Có thể nói, đất nước ta được thiên nhiên ưu ái với đa dạng các loại nông sản, mỗi mùa lại đi liền một hoặc nhiều thức quả nhiệt đới. Đặc biệt vào mùa hè trong khoảng tháng 5 -8 hằng năm, chúng ta được thưởng thức những loại trái cây làm nên đặc trưng dải đất hình chữ S: sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mận hậu,…. Hãy cùng khám phá mùa trái cây với những điều thú vị qua bài viết này nhé!
Sầu riêng
Sầu riêng còn được nhiều người yêu thích loại quả này gọi bằng danh xưng “vua của các loại trái cây” do sở hữu mùi thơm mạnh cùng độ ngọt, béo không lẫn vào đâu được. Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau về mùi của thức quả này nhưng nó được ghi nhận chứa hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng cao hơn hẳn so với các loại trái cây khác.
Hạt sầu riêng có thể ăn được sau khi chiên, nướng hoặc luộc
Khoảng tháng 7 - 8 trở đi là thời điểm thích hợp để thưởng thức những quả sầu riêng thơm nức mũi vì lúc ấy đã chính vụ. Do không chịu được khí hậu lạnh nên loại quả này chỉ trồng được ở các tỉnh phía nam từ Thừa Thiên Huế - Quảng Trị trở vào.
May mắn thay, loại quả này chỉ rơi vào thời gian nhất định trong ngày, nhiều nhất là lúc giữa đêm và một số ít vào giữa trưa (12 giờ -13 giờ)
Măng cụt - thức quả được lòng nhiều người.
Bên cạnh vị trí “vua” sầu riêng thì măng cụt cũng không chịu thua về độ hot và được tín đồ trái cây mệnh danh cho là “nữ hoàng”. Trong tích điển cung đình xưa, trái măng cụt còn có cái tên mỹ miều - giáng châu.
Những nước Đông Nam Á: Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Myanmar,.. với khí hậu nóng ấm tạo điều kiện cho cây măng cụt dễ mọc.
Măng cụt khi chín có vỏ dày, màu đỏ tím đậm. Đã “ghiền” loại quả này thì dù bao lần tách vỏ cũng phải dán mắt vào từng múi măng cụt trắng ngà, thơm thoang thoảng, vị thì chua ngọt thanh thanh tan trong miệng. Mùa măng cụt cũng khá chóng vánh, chỉ rộ vào giữa tháng 4 đến tháng 6, qua mùa bạn sẽ khó mua được măng cụt ngon, giá lại “chát”.
Không những sở hữu hương vị hảo hạng, măng cụt còn cống hiến nhiều bài thuốc mà thường biết đến để kháng viêm, chữa tiêu chảy, ức chế dị ứng,…
Bòn bon (Nam trân)
Mỗi mùa bòn bon chín, khi cùng ngồi thưởng thức vị ngọt thanh xen lẫn chút chua của loại quả này, chúng ta lại nhớ câu chuyện xa xưa về nguồn gốc “mùa quả tiến vua”. Tương truyền, lúc đoàn quân chúa Nguyễn chạy trốn binh lính Tây Sơn trong rừng bị cạn kiệt lương thực, nhờ hái được loại quả ngọt như bòn bon mà vượt qua cơn đói để tiếp tục chinh chiến.
Cũng từ đó bòn bon được vua nhà Nguyễn ban cho cái tên trái nam trân (quả quý phương nam) hay trái trung quân, cùng thông lệ tiến cống lên triều đình hằng năm.
Ở nhiều địa phương gọi bòn bon với cái tên khác: loòng boong, lòn bon, phụng quân… và thời điểm để thưởng thức quả này là vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 10. Hiện nay, huyện Tiên Phước (thuộc tỉnh Quảng Nam) nổi tiếng trồng nhiều cây bòn bon cũng như cho sản lượng cao tại nước ta.
Chôm chôm
Bên cạnh là một loại quả tráng miệng, ăn vặt, ít ai biết rằng chôm chôm (hay lôm chôm) còn mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể như: thanh nhiệt (nếu ăn vừa đủ), kháng viêm, loại bỏ độc tố trong thận, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa ung thư,…
Hạt chôm chôm được tận dụng sản xuất dầu ăn hay xà phòng, trong khi thân và rễ thì điều chế dược phẩm.
Do đặc tính thích ứng với những vùng không ngập nước mà cây chôm chôm được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai, nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi năm, chôm chôm cho 1 hoặc 2 mùa trái và chín từ tháng 5 đến tháng 8.
Ở nước ta có những giống phổ biến như: Chôm chôm dính, chôm chôm Giava, chôm chôm nhãn,...
Mận Hà Nội (Mận hậu) - đặc sản miền Bắc.
Khi tiết trời nhiều tỉnh thành miền Nam vào đầu mùa mưa (tháng 5 - 6) là lúc người ta bắt gặp những xe mận Hà Nội tràn ngập khắp đường phố. Thức quả với vỏ màu đỏ đậm pha chút xanh cùng vị chua chua luôn làm say lòng hội chị em ăn vặt.
Mận hậu có nguồn gốc từ những vùng cao Lào Cai, Lạng Sơn, Mộc Châu,… với khí hậu lạnh dễ dàng cho loài cây này thích nghi và ra trái đạt chuẩn. Đây cũng được xem là một trong những loại quả mang lại giá trị kinh tế cao, giúp ổn định cuộc sống người dân rẻo cao.
Không chỉ hoa ban mà hoa mận nở trắng muốt đẹp đến ngỡ ngàng sẽ làm du khách khó bỏ qua.
