Đơn vị:

Chuyện về người lính vẽ tranh Bác Hồ bằng máu trên chiến trường

Trong ánh đèn sân khấu ấm áp của chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng - người cựu binh với mái tóc bạc phơ, gương mặt hằn sâu dấu ấn chiến tranh - đứng lặng lẽ bên giá vẽ.

Không có cọ vẽ, mất đi thị lực vì chiến tranh, ông dùng chính đôi tay mình chấm màu, lướt nhẹ lên tấm toan trắng, tái hiện bức chân dung Bác Hồ từng được ông vẽ bằng chính máu mình năm 1975.

Trong ánh sáng mờ ảo, gương mặt Bác dần hiện lên, thiêng liêng và xúc động. Khán trường của Dinh Độc Lập nín lặng, rồi vỡ òa trong những tràng pháo tay khi bức tranh hoàn thành.

Từng nét vẽ như kết tinh khí phách của người lính từng đối mặt với cái chết, vượt lên mọi đau đớn, tật nguyền để tạc lại hình ảnh thiêng liêng của vị Cha già dân tộc.

Từ nét vẽ trên cát đến chiến hào rực lửa

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), họa sĩ Lê Duy Ứng từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê hội họa. Ông kể, cha mình - cụ Lê Yến - là người có học, vẽ nhiều tranh, nên ông tin mình thừa hưởng "gen hội họa" từ cha.

Khi ông Ứng mới vài tháng tuổi, cha lên đường nhập ngũ chống Pháp. Tuổi thơ của ông gắn liền với cánh đồng, bờ sông và những buổi chăn trâu, cắt cỏ. Mỗi lần như vậy, cậu bé lại dùng que vẽ nguệch ngoạc lên nền cát - bãi cát trở thành trang giấy đầu tiên, những con sóng là cục tẩy, cậu không ngừng vẽ, say mê không mệt mỏi.

Năm 1960, khi mới học lớp 4, họa sĩ Lê Duy Ứng đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên với chủ đề "Xấu nên tránh, tốt nên làm" tại huyện Quảng Ninh. Triển lãm giúp ông giành giải mỹ thuật với phần thưởng là vài cây bút chì, hộp màu và giấy vẽ - món quà tuy đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa, tiếp thêm động lực nuôi dưỡng đam mê hội họa từ nhỏ.

Năm 1967, họa sĩ Lê Duy Ứng thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Khi đang học năm thứ ba, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng sinh viên mỹ thuật xếp lại ước mơ cầm cọ, tình nguyện nhập ngũ năm 1971.

Chuyện về người lính vẽ tranh Bác Hồ bằng máu trên chiến trường - 1

Họa sĩ Lê Duy Ứng (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhờ có năng khiếu hội họa, họa sĩ Lê Duy Ứng được phân công vào đơn vị trinh sát với nhiệm vụ đặc biệt: Vẽ bản đồ, đắp sa bàn để phục vụ chiến đấu. Ông từng có mặt tại nhiều chiến trường khốc liệt, đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 - nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Ông được kết nạp Đảng ngày 23/8/1972 ngay tại chiến hào bảo vệ Thành cổ.

Năm 1974, ông được cử ra Bắc học thêm về nhiếp ảnh, quay phim và viết báo, nhằm nâng cao chuyên môn phục vụ công tác tuyên huấn. Sau khóa học, ông được điều về Quân đoàn 2, đảm trách mảng lịch sử và truyền thống.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lê Duy Ứng theo sát các mũi tiến công của Sư đoàn 325, 304 và Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn 2). Vừa cầm súng chiến đấu, ông vừa cầm bút ghi lại bằng nét vẽ những khoảnh khắc hào hùng từ Huế, Đà Nẵng đến tận cửa ngõ Sài Gòn.

Mỗi bức ký họa ông thực hiện là một lát cắt sống động, chân thực của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc - nơi máu, lửa và tinh thần quật cường được khắc họa bằng trái tim của người lính - họa sĩ.

