Đơn vị:

30 ý tưởng xuất sắc tranh tài tại vòng chung kết “Ý tưởng trẻ thơ 2014”

Qua vòng chấm tranh, vòng thực hiện & đánh giá mô hình của cuộc thi năm 2014, những ý tưởng của các “nhà phát minh nhí” dần được thể hiện rõ nét và đầy tính thuyết phục. Chúng ta nhìn thấy ở mỗi ý tưởng một góc nhìn trẻ thơ về cuộc sống xung quanh và cả những tâm hồn trong sáng mong muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Các ý tưởng tham gia cuộc thi năm nay hơn hẳn mọi năm cả về chất lượng và số lượng, mỗi tác phẩm dự thi là sự tổng hòa của trí tưởng tượng phong phú, sự khéo léo, tỉ mỉ và tính kiên trì… khiến cho BGK phải cân nhắc kỹ càng trước khi chọn ra 30 tác phẩm xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết. Tại vòng thi cuối cùng này, những “nhà phát minh nhí” sẽ có cơ hội được trình bày trực tiếp ý tưởng của mình trước BGK.

Nhóm lớp 1-3 có những ý tưởng thật đặc biệt. Nhiều ý tưởng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống như “Đô thị nhà xanh” đưa ra giải pháp khắc phục tình hình ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn; “Hệ thống đê chắn sóng và sản xuất điện” dành cho những vùng chịu nhiều thiên tai, bão lũ, sóng thần.

Mô hình “Đô thị nhà xanh”
Mô hình “Đô thị nhà xanh”
Mô hình “Hệ thống đê chắn sóng và sản xuất điện”
Mô hình “Hệ thống đê chắn sóng và sản xuất điện”

Nhiều ý tưởng thể hiện ước mơ của các em về một thế giới tràn ngập yêu thương, như ý tưởng “Chiếc mũ dành cho người thiểu năng trí tuệ” của em Nguyễn Thị Hoàng Ngọc ở Quảng Nam xuất phát từ thực tế người anh ruột có hoàn cảnh thiệt thòi hay ý tưởng ngộ nghĩnh về chiếc “TV 4 mặt” cho cuộc sống gia đình luôn quây quần ấm cúng.

Mô hình “Chiếc mũ dành cho người thiểu năng trí tuệ”
Mô hình “Chiếc mũ dành cho người thiểu năng trí tuệ”
Mô hình “TV 4 mặt”
Mô hình “TV 4 mặt”

Với nhóm lớp 4-5, các ý tưởng cũng rất độc đáo, không chỉ thể hiện kỹ năng quan sát cuộc sống kỹ lưỡng mà còn thể hiện tư duy giải quyết vấn đề rất tốt. Toàn hội đồng đã thực sự bất ngờ trước ý tưởng “Mực máy cứu hộ” của 2 em nhỏ Lạng Sơn, xuất phát từ vụ chìm phà Sewol cách đây không lâu, mong muốn của các em là khắc phục được công tác cứu hộ hiện tại, cứu giúp các nạn nhân.

Mô hình “Mực máy cứu hộ”
Mô hình “Mực máy cứu hộ”

Tương tự với ý tưởng “Xe lội nước cứu trợ lũ lụt” giúp các bạn nhỏ ở vùng lũ lụt được an toàn tới trường. Xuất phát từ mong muốn tốt đẹp của các em dành cho mọi người, ý tưởng “Nhện giăng tơ bảo vệ cây cối” và “Nhà máy điện cây xanh” cũng gây ấn tượng không kém vì hòa chung xu hướng phát triển bền vững của xã hội.

Phát biểu về ý nghĩa xã hội cũng như tác động của cuộc thi đối với trẻ em, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Trưởng BGK chia sẻ: “Tham gia cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ, các em nhỏ có cơ hội được phát tiển toàn diện. Tại vòng một, thông qua việc hình thành ý tưởng trên tranh vẽ, các em được phát huy khả năng sáng tạo, tiếp đến vòng hai với yêu cầu thực hiện mô hình giúp phát huy tối đa sự khéo léo, óc thẩm mỹ, tinh thần chấp nhận thử thách để biến ước mơ thành hiện thực. Đặc biệt, tại vòng ba, trước thử thách trả lời trực tiếp trước hội đồng giám khảo, các em có cơ hội được rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước đám đông, một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tương lai”.

Với mong muốn đem ý nghĩa nhân văn của cuộc thi tới được nhiều đối tượng, đặc biệt là các em nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, với mỗi bức tranh hợp lệ, Honda Việt Nam trích 10.000 đồng vào Quỹ Honda dành cho các hoạt động từ thiện.

Giải thưởng chung cuộc bao gồm: 02 Giải Nhất (Học bổng trị giá 20 triệu đồng), 02 Giải Nhì (Học bổng trị giá 14 triệu đồng), 02 Giải Ba (Học bổng trị giá 8 triệu đồng), 04 giải Honda (Học bổng trị giá 4 triệu đồng). Bên cạnh đó sẽ có 20 Giải khuyến khích (Học bổng trị giá 2 triệu đồng) được trao cho các ý tưởng còn lại lọt vào Vòng Chung kết.