Đơn vị:

Uống rau ngót sống có tốt không?

Rau ngót là loại rau phổ biến, thông dụng trong bữa ăn của người Việt. Rau ngót dễ trồng, tốt cho sức khỏe lại rẻ tiền nên được nhiều người yêu thích. Ngoài việc nấu ăn ngon, thì rau ngót còn được nhiều người ép nước uống. Vậy, uống rau ngót sống có tốt không?

Tác dụng của rau ngót

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec có sự tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Loan - Bác sĩ Sản phụ khoa - khoa sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, rau ngót giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giúp phụ nữ sau sinh nhanh loại bỏ dịch bẩn ra tử cung.

Rau ngót cũng là nguồn cung cấp chất xơ quý, giúp ruột tiêu hóa dễ dàng, có tác dụng chống táo bón và phòng xơ vữa động mạch.

Lượng protid trong rau tươi nói chung thấp. Tuy vậy có nhiều loại rau người ta thấy một hàm lượng protid đáng kể như rau ngót với hàm lượng lên đến 5,3/ 100 gram.

Chất dinh dưỡng và vi chất: Canxi 169mg; Sắt 2,7mg; Magiê 123mg; Mangan 2.400mg; Phospho 65 mg; Kali 457mg; Natri 25mg; Kẽm 0,94mg; Đồng 190μg.

Uống rau ngót sống có tốt không là băn khoăn của nhiều người

Uống rau ngót sống có tốt không là băn khoăn của nhiều người

Vitamin: Vitamin C 185mg và vitamin A 6.650μg.

Rau ngót có hàm lượng vitamin A, vitamin C cao hơn hẳn so với bưởi, chanh, cam... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch.

Ngoài ra, vitamin C trong cơ thể là yếu tố cần thiết để vết thương mau lành và chống lão hóa giúp cải thiện chức năng não. Vitamin A là cần thiết cho tăng trưởng, quá trình nhìn của mắt, chống nhiễm khuẩn và duy trì làn da khỏe mạnh.

Cần lưu ý là vitamin C sẽ bị mất mát khi rau bị dập nát. Vì thế, nên sử dụng rau tươi, nấu xong ăn ngay là cách tốt để bảo toàn lượng vitamin C trong rau.

Theo Đông y, lá rau ngót tính mát lạnh, ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ. Rễ vị hơi đắng. Cả lá và rễ cây rau ngót đều có tác dụng với sức khỏe. Lá rau ngót chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, đái rắt, tiêu độc. Rễ thì lợi tiểu, thông huyết.

Ngoài ra, rau ngót còn có những công dụng đặc biệt dưới đây:

  • Chữa tưa lưỡi cho trẻ em: trẻ bú mẹ có thể bị tưa lưỡi do cặn sữa hoặc nấm gây đau, khó bú.
  • Chữa sót nhau thai: bà mẹ sau sinh khi sinh con, phụ nữ nạo phá thai, vì nguyên nhân nào đó mà nhau thai còn sót lại trong tử cung và gây nên nhiễm trùng.
  • Bồi dưỡng sau đẻ.
  • Nhức xương: rau ngót nấu với xương lợn, ăn nhiều lần trong ngày sẽ chữa nhức xương hiệu quả.
  • Chảy máu cam.
  • Giải độc rượu.
  • Chữa nám da.

Uống rau ngót sống có tốt không?

Ngoài làm rau ăn, nhiều người còn ép nước rau ngót sống để uống với mục đích giảm cân. Vậy, uống rau ngót sống có tốt không?

Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời bác sĩ Đoàn Hồng, chuyên khoa Dinh dưỡng cho biết, nhiều chị em vẫn thường truyền tai nhau cách giảm cân bằng việc uống nước ép rau ngót sống nhưng thực hiện không đúng.

Bác sĩ Đoàn Hồng cho biết, uống nước rau ngót tươi giúp giữ nguyên hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau, do đó đây được coi là thứ uống tươi ngon, bổ, mát và làm đẹp da rất tốt. Tuy nhiên nếu uống nhiều trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc papaverin dẫn đến nghẽn phổi, khó thở, kém ăn, mất ngủ, giảm hấp thụ canxi, phốt pho.

Không những thế, uống nước rau ngót tươi cũng gây đau nhức cơ thể, tăng huyết áp, đau đầu hoặc gây thiếu máu ở não. Vì vậy không nên uống nước rau ngót sống hàng ngày dù là người lớn hay trẻ em. Có thể uống nước rau ngót sống nhưng chỉ thi thoảng uống một cốc.

Ngoài ra, bác sĩ Hồng cũng khuyến cáo, các mẹ bầu tuyệt đối không nên uống nước ép rau ngót sống và ăn rau ngót quá nhiều. Do trong rau ngót chứa một lượng lớn chất papaverin (được tìm thấy trong cây thuốc phiện) có tác dụng giảm đau, hạ huyết áp, co giãn cơ trơn của mạch máu. Khi ăn nhiều rau ngót, chất papaverin trong rau có thể gây tăng co thắt tử cung và dẫn tới sảy thai.

Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "Uống rau ngót sống có tốt không?" rồi phải không?