Dùng máu mắt vẽ tranh Bác Hồ

Rạng sáng 28/4/1975, khi cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 847 thuộc Lữ đoàn Tăng 203 tiến vào căn cứ Nước Trong - cách Sài Gòn chừng 30km - để ghi lại những hình ảnh chiến đấu trước trận đánh cuối cùng, xe tăng của ông bất ngờ trúng đạn địch. Một tiếng nổ long trời vang lên, ông Lê Duy Ứng bị thương nặng, ngất lịm giữa cơn bão bom đạn.

"Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trên sàn xe, bên cạnh là một đồng đội đã hy sinh. Tiếng hô xung phong, tiếng bom đạn vẫn gầm rú dữ dội xung quanh. Chiếc xe tăng nằm bất động. Tôi cảm nhận rõ mắt mình đã lòi ra ngoài… nhưng đầu óc lại vô cùng tỉnh táo", ông nhớ lại.

Trong chiến trường, kinh nghiệm nếu bị thương nặng mà vẫn tỉnh táo, thì khả năng sống sót rất mong manh. Nghĩ mình khó qua khỏi, trong khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết, một ý nghĩ vụt lóe lên: "Mình là họa sĩ, mình phải để lại điều gì đó cho đồng đội, cho cuộc đời".

Chuyện về người lính vẽ tranh Bác Hồ bằng máu trên chiến trường - 2

Bức tranh Bác Hồ vẽ bằng máu của ông Lê Duy Ứng.

Trong cơn đau tưởng chừng tận cùng, ông Lê Duy Ứng rút cặp vẽ, dùng chính máu từ đôi mắt mình, phác họa chân dung Bác Hồ, phía sau là lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng tung bay. Dưới bức vẽ, ông nắn nót ghi dòng chữ: "Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân", rồi ký tên. Hoàn tất, ông đặt bức họa - kết tinh từ máu và ý chí - vào túi áo ngực, sát trái tim, rồi thiếp đi, tưởng đã vĩnh viễn.

Nhưng số phận chưa khép lại trang đời người lính họa sĩ. Đồng đội kéo ông ra khỏi chiếc xe tăng đang cháy rừng rực. Một chiến sĩ trẻ bế ông băng qua làn đạn như mưa. "Có lúc, đồng chí ấy đè người lên tôi để chắn đạn. Như gà mẹ ủ con… Tôi cảm động đến nghẹn lời", ông xúc động kể lại.

Đến trạm quân y, ông được đưa thẳng vào nhà xác. Nhưng giữa bóng tối của cái chết, kỳ tích xảy ra: Ông tỉnh lại, khẽ thều thào xin nước. Một chiến sĩ quân y tình cờ đi ngang nghe thấy, lao vào kiểm tra và phát hiện ông vẫn còn sống. Đồng chí quân y vội vã kéo Lê Duy Ứng ra, đưa xuống một căn hầm trú ẩn nhỏ.

Vừa kịp chui vào, một tiếng nổ kinh hoàng xé toạc không gian. Pháo địch giáng trúng nhà xác. Đất đá phủ kín. Người lính quân y quay sang ông, thì thầm trong nỗi bàng hoàng: "Anh thật sự quá may mắn. Nhà xác vừa bị phá tan tành. Nếu chậm vài phút thôi, ta sẽ tan tành...".

Được chuyển về tuyến sau tại Xuân Lộc, tim ông lại một lần nữa ngừng đập. Đồng đội lần nữa chuẩn bị lo hậu sự. Khi cởi bỏ bộ quân phục thấm đầy máu để mang đi giặt, họ phát hiện bức chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu nằm trong túi áo ngực - sát trái tim ông. Hiểu đây là báu vật linh thiêng, họ cẩn thận gấp lại, đặt vào ba lô cùng vài vật dụng cá nhân, coi như di vật của một liệt sĩ.

Nhưng định mệnh chưa chịu khép lại trang cuối. Ông bất ngờ hồi sinh lần thứ ba. Chiếc ba lô và bức họa thấm máu được trao tận tay người vẽ nên nó.

Giọng ông run run khi nhớ lại: "Tôi biết ơn vô hạn những người đồng đội vô danh đã giữ lại bức tranh ấy. Nếu họ giặt sạch bộ áo đẫm máu mà không để ý, thì dù tôi có nói ngàn lần rằng mình từng vẽ chân dung Bác Hồ giữa chiến trường, cũng chẳng ai tin. Nhưng nhờ họ, bằng chứng ấy vẫn còn… và còn mãi".

