Đơn vị:

Truyền dung dịch vào tĩnh mạch

Bài viết được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Chuyên khoa Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Truyền dịch tĩnh mạch là phương pháp nhiều người lựa chọn để đưa vào có thể một lượng nước, chất dinh dưỡng... bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Tuy nhiên nếu không thực hiện đúng cách và thật sự cần thiết có thể gây ra một số tai biến như phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim cấp.

1. Tổng quan liệu pháp truyền dịch

Liệu pháp truyền dịch là hình thức đưa vào cơ thể một lượng lớn nước, các chất dinh dưỡng, chất điện giải. Có 2 cách để truyền dung dịch vào cơ thể bệnh nhân:

  • Tiêm truyền tĩnh mạch: Thường là ở tĩnh mạch ngoại biên hay trung tâm
  • Tiêm truyền dưới da: Chỉ áp dụng với một số dung dịch đặc thù, số lượng hạn chế.

Kỹ thuật truyền dịch tuy khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng cách thì cũng dễ xảy ra các biến chứng như: Tai biến, rối loạn chuyển hóa, sốc phản vệ (do tốc độ truyền quá nhanh), phù ở tim, thận, cơ địa người bệnh dị ứng với thành phần dịch truyền... Thậm chí, truyền dịch cũng có thể làm lây nhiễm các bệnh mạn tính như viêm gan, HIV.

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều thành phần khác nhau, có thể tiêm truyền dưới da hoặc trực tiếp tiêm truyền tĩnh mạch của người bệnh. Phần lớn dung môi sử dụng là nước cất hoặc sử dụng một số loại dung môi khác để hòa tan dược chất.

Hiện tại có khoảng 20 loại dịch truyền và người bệnh cần thực hiện xét nghiệm để xác định chính xác loại dịch nào cần truyền, liều lượng sử dụng phù hợp tránh những biến chứng đáng tiếc.

Dịch truyền được phân chia thành 3 nhóm cơ bản như sau:

  • Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể: Gồm glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa vitamin, chất đạm, chất béo.
  • Bổ sung nước và các chất điện giải: Gồm các loại dung dịch lactate ringer, bicarbonate natri 1,4%, natriclorua 0,9%... dùng trong trường hợp người bệnh bị mất nước, mất máu.
  • Bù albumin: Các dung dịch đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran, gelofusine, haes-steril hay dung dịch cao phân tử... đều được dùng trong trường hợp cần bù nhanh albumin hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.
Dịch truyền vào cơ thể có nhiều loại khác nhau

2. Khi nào nên tiêm truyền tĩnh mạch?

Theo khuyến cáo của nhiều bác sĩ, liệu pháp truyền dịch chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp thật sự cần thiết, tránh tự ý truyền dịch mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Một số trường hợp nên tiêm truyền tĩnh mạch bao gồm:

  • Người bệnh bị sốt cao, nôn nhiều gây mất nước, bị tiêu chảy, hạ huyết áp... khó tự ăn uống được. Nếu cơ thể người bệnh bị mất nước mà vẫn ăn uống được thì bù nước qua đường uống sẽ hữu hiệu hơn là truyền dịch.
  • Người bị yếu sức, ăn uống kém, thiếu vitamin trầm trọng, cơ thể mất cân bằng có thể truyền dung dịch chứa các vitamin tổng hợp (dịch hoa quả) để bồi bổ thêm sức khỏe, giúp ăn ngon miệng hơn. Ngược lại nếu người khỏe truyền dịch hoa quả có thể dẫn đến chứng lười ăn, thậm chí phù tim, thận vì đột ngột đưa vào cơ thể một lượng nước và chất dinh dưỡng quá lớn.

Ngược lại, việc truyền dịch tĩnh mạch chống chỉ định khi:

  • Bệnh nhân bị suy tim nặng
  • Bệnh nhân tăng huyết áp
  • Người khỏe mạnh không quá cần thiết phải truyền dịch

Nếu có chỉ định đặc biệt như cần duy trì một lượng dịch nhất định trong máu thì phải truyền thật chậm, khối lượng ít kết hợp theo dõi sát sao, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm.

Bệnh nhân tăng huyết áp không nên truyền tĩnh mạch

3. Quy trình truyền dịch vào tĩnh mạch

Trước khi thực hiện tiêm truyền tĩnh mạch, bệnh nhân nên đi đại tiện, tiểu tiện để chuẩn bị cho thời gian dài truyền dịch.

Bước 1: Nhân viên y tế sẽ đọc nhãn và kiểm tra chai dịch truyền, xác nhận các thông tin như tên chất dịch, số lượng, chất lượng, thời hạn sử dụng. Dùng bút lông ghi thông tin đầy đủ lên thân chai.

Bước 2: Sau đó gắn lồng treo (nếu cần) và mở nắp chai truyền. Cắm đầu dây truyền dịch vào chai, đẩy khí ra bằng cách khóa khóa lại.

