Đơn vị:

Như thế nào là người chuyển giới?

Theo nghiên cứu năm 2011 của Viện Williams thuộc Trường đại học California, bang Los Angeles (Mỹ), có gần 700.000 người trưởng thành ở Mỹ được xác định là người chuyển giới. Theo Trung tâm quốc gia về Bình đẳng người chuyển giới (NCTE, Mỹ) thì mọi người hiểu về khái niệm “người chuyển giới” rất khác nhau, và bản thân những người chuyển giới cũng nhìn nhận và cảm nhận về mình theo cách riêng.

Như thế nào là người chuyển giới? - 1

Cảm nhận bên trong của bản thân mỗi người rằng họ là nam hay nữ hay giới tình nào khác nữa chính là nhận định giới tính của họ. Với người trùng giới tính, tức là người không phải là người chuyển giới, thì nhận định giới tính của họ trùng với giới tính được công nhận khi ra đời. Với người chuyển giới, hai cách xác định này không trùng làm một.

Đôi khi, có người tự cảm nhận mình không thuộc hẳn về một trong hai giới nam hoặc nữ. Họ tự thấy mình vừa là nam vừa là nữ, không phải nam cũng không phải nữ, hoặc hoàn toàn không thuộc về một trong những nhóm đó. Những người này được gọi là người xuyên giới (genderqueer).

Cách mà một người thể hiện cho người khác thấy giới tính của mình (thông qua ăn mặc, hành vi, cử chỉ, giọng nói hoặc đặc điểm cơ thể) thì đó chính là biểu hiện giới tính. Biểu hiện giới tính của một người có thể phù hợp hoặc không phù hợp với quan niệm chung của xã hội về một người nam hoặc người nữ. Thuật ngữ “xuyên giới” đề cập đến những người có biểu hiện giới tính khác với quan niệm truyền thống về nam hoặc nữ. Tuy nhiên, không phải tất cả những người xuyên giới đều được coi là người chuyển giới, và không phải tất cả người chuyển giới đều được gọi là người xuyên giới.

Hiểu biết của công chúng về bản dạng giới và biểu hiện giới ngày càng rộng hơn khi mà càng ngày càng có nhiều người chuyển giới mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện về bản thân họ.

Phái tính (sex) và giới tính (gender)

Phái tính và giới tính là hai khái niệm khác nhau. Phái tính của một người là tình trạng sinh học của họ là nam hay nữ. Việc xác định phái tính của một người là nam hay nữ tùy thuộc cơ bản vào đặc điểm sinh học của cơ thể người đó, như bộ phận sinh dục, nhiễm sắc thể, nội tiết tố, và đặc điểm hình thể.

Còn giới tính là sự phân biệt nam nữ chủ yếu dựa vào những yếu tố xã hội, vai trò, hành vi, sinh hoạt và các đặc tính mà xã hội đó xem là thích hợp đối với người nam hay người nữ. Vai trò giới tính thay đổi ở những nền văn hóa khác nhau, và ảnh hưởng đến hành động và cảm nhận của mỗi người về chính bản thân mình.

Xu hướng tính dục khác với bản dạng giới. Xu hướng tính dục là sự hấp dẫn của một người về mặt cơ thể, cảm xúc đối với một người khác; còn bản dạng giới là cảm nhận của mỗi người về chính bản thân mình. Người chuyển giới có thể là dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam hoặc song tính luyến ái; ví dụ: một người sinh ra với bộ phận sinh dục nam có thể chuyển đổi thành nữ nhưng lại hấp dẫn những người nữ khác, trong trường hợp này, người đó có thể được xác định là đồng tính luyến ái nữ mặc dù bẩm sinh có bộ phận sinh dục nam.

Thực hiện chuyển giới

Theo GLAAD (một tổ chức được thành lập năm 1985 ở Mỹ với mục tiêu hành động chỗ phân biệt kỳ thị và hỗ trợ cộng đồng người chuyển giới), việc cố gắng chuyển đổi bản dạng giới của một người cũng không thành công hơn việc cố gắng thay đổi xu hướng tính dục. Nói cách khác, cái đó không thể thay đổi được. Một số người từng bước áp dụng các biện pháp để dần dần biến đổi phái tính của mình phù hợp với giới tính bằng cách sử dụng hóc-môn và phẫu thuật. Tuy nhiên, theo HRC (tổ chức giáo dục ở Mỹ hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng về người chuyển giới để đảm bảo có được sự công bằng giữa mọi người), nhiều người chuyển giới không có đủ khả năng chi trả cho điều trị y tế hoặc không có nhu cầu thực hiện phẫu thuật.

