Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Tứ Kỳ có diện tích khai thác rươi rộng lớn và hiện nay người dân ở đây đã biết cách quảng bá thương hiệu và chế biến sẵn được nhiều món đặc sản về rươi.
Ngoài đặc sản từ con rươi, ở Tứ Kỳ, nông dân còn có nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị khác như gạo bãi rươi, chim bồ câu nuôi thảo dược, nấm đông trùng hạ thảo… Năm 2023, địa phương có 23 sản phẩm được công nhận đạt chất lượng OCOP 3 sao và 4 sao. Mỗi sản phẩm đều mang đậm dấu ấn riêng để khi nhắc tới Tứ Kỳ và các xã người ta sẽ nhớ ngay tới sản phẩm gắn liền với địa phương.
Với Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2021-2025”, huyện Tứ Kỳ đã xác định rõ tiềm năng du lịch là nông nghiệp, sinh thái trải nghiệm và tâm linh.
9 xã sẽ là điểm du lịch với các sản phẩm chủ yếu để định hướng đầu tư và khai thác gồm Hưng Đạo (làng nghề thêu ren, đình - đền Lạc Dục), Bình Lãng (Lăng bà Bổi Lạng), Quang Phục (vùng nuôi thuỷ sản, mô hình trồng nấm), Tân Kỳ (vùng nuôi thuỷ sản công nghệ cao), Quang Khải (vùng trồng hoa sen), An Thanh (nông nghiệp hữu cơ), Tiên Động (hàng dừa, nuôi thuỷ sản), Hà Thanh và Hà Kỳ (nuôi thuỷ sản)…
Địa phương có 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tháng 5/2023, UBND tỉnh Hải Dương đã công nhận điểm du lịch là di tích lịch sử văn hóa đình-đền Lạc Dục, xã Hưng Đạo. Đây là điểm du lịch đầu tiên của huyện và cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách của huyện Tứ Kỳ. Huyện có những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm và những nghệ nhân khéo léo, tinh tế như nghề dệt chiếu cói Thanh Kỳ ở xã An Thanh; thêu ren Xuân Nẻo ở xã Hưng Đạo.
Nhiều cảnh đẹp, thơ mộng của làng quê thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh như cỏ hồng triền đê sông Thái Bình; rặng dừa thôn Hoà Nhuệ, xã Tiên Động; vườn hoa ở đò Lạng, xã Bình Lãng… Trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống được nhiều thế hệ lưu giữ, phát triển như pháo đất ở xã Quang Khải, vật dân tộc ở các xã Văn Tố, An Thanh…
NGUYỄN THẢO