toàn và các công cụ bảo hộ khác khi chơi thể thao, tham gia giao thông là vô cùng cần thiết.
- Mang thiết bị an toàn: Do cấu tạo vị trí, thùy thái dương dễ bị chấn động và chấn thương sọ não, đặc biệt là do tác động phụ và thay đổi chuyển động đột ngột. Mũ bảo hiểm, dây đai an toàn và các thiết bị bảo vệ khác là rất cần thiết để ngăn ngừa chấn thương não ở thùy thái dương.
- Điều trị các bệnh lý mạn tính có thể ảnh hưởng đến thùy thái dương, bao gồm: bệnh tiểu đường loại 2, bệnh động kinh…
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là phần giải đáp một số thắc mắc liên quan đến thùy thái dương:
1. Thùy thái dương có màu gì?
Hầu hết các mô não của bạn, bao gồm cả thùy thái dương đều có màu xám hồng nhạt khi có máu lưu thông bên trong. Màu sắc sẽ ngả xám nhiều hơn nếu không có máu.
2. Thùy thái dương lớn như thế nào?
Thùy thái dương là thùy lớn thứ hai trong số năm thùy của não, chiếm khoảng 20% thể tích vỏ não.
Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin cơ bản liên quan đến cấu tạo giải phẫu, vị trí, chức năng và các rối loạn, bệnh lý ở thùy thái dương. Hy vọng thông qua những thông tin này, người bệnh có thêm nhiều cập nhật hữu ích liên quan đến vấn đề điều trị và chăm sóc sức khỏe não bộ.