Đơn vị:

Bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết thất thường

Cần quan tâm, chăm sóc trẻ đúng cách

Khi sức đề kháng trẻ em còn non yếu, sự dao động của nhiệt độ diễn ra nhanh làm hệ miễn dịch của trẻ càng yếu hơn. Hầu hết bệnh khi giao mùa ít gây biến chứng, nếu chúng ta biết cách chăm sóc và theo dõi.

“Mùa hè, nhiệt độ tăng cao bất thường, kèm theo nguy cơ trẻ bị suy kiệt vì nóng, thậm chí say nắng. Mấy ngày nghỉ lễ, gia đình tôi dẫn bé đi chơi. Vận động nhiều, ít uống nước và không đội nón che chắn, con tôi bị cảm, sốt, say nắng. Đứa nhỏ vừa hết bệnh, mấy ngày sau lại đến đứa lớn bệnh” - chị Nguyễn Yến Nhi (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho hay.

Tương tự, thấy con có biểu hiện nóng, ho, sổ mũi, chị Ngọc An (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) đưa bé đến cơ sở y tế khám bệnh. Tại đây, ngoài được bác sĩ kê toa thuốc theo bệnh lý viêm hô hấp, chị còn được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ, như: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh răng miệng, tránh đưa trẻ đến nơi đông người, hạn chế uống nước quá lạnh, cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng cường rau, củ, quả, giúp trẻ tăng sức đề kháng.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoàng Lan Trần Thị Mỹ Liên (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết, chủ đề của năm học 2023 - 2024 là “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm”. Vì vậy, nhà trường luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ để trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

“Mấy hôm thời tiết nóng bức, nhà trường tăng cường tuyên truyền phụ huynh giữ sức khỏe cho trẻ. Mỗi khi có phiên họp phụ huynh, chúng tôi không quên nhắc nhở phụ huynh hạn chế cho trẻ ra ngoài trời nắng, đội nón, mặc áo khoác, cho uống đủ nước, hạn chế vận động nhiều khi trời nắng. Còn ở trường, giáo viên hạn chế cho trẻ ra sân vận động, chú ý che chắn cửa sổ, mở quạt phòng học. Giáo viên tích hợp giáo dục và chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh, giúp phòng chống bệnh cho trẻ trong nhà trường” - cô Mỹ Liên cho biết.

Trường có 3 lớp, trong đó 2 lớp mẫu giáo 5 tuổi và 1 lớp mẫu giáo 4 tuổi. Tổng số học sinh toàn trường 79 cháu, 11 cháu học bán trú. Về chế độ ăn uống, nhà trường chú ý dinh dưỡng phù hợp, mỗi bữa ăn đều có món canh với các loại rau thanh mát cho trẻ. Sắp xếp chỗ ngồi cho trẻ thông thoáng, cách khoảng phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cải tạo vườn hoa, vườn rau của bé, vườn cây trong sân trường đủ bóng mát, góp phần giảm bớt cái nóng thời tiết khi các bé tham quan vườn rau, vườn hoa, vui chơi ở khu vực nhà chòi dân gian.

Theo BS CKII Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên, thời tiết nắng nóng, trẻ em và người cao tuổi là đối tượng dễ ảnh hưởng. Do vậy, cần chú ý tăng lượng nước uống, hạn chế sinh hoạt ngoài trời lúc nhiệt độ tăng. Khi ở phòng máy lạnh, nên điều chỉnh nhiệt độ so với nhiệt độ ngoài trời không quá 100C, để không bị sốc nhiệt khi di chuyển từ trong phòng máy lạnh ra ngoài. Ngoài ra, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong mùa nắng sẽ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng. Để làm được việc này, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống và bổ sung lượng nước đầy đủ, đặc biệt là loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin có trong trái cây.

Khi giao mùa từ nắng nóng sang mưa tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn vi nấm phát triển. Tất cả mọi người cần quan tâm chủ động phòng ngừa, nâng cao thể trạng, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, uống đủ nước, rèn luyện thể lực... Mùa nắng nóng thực phẩm dễ bị hư. Tốt nhất chế biến xong ăn ngay, trong khoảng 2 giờ sau khi chế biến. Khi mua thực phẩm, phải lựa chọn thực phẩm an toàn, chế biến và bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ thói quen vệ sinh cá nhân, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, giúp loại bỏ tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ đôi bàn tay trẻ. Để chủ động phòng bệnh, phụ huynh nên giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ và cho trẻ ăn uống đầy đủ chất” - BS Nguyễn Văn Sử khuyến cáo.

SONG MINH