Dâu da
Thường bị nhìn nhầm với quả bòn bon vì giống nhau từ màu sắc, hình dáng đến số múi bên trong. Tuy nhiên, dâu da thiên về hậu chua nhiều và vỏ cũng dày hơn, không có mủ như bòn bòn.
Không khó tính như sầu riêng hay măng cụt, cây dâu da sinh trưởng, phát triển tương đối tốt ở các điều kiện tự nhiên (khí hậu, thời tiết, đất đai) khác nhau, ít sâu bệnh và không bị mất mùa. Loài dâu này có đặc điểm là khi mưa xuống thì trái bắt đầu ngọt dần cho đến cuối mùa.
Các vườn dâu miền Tây chín rộ từ tháng 3 đến cuối tháng 4 âm lịch, riêng dâu Hạ Châu (đặc sản Phong Điền, Cần Thơ) thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch.
Vải (Lệ Chi)
Vải trong tiếng Hán Việt còn được gọi là lệ chi, có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc. Theo sách sử ghi chép, vào thời nhà Đường (Trung Hoa) có Dương Quý Phi - một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc rất ưa thích loại trái cây này. Vua Đường Huyền Tông còn sai những phu trạm phi ngựa hỏa tốc để chuyển vải về cho Dương ái Phi.
Ở nước ta, Lục Ngạn (Bắc Giang) được biết đến như “Vương quốc vải thiều” vì là vùng trồng nhiều và cho sản lượng quả vải lớn hằng năm. Tuy nhiên, chất lượng của vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) với hột màu nâu đen nhỏ, lớp cùi dày ngọt lịm, đầy nước lại được ưa chuộng nhất, đưa thương hiệu vải Việt vươn ra quốc tế.
Vải ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6 kéo dài tới giữa tháng 7.
Xoài
Mặc dù được trồng khắp mọi miền nhưng vùng đất Nam Bộ màu mỡ, trù phú lại phù hợp nhất với giống cây này và cho ra nhiều loại xoài thơm ngon phục vụ nhu cầu trong nước cả xuất khẩu.
Thật khó lòng để kể hết tên các loại xoài của vùng miệt thứ, chỉ có thể điểm mặt như: xoài tượng, xoài giòn, xoài tứ quý, xoài keo, xoài Thanh Ca, xoài cát chu, xoài cát Hòa Lộc,…. Và đặc biệt phải nhắc đến xoài ngự - đặc sản huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, loại xoài ngon tương truyền được dâng lên vua Gia Long.
Mùa nào cũng mua được xoài nhưng để thưởng thức được thức quả màu vàng, thơm hương đồng nội này phải vào đợt chín rộ tầm tháng 3 - 4 âm lịch.
Đào Sapa
Vào tháng 6 - 7 hằng năm, Sapa lại vào mùa thu hoạch đào chín, đó cũng là lúc nhiều tuyến đường ở Sài Gòn bày bán thức quả thơm thảo này. Những quả đào chỉ nhỏ bằng chén uống trà, màu xanh và hồng đỏ đậm, đi cùng độ giòn, mọng nước, vị chua chua đã làm nên thương hiệu đào Sapa mà ít nơi nào bằng.
Đào Sapa vào mùa bắt đầu từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6. Nếu sang đến tháng 7, đào Sapa chỉ còn những quả nhỏ.
Không phải tự nhiên mà loại quả nơi rẻo cao này được nhiều người yêu thích săn đón vậy, ngoài hương vị thơm ngon, thơm dễ chịu thì đào rất giàu vitamin A, giúp ngủ sâu, tăng cường trí nhớ, chống oxy cao,… Các chị em nội trợ còn tranh thủ mua đào về để ngâm dùng dần sau mùa rộ.
Gợi ý những món ăn ngon, đầy màu sắc từ các loại trái cây mùa hè
1.Bánh crepe trái cây nhiệt đới Thái Lan
Xem và lưu chi tiết công thức Bánh crepe trái cây nhiệt đới Thái Lan
2. Gỏi măng cụt miền Tây
Xem và lưu chi tiết công thức Gỏi măng cụt độc đáo
3. Vải ngâm đường
Xem và lưu chi tiết công thức Vải ngâm đường thanh mát nhé!
4. Vải nhân phô mai chiên xù
Xem và lưu chi tiết công thức Vải nhân phô mai chiên xù
5. Chôm chôm xóc muối tắc
Xem và lưu chi tiết công thức Chôm chôm xóc muối tắc lạ miệng
6. Mận Hà Nội lắc muối tôm
Xem và lưu chi tiết công thức Mận Hà Nội lắc muối tôm khó cưỡng
7. Mận xóc da heo
Xem và lưu chi tiết công thức Mận xóc da heo
8. Ô mai mận xào
Xem và lưu chi tiết công thức Ô mai mận xào
9. Đào ngâm
Xem và lưu chi tiết công thức Đào ngâm
Xem thêm Bộ sưu tập các món ngon từ trái cây mùa hè
Ngoài cái nắng oi ả và những cơn mưa đầu mùa thì mùa hè còn đem lại những hoa quả, trái cây với màu sắc cùng hương vị hấp dẫn. Và mùa rộ của những loại quả này cũng không dài vì vậy đừng ngần ngại thưởng thức thả ga và sáng tạo thêm các công thức món ăn nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Những loại nước ép trái cây nên uống mỗi ngày
- Làm trà trái cây giải nhiệt ngày nắng
- Mẹo đơn giản nhận biết trái cây "ngậm" hóa chất