Bước 3: Bóp đầu cao su cho dịch chạy xuống 1⁄2 bầu chai. Mở khoá cho dịch chảy từ từ chảy vào bồn hạt đậu cho đến khi hệ thống dây không còn khí thì khoá khoá lại. Pha thêm thuốc vào chai dịch truyền (nếu cần).

Bước 4: Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân nằm tư thế thích hợp để lộ vị trí tiêm. Nên chọn vị trí tiêm ở tĩnh mạch thẳng, to, ít di động.

Bước 5: Kê gối nhỏ hoặc lót tấm cao su nhỏ dưới vùng tiêm (nếu cần), sau đó buộc dây garô cách vùng tiêm từ 7-10cm, yêu cầu bệnh nhân nắm tay lại.

Bước 6: Sát khuẩn vùng tiêm theo hình xoắn ốc từ trong ra rộng 5cm bằng dung dịch sát khuẩn.

Bước 7: Nhân viên y tế dùng tay thuận cầm kim đưa vào tĩnh mạch chếch một góc 15-30 độ so với mặt da, sau đó hạ kim xuống thấp và luồng lên dọc tĩnh mạch vào sâu 2/3 chiều dài kim. Một tay giữ kim chui, tay còn lại bóp phần cao su mềm của dây truyền xem có máu chảy ra hay không, nếu có là đúng. Nếu không có máu thì chỉnh kim đến khi vào đúng tĩnh mạch.

Bước 8: Mở dây garô, mở khoá cho dịch chảy vào tĩnh mạch, dặn người bệnh buông tay ra. Đồng thời dặn dò bệnh nhân những điều cần thiết:

  • Nếu dịch không chảy, báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Khi hết dịch truyền cần báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Người bệnh không tự ý mở khóa chai truyền để nước chảy nhanh hơn.
  • Không cử động nơi vị trí truyền quá mạnh.
  • Nếu nơi tiêm bị phù, đau, phản ứng lạ như: lạnh run, mệt, khó thở... cần báo cho nhân viên y tế biết.

Ngoài ra trong quá trình tiêm truyền tĩnh mạch, cứ mỗi 30 phút nhân viên y tế phải đến xem xét bệnh nhân một lần để phát hiện tai biến trong quá trình truyền.

Khi gần hết chai dịch khoảng 15-20ml thì khóa lại, tháo băng keo và rút kim ra. Dùng bông gòn tẩm cồn ấn vào vùng tiêm (hoặc nếu truyền tiếp thì thay chai khác). Dọn dẹp cẩn thận dụng cụ y tế sau khi thực hiện truyền xong.

Truyền dịch vào tĩnh mạch

4. Lưu ý khi truyền dịch tĩnh mạch

Các lưu ý khi thực hiện liệu pháp truyền dịch cho bệnh nhân:

  • Dịch truyền và các dụng cụ sử dụng phải tuyệt đối vô khuẩn
  • Đảm bảo thực hành đúng quy trình và kỹ thuật tiêm truyền dịch trong suốt quá trình tiêm
  • Tuyệt đối không để không khí lọt vào tĩnh mạch và đảm bảo áp lực của dịch truyền cao hơn áp lực máu tĩnh mạch của người bệnh
  • Tốc độ chảy của dịch theo đúng như yêu cầu, duy trì tổng lượng dịch đưa vào cơ thể đúng thời gian quy định
  • Nhân viên y tế lưu ý theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh nhân trước, trong và sau khi truyền dịch để phát hiện và xử lý sớm các phản ứng (nếu có).
  • Nơi tiếp xúc giữa kim và mặt da phải được giữ vô khuẩn tuyệt đối
  • Khi cơ thể suy nhược, chán ăn, người bệnh cần xem lại chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc và tập luyện sao cho thích hợp. Trong trường hợp còn ăn uống được thì thay vì truyền dịch nên bổ sung bằng các thực phẩm cá, thịt, trứng, sữa... sẽ hiệu quả và an toàn hơn truyền dịch
  • Trong quá trình truyền dịch, nếu cơ thể có những biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, sưng phù chỗ tiêm... thì phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí, tránh những phản ứng nguy hiểm hơn
  • Quy trình truyền dịch tĩnh mạch phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và khả năng xử trí tai biến trong khi truyền dịch, hạn chế thực hiện truyền dịch tại nhà, trên đường, trên phương tiện giao thông
  • Tại các cơ sở y tế nên có sẵn thuốc cấp cứu chống choáng, sốc để phòng ngừa những trường hợp không may vẫn có thể kịp thời cứu chữa bệnh nhân

XEM THÊM

  • Nguy hiểm khi tự ý truyền dịch tại nhà
  • Truyền dịch (đạm) có tác dụng gì với cơ thể?
  • Truyền dịch khi sốt xuất huyết: Chớ tùy tiện