Tiến sỹ Joshua Safer, Giám đốc y tế của Trung tâm Y tế và Phẫu thuật dành cho Người chuyển giới, thuốc Trung tâm Y tế Boston, Mỹ, cho biết phẫu thuật chuyển đổi giới tính phổ biến nhất là các cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục, phẫu thuật ngực và mặt, ngoài ra có thể có một số phẫu thuật khác.Phẫu thuật bộ phận sinh dục đa số được tiến hành đối với các cá nhân chuyển đổi giới tính sau 18 tuổi và trước đó đã được điều trị bằng hóc-môn theo chỉ định chuyên môn và có ít nhất 1 năm sinh sống với vai trò giới tính phù hợp với các xác định về giới tính xã hội. Những người được tiến hành phẫu thuật đều được các chuyên gia y tế kiểm tra đầy đủ sức khỏe tâm thần và sức khỏe thể chất để quyết định biện pháp điều trị tốt nhất.

Tên và đại từ nhân xưng

Sau khi chuyển giới, người chuyển giới thường đổi tên cho hợp với giới tính mới hoặc chọn một cái tên trung tính. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ chỉ có thể đổi tên thường gọi, còn việc hợp pháp hóa để có được tên mới chính thức trên giấy tờ như bằng lái xe, thẻ bảo hiểm, chứng minh thư, hộ chiếu, v.v. còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong sinh hoạt thường ngày, việc gọi người đã chuyển giới bằng tên cũ hay đại từ nhân xưng cũ dường như không hợp với phép lịch sự, bởi họ mong muốn được những người xung quanh tôn trọng, được gọi bằng đại từ nhân xưng tương ứng với giới tính mà họ mong muốn, chẳng hạn như một người đã chuyển sang giới tính nữ thì chúng ta nên gọi là “chị” “chị ấy” “cô ấy”, còn nếu mới gặp và chưa rõ thì nên lịch sự hỏi xem họ muốn được gọi như thế nào.

Phân biệt đối xử/ Kỳ thị

Là người chuyển giới không có nghĩa là bị tâm thần, không phải là bệnh để cần chữa trị. Người chuyển giới phải trải qua tình trạng mất kết nối giữa phái tính mà người khác xác định cho họ với cảm nhận của chính bản thân họ về việc họ là ai. Các chuyên gia y học gọi tình trạng mất kết nối này là tình trạng bất an giới tính bởi vì nó có thể gây ra tổn thương và đau khổ cho người chuyển giới. Năm 2012, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA) đã công bố bản cập nhật của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các dạng Rối loạn tâm thần (DSM-5), trong đó thay đổi thuật ngữ “rối loạn xác định giới tính” bằng thuật ngữ “bất an giới tính”.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người chuyển giới phải đối mặt với nguy cơ cao là bị phân biệt đối xử và gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Khảo sát về phân biệt đối xử với người chuyển giới được tiến hành trên qui mô toàn nước Mỹ vào năm 2014 đã cho thấy 60% các cơ sở chăm sóc sức khỏe từ chối điều trị cho người chuyển giới, 64 - 65% người chuyển giới được hỏi đều cho biết họ bị tấn công vũ lực và bạo lực tình dục ở nơi làm việc; 63 - 78% bị bạo lực như vậy ở trường học.

Thậm chí ngay cả việc sử dụng nhà vệ sinh, người chuyển giới cũng có thể bị phân biệt đối xử. Trong một khảo sát thông qua bỏ phiếu do kênh truyền hình CBS và tờ báo Thời báo New York thực hiện, có 46% số người tham gia khảo sát thể hiện ý kiến là người chuyển giới nên sử dụng nhà vệ sinh theo phái tính họ được xác định khi ra đời. Vào tháng 5/2016, Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp Mỹ tư vấn cho các trường học cho phép học sinh/ sinh viên chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh và khu để đồ cá nhân phù hợp với giới tính mà học sinh/ sinh viên được xác định. Phản ứng với ý kiến tư vấn đó, một số bang đã theo đuổi một vụ kiện vì họ cho rằng chính quyền liên bang đã vượt quá quyền hạn của mình.

Do tình trạng phân biệt đối xử và một số yếu tố khác, tỷ lệ tự tử trong số người chuyển giới khá cao. Trung tâm Nguồn lực Phòng ngừa tự tử (Mỹ) cho biết hơn 83% số người chuyển giới từng có lần nghĩ đến việc tự tử và 54% đã cố gắng thực hiện việc đó.

Lời khuyên dành cho cha mẹ

Cha mẹ nếu thấy con có biểu hiện là người chuyển giới nên tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia. Việc xác định xem con mình có thực sự là người chuyển giới hay không có thể rất khó và cần được phối hợp tiến hành bằng biện pháp đánh giá cẩn trọng của nhiều chuyên gia ở nhiều lĩnh vực.

Cha mẹ cần lưu ý rằng có nhiều đứa trẻ đặt câu hỏi và tìm hiểu về việc xác định giới tính nhưng chúng hoàn toàn không phải là người chuyển giới. Cha mẹ cần tôn trọng cảm nhận của con cái và không quyết định can thiệp y tế cho đến khi đứa trẻ đến tuổi dậy thì. Kể cả sau giai đoạn dậy thì, cũng cần kiểm tra kỹ lưỡng, tránh tác dụng ngược lại do điều trị y tế không phù hợp đối với đứa trẻ.

Phạm Hường (Theo Live Science)