Giải pháp kiến trúc
Câu hỏi đặt ra là trong một bối cảnh quần thể Thủy tổ Quan họ - một không gian cổ kính của làng Diềm, Bắc Ninh thì chúng ta sẽ thiết kế một công trình theo phong cách truyền thống (khai thác các cấu trúc đình, đền, chùa và các công trình thể hiện ngôn ngữ thiết kế địa phương) hay là đưa ra một phương án thiết kế hoàn toàn hiện đại, bắt nhịp với xu hướng thiết đương đại của thế giới?
Để giải quyết một cách trọn vẹn vấn đề trên, đơn vị tư vấn đã có rất nhiều trăn trở và đi đến quyết định đưa ra một phương án thiết kế kiến trúc hiện đại thể hiện hơi thở của thời đại, tuy nhiên các cấu trúc và chi tiết được lấy cảm hứng từ các cấu trúc và chi tiết trong các kiến trúc truyền thống. Lấy cảm hứng từ một cấu trúc của mái đình truyền thống, công trình hiện lên như một mái đình đương đại tạo nên một thiết kế hoàn toàn hiện đại nhưng lồng ghép trong đó là những cấu trúc, chi tiết, tỷ lệ thân thuộc của kiến trúc bản địa, truyền thống.
Toàn bộ facade mặt ngoài của công trình sử dụng giải pháp thiết kế Double Skin (Thiết kế hai lớp) nhằm gia tăng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà và tối ưu hiệu suất cho hệ thống điều hòa đối với các công trình công cộng; đồng thời tạo ra thiết kế lam lớp cho mặt đứng với các họa tiết trang trí cắt CNC (sử dụng vật liệu Cemboard) để tái hiện lại họa tiết của chiếc nón Ba Tầm - một trong những biểu tượng của văn hóa Quan họ.
Công trình có một giải pháp kết cấu khá đặc biệt để tạo thiết kế vòm cong dài 60m và không gian vượt nhịp khẩu độ lớn cho phòng khán giả. Đơn vị tư vấn đã đưa ra giải pháp dầm sàn ứng lực trước với biện pháp thi công khá phức tạp (hệ thống giàn giáo để ghép coppha cao tới 11m). Bên cạnh đó là các hệ thống “thang treo” trong nội thất không sử dụng cột chống nhằm tạo nên hiệu ứng ấn tượng trong nội thất của không gian khánh tiết.
Với tham vọng không chỉ tạo ra một khu vườn quanh nhà hát mà đơn vị tư vấn mong muốn tái hiện lại cả một “Không gian Văn hóa Quan họ” trong quần thể Thủy tổ Quan họ Bắc Ninh. Bởi Văn hóa Quan họ không chỉ được trình diễn trong nhà, mà đối với người dân bản địa, hình thức nghệ thuật trong truyền thống được tổ chức rất đa dạng như trong các dịp lễ hội ở sân đình, trên mặt nước, đôi khi là hát trên những không gian lao động sản xuất như trên cánh đồng, trên triền đê hoặc được trình diễn trong những nhà chứa - nơi mà liền anh, liền chị giao duyên, mời trầu. Và để thực hiện mục tiêu này, đơn vị tư vấn đã đề xuất mở rộng phạm vi thiết kế cảnh quan, và đề xuất này dẫn đến việc điều chỉnh Quy hoạch 1/500 của khu vực cục bộ xung quanh nhà hát. Ban đầu toàn bộ diện tích phía trước nhà hát được bố trí bãi đỗ xe theo quy hoạch; song tư vấn nhận thấy đây lại là điểm nhìn đẹp nhất về phía nhà hát, vì vậy đã đề xuất chuyển thành hồ cảnh quan để tạo khoảng lùi cho công trình đồng thời tạo nên một không gian mặt nước rộng gấp bốn lần hồ nước bên cạnh nhằm kết hợp để tổ chức Quan họ trên thuyền vào các dịp lễ hội.
Giải pháp nội thất
Nếu như thiết kế kiến trúc bên ngoài công trình mang dáng dấp hiện đại thì toàn bộ nội thất được tái hiện theo một phong cách hoàn toàn truyền thống. Không gian sân khấu biểu diễn chính được cách điệu từ kiến trúc cổng làng để dẫn dắt cảm xúc cho khán giả được đắm chìm vào trong không gian đậm chất qua họ. Hệ thống ghế ngồi được ĐVTV mạnh dạn đề xuất điều chỉnh cách bố trí để đặt giữa hai ghế ngồi là một bàn trà, đây là giải pháp vô cùng táo bạo và khác biệt trong cách thiết kế các không gian nhà hát, rạp chiếu phim; nhưng với sự lập luận chắc chắn từ phía tư vấn đã thuyết phục được chủ đầu tư thực hiện ý tưởng trên. Bên cạnh đó, thay vì hệ thống ghế ngồi hiện đại, Tư vấn đề xuất giải pháp sử dụng ghế Đồng Kỵ - một trong những sản phẩm nội thất từ làng nghề truyền thống của Bắc Ninh và được ĐVTV thiết kế theo ngôn ngữ đương đại hơn, một cách nào đó góp phần giới thiệu với du khách trong và ngoài nước biết đến các chất liệu và sản phẩm của làng nghề.
Bên cạnh đó, để giải quyết một trong những vấn đề rất lớn hiện nay đối với các công trình công cộng sử dựng vốn ngân sách là hiệu quả hoạt động chưa được tối ưu. Do đa phần các công trình đều sử dụng không gian lớn và mỗi khi có sự kiện đều phải sử dụng hết công suất của công trình kể cả trường hợp số lượng khách tham quan không nhiều gây tiêu tốn nhiều năng lượng sử dụng gây lãng phí. Vì vậy ĐVTV đề xuất thêm một không gian phòng hát quy mô nhỏ được bố trí phía trên cùng của Nhà hát được thiết kế theo hình thức không gian kết hợp cả trong nhà và ngoài trời. Để thực hiện ý tưởng này, ĐVTV tạo ra một khu vườn mở trên mái mô phỏng lại cấu trúc âm học của một thùng đàn để người nghệ sĩ có thể hát mộc, không cần thiết bị âm thanh nào nhưng vẫn tạo ra độ vang và một lượng khán giả lớn vẫn nghe được rõ ràng. Đây là một trong những điểm nhấn chính tạo ra sự khác biệt cho công trình Nhà hát.
Giải pháp về công nghệ
Bên cạnh việc tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng (giải pháp Double Skin - Thiết kế hai lớp và một loạt các giải pháp đề xuất khác) nhằm tối ưu việc sử dụng hệ thống điều hòa trong công trình, ĐVTV có các giải pháp trong việc triển khai giai đoạn Thiết kế cơ sở và Thiết kế thi công. Nhà hát có kết cấu ba chiều vô cùng phức tạp vì vậy không thể sản xuất bản vẽ bằng công cụ vẽ ghi truyền thống như AutoCad, mà phải sử dụng công nghệ BIM (toàn bộ hồ sơ được triển khai bằng phần mềm Revit để quản lý bản vẽ một cách hiệu quả, trực quan cũng như đảm bảo việc phối hợp với các bộ môn Kết cấu, MEP.. không gặp xung đột. Và trong quá trình thi công, đơn vị thi công có được nhiều bản vẽ 3D từ Revit để hình dung không gian phức tạp do sự biến điệu về kết cấu sinh ra trong Nhà hát.
Xem thêm hình ảnh dự án
Đinh Hằng - TCKT.VN © Tạp chí Kiến trúc