Sau lời động viên của Bác Hồ và ông Trà, ông Lê Duy Ứng chuyển sang điêu khắc.

Tàn nhưng không phế

Khi đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, ông Ứng từng tưởng cuộc sống đã khép lại. Nhưng chính trong những ngày đen tối nhất, một tia hy vọng đã lóe lên - như ánh sao dẫn lối giữa đêm đen.

Suốt 7 năm điều trị tại Trường Thương binh hỏng mắt (139 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), ông Lê Duy Ứng không chỉ được chữa lành thể xác, mà còn hồi sinh tinh thần từ những câu chuyện về Bác Hồ do mọi người kể lại.

Theo lời kể, đêm 30 Tết Bính Thân (1956), trong một lần Bác Hồ đến thăm các thương binh, một người lính nghẹn ngào thốt lên: "Bác ơi, ngày xưa đi bộ đội, chúng cháu thấy hình Bác trên đồng tiền Việt Nam. Nay đứng gần Bác chỉ một gang tay mà không thể nhìn thấy…", Bác Hồ rơi nước mắt. Một thương binh hỏng mắt khác xin được "nhìn Bác bằng cảm nhận từ 10 đầu ngón tay".

Khi có người nói: "Chúng cháu giờ tàn phế mất rồi", Bác Hồ nhẹ nhàng đáp: "Các chú thương binh tàn nhưng không phế", một câu nói trở thành phương châm sống của hàng vạn thương binh, và là ngọn lửa thôi thúc ông Lê Duy Ứng bước qua những ngày tăm tối nhất.

Không chỉ thế, ông còn được truyền cảm hứng từ Giáo sư, bác sĩ Đào Xuân Trà - người từng chăm sóc mắt cho Bác Hồ. Ông Trà khuyên: "Ứng ơi, đừng buồn. Ở Liên Xô có người mù mà vẫn tạc tượng rất giỏi. Ứng thử làm điêu khắc xem sao".

Chuyện về người lính vẽ tranh Bác Hồ bằng máu trên chiến trường - 5

Họa sĩ Lê Duy Ứng xác lập kỷ lục thương binh hạng nặng 91% có nhiều tác phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực hội họa và điêu khắc nhất.

Từ khoảnh khắc ấy, một con người mới được sinh ra. Không còn tuyệt vọng, ông dồn hết đam mê và nghị lực vào từng khối đất sét, khúc gỗ vô tri. Đôi tay từng cầm súng, cầm cọ, giờ đây thổi hồn vào hàng trăm bức tượng, hàng ngàn bức tranh - tác phẩm ra đời từ bóng tối nhưng rực sáng nghị lực phi thường.

Tác phẩm của ông được trưng bày khắp ba miền đất nước, vươn ra thế giới, đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Năm 2013, ông được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, ghi nhận hành trình vượt lên số phận.

Câu chuyện cuộc đời ông được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4, trong bài chính tả "Người chiến sĩ giàu nghị lực", trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ học sinh và người dân Việt Nam.

Ở tuổi gần 80, Đại tá - họa sĩ Lê Duy Ứng vẫn miệt mài sáng tác trong ngôi nhà tại Hà Nội, nơi ông dành phần lớn không gian làm bảo tàng trưng bày tác phẩm nghệ thuật, ký họa chiến trường và cả những kỷ vật mang đậm dấu ấn lịch sử, ký ức và lòng tri ân.

Không chỉ là nghệ sĩ, ông còn là người truyền lửa. Dù tuổi cao, ông vẫn đi khắp mọi miền đất nước, chia sẻ câu chuyện chiến đấu và nghị lực sống với thế hệ trẻ. Ông tự học tiếng Anh mỗi ngày để có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế về bảo tàng và cuộc đời mình - bằng chính giọng kể của người trong cuộc.

Đi qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, điều khiến ông trân quý nhất chính là hòa bình hôm nay - thành quả của bao hy sinh, máu xương của đồng đội.

Ảnh: Nhân vật cung cấp