Đơn vị:

Thị trường

Năm vừa qua, do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao, căng thẳng địa chính trị kéo dài, thị trường tài chính toàn cầu có sự biến động mạnh, đã tác động gây khó khăn cho thương mại hồ tiêu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 267 nghìn tấn hồ tiêu, đem về 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng, nhưng giảm 6,0% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023, giảm 19,4% so với năm 2022.

Xuất khẩu tiêu trong 5 năm qua. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Xuất khẩu tiêu trong 5 năm qua. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

TRUNG QUỐC VÀ MỸ LÀ HAI THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC CỦA HỒ TIÊU VIỆT NAM

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết số liệu thống kê từ các doanh nghiệp trong hiệp hội đưa ra thấp hơn một chút so với số liệu của Hải quan.

Cụ thể, trong tháng 12/2023 Việt Nam xuất khẩu được 20.227 tấn hồ tiêu các loại, giảm 0,3% so với tháng 11/2023; trong đó, tiêu đen đạt 17.833 tấn, tiêu trắng đạt 2.394 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 12/2023 đạt 77,6 triệu USD, giảm 0,7% so với tháng 11/2023. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 12/2023 đạt 3.728 USD/tấn, tương đương giá xuất khẩu trong tháng 11/2023 và tiêu trắng đạt 5.189 USD/tấn tăng 112 USD so với tháng 11/2023.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong tháng 12/2023, chiếm 30,7% thị phần xuất khẩu, đạt 6.212 tấn, tăng 13,8% so với tháng trước. Tiếp theo là các thị trường UAE đạt 1.271 tấn, Trung Quốc đạt 1.030 tấn và Ấn Độ đạt 1.011 tấn.

Tính chung trong năm 2023, theo VPSA, cả nước đã xuất khẩu được 264.094 tấn hồ tiêu các loại, tăng 13,8% so với năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 906,5 triệu USD, giảm 8,0%; trong đó, tiêu đen đạt 770,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 135,9 triệu USD.

Châu Á là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 chiếm 52,7% thị phần. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt 60.135 tấn, tăng 174% so với năm 2022.

Tiếp theo là các thị trường Ấn Độ: 12.812 tấn, chiếm 4,9% và tăng 4,2%; UAE: 12.132 tấn, chiếm 4,6% giảm 24,7%; Philippine: 8.021 tấn, chiếm 3,0% tăng 27,5%. Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 về thị phần xuất khẩu chiếm 22,8% và xuất khẩu tăng 0,3% trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, chiếm 20,5% giảm 0,8% so với năm ngoái.

Xuất khẩu sang các thị trường châu Âu chiếm 19,5% giảm 1,4% so với năm ngoái. Xuất khẩu sang châu Phi tăng 7,8%.

DỰ BÁO NĂM 2024: XUẤT KHẨU TIÊU SẼ THUẬN LỢI HƠN

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam dự báo xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 sẽ thuận lợi, giá sẽ tăng do sản lượng giảm.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ giảm do sản lượng từ các nước sản xuất hồ tiêu ước tính giảm. Theo đó, ước tính sản lượng hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20 - 30% và Brazil giảm 15%.

Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Do đó, lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự kiến cả năm 2023, lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt 250 nghìn tấn.

Trên thị trường thế giới những ngày đầu năm 2024, giá hồ tiêu đang tăng. Theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tuần trước (ngày 5/1/2024, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) tăng 0,03% (+1,0 USD/tấn), lên mức 3.940 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ổn định ở mức 3.270 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok tăng 0,05% (+3,0 USD/tấn), lên mức 6.069 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ổn định ở mức 7.300 USD/tấn.

Tại sàn Kochi (Ấn Độ), giá các loại tiêu tiếp tục giảm 200 Rupee/100kg. Cụ thể, giá tiêu loại GARBLED xuống mức 61.500 Rupee/100kg; loại UNGARBLED ở mức 59.500 Rupee/100kg; loại 500 GRAM/LÍT ở mức 58.500 Rupee/100kg.

CẦN ĐẢM BẢO NGÀNH HỒ TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Nhận định về ngành hồ tiêu Việt Nam, VPSA cho rằng bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.

Sản lượng hồ tiêu toàn cầu vụ 2024 ước tính cũng sẽ giảm khi dự báo từ các nước sản xuất đều giảm. Tuy nhiên, theo VPSA, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nên dự báo giá hồ tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn.

Cụ thể, ngoại trừ Trung Quốc, dự báo nhu cầu tiêu thụ sắp tới của các nước trên thế giới có thể sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến từ xung đột địa chính trị tại một số khu vực. Đồng thời, tác động cuộc chiến Israel - Hamas cũng sẽ ảnh hưởng lên giá dầu mỏ, điều này sẽ càng làm cho tình hình kinh tế thế giới càng lâm vào suy thoái, sức mua khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.

Đặc biệt, xuất khẩu nhiều loại nông sản sẽ phải tuân thủ quy định của EU về chống phá rừng, không gây nguy hại tới rừng, trước mắt áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, gia súc, ca cao, cao su, sắp tới có thể sẽ áp dụng cho hồ tiêu.

Do đó, VPSA khuyến cáo các doanh nghiệp ngành hàng hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này. EU sắp tới yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu.

VPSA cho biết Việt Nam nhập khẩu từ Brazil rất nhiều, nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 thì diện tích hồ tiêu của Brazil vẫn chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. VPSA cần chuẩn bị hồ sơ để hỗ trợ doanh nghiệp khai báo cho phù hợp khi có yêu cầu".

Về vấn đề giảm phát thải, Việt Nam cam kết cắt giảm 30% trong năm 2030 và về Net Zero vào năm 2050. Do đó ngành hồ tiêu cần có sự chuẩn bị trước bao gồm sắp xếp hoạt động nhà máy và vườn trồng trong chuỗi bền vững để vừa bảo đảm việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định mà Chính phủ đang trong quá trình xây dựng cũng như giúp đem lại thêm thu nhập cho người dân nếu sản phẩm đạt chứng chỉ.

Theo VPSA, hiện nay việc phát triển hồ tiêu và cà phê bền vững bị mâu thuẫn với phát triển sầu riêng bền vững vì mã số vùng trồng của sầu riêng phải trồng chuyên canh, trong khi nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đang trồng xen canh nhiều loại cây: tiêu, sầu riêng, cà phê…

Để được cấp mã số vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều hộ dân đã và đang phá bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng độc canh cây sầu riêng. Trước thực trạng này, VPSA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phù hợp để đảm bảo tính bền vững cho hồ tiêu Việt Nam.