Vậy là đã một tháng kể từ ngày cuốn sách đầu tay của tôi, “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” ra đời. Cầm lên tay cuốn sách, tôi thực sự rất mãn nguyện. Mãn nguyện không phải vì cuốn sách hoàn hảo tuyệt đối mà mãn nguyện bởi vì tôi đã đi được đến cùng để cho ra đời một sản phẩm mà mình có thể tự hào. Lần đầu xuất bản khó tránh khỏi bỡ ngỡ, va vấp, nhưng chính vì thế, tôi đã học được thêm nhiều điều, từ quá trình viết lách, đến xuất bản, và nhận góp ý của độc giả. Tôi thực sự biết ơn vì nhờ cuốn sách, nhờ bạn đọc mà tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Người ngoài khó có thể nhận ra những thay đổi này nhưng tôi có thể khẳng định rằng: Tôi của ngày hôm nay đã là một con người khác tôi của 4 tháng trước (!).
Tôi vui vì phần đông bạn đọc cảm thấy nội dung sách hữu ích, thiết kế ưa nhìn, văn viết dễ hiểu, và truyền cảm hứng. Tôi càng vui hơn khi thấy nhiều bạn đọc, dù đã quen với khái nhiệm Chủ nghĩa tối giản và từng tham khảo nhiều nguồn tài liệu, vẫn nhận ra điểm khác biệt rõ nét giữa “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” và những cuốn sách khác cũng đề tài. Là một người làm nghiên cứu, tôi không bao giờ muốn làm một dự án nào lặp lại y hệt ý tưởng của những người đi trước. Thế nên, tôi chỉ đặt bút viết cuốn sách khi biết chắc chắn mình đã tìm ra một con đường (tương đối) mới và đặc biệt cho bản thân và cho bạn đọc Việt. Những khác biệt này là gì? Có lẽ câu hỏi này sẽ bỏ ngỏ để bạn đọc tự trả lời sau khi đọc hết cuốn sách.
Một tháng nay, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc, tôi cảm thấy như mình “nợ” một câu chuyện hậu trường — câu chuyện đằng sau sự ra đời cuốn sách. Vậy nên bài viết này là câu chuyện đó — những chuyện “bây giờ mới kể” về những con người và những ý tưởng đã tạo nên “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản”
Cái duyên
Mọi người hay hỏi tôi: “Từ bao giờ Chi có ý định viết sách?” Chà, đây là một câu hỏi tưởng dễ nhưng rất khó để trả lời. Có lẽ, tôi luôn biết mình sẽ sáng tạo ra một cái gì đó nhưng chưa biết “cái đó” cụ thể là gì. Khi bắt đầu có ý tưởng viết blog The Present Writer, tôi có nói chuyện với mẹ tôi và mẹ tôi có động viên là nếu tôi viết tốt, viết đều đặn thì sau này có thể bỏ tiền tự xuất bản hoặc gửi bản thảo cho nhà xuất bản để ký hợp đồng cho ra sách. Khi đó, tôi có cười và nói với mẹ tôi rằng: “Con thích viết cho con thì con viết thôi, còn ra được cái gì cụ thể hay không còn tùy duyên. Nhưng con tin nếu mình làm hết sức, cơ hội sẽ tự đến với mình”. Và cứ thế, tôi cứ viết, cứ nuôi dần, nuôi dần cho blog lớn lên theo từng tuần —như chăm bón một cái cây non mà không đợi ngày hái quả. Ý định về một (vài) cuốn sách dần hiện lên theo những chủ đề lớn tôi viết nhưng tất cả chỉ rất mơ hồ, và tôi hầu như không nghĩ mấy về chúng.
Sau này, có nhiều người cũng hỏi tôi về “mục đích cuối cùng” của việc viết blog là gì, tôi thực sự không biết và cũng không muốn biết. Tại sao cái gì cũng phải có “lộ trình”, “mục đích”, “đầu ra” cụ thể? Chỉ là viết, là viết thôi, có được không?
Mãi đến khoảng tháng 3/2017, khi đó tôi đã viết được gần 1 năm và có dịp về lại Hà Nội, một người bạn học phỏng vấn tôi cho VOV. Buổi nói chuyện rất vui vẻ, đến cuối, bạn hỏi: “Vậy Chi có nghĩ tương lai của blog là gì không?” Lúc đó, không biết là vì tôi đang cảm thấy hứng khởi vì cuộc nói chuyện hay căng thẳng dưới áp lực thu âm trực tiếp nhưng lần đầu tiên, tôi “dám” trả lời rành rọt: “Có lẽ là một cuốn sách!”. Wow! Thật sự chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên về mình bởi vì tôi thường hay giấu kín những dự định mà mình chưa hoàn thành. Nhưng từ khi nói ra thành lời ý định này, tôi tự nhiên cảm thấy chắc chắn mình có thể ra được một cuốn sách (!).
[Có lẽ vì thế mà một số bài tập về “tư duy tích cực” khuyến khích chúng ta nói biết ơn ngay cả với những gì chưa thành sự thật (ví dụ, khi đang thất nghiệp thì nói: “Tôi biết ơn vì mình đã có một công việc thu nhập tốt, có tiền đồ tươi sáng) vì việc nói ra thành lời thế này khiến ta cảm thấy mình đã ở vào vị thế tốt hơn, tự tin hơn vào tương lai.]
Ngay khi tôi vừa trở lại Mỹ và bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc viết sách thì gần như ngay lập tức nhận được tin nhắn làm quen và mời xuất bản đến từ bạn Đặng Mai Linh (hay tác giả văn học Lynh Miêu), quản lý của thương hiệu sách Bloom Books. Khi nhận được tin nhắn của Linh, tôi thực sự rất vui vì cảm thấy đây như một cái duyên - là dấu hiệu mà vũ trụ nói với tôi rằng: Đã đến lúc tôi cần phải cho ra đời cuốn sách này! Bởi thế, mặc dù thời điểm viết sách cũng là một trong những thời điểm bận nhất trong năm của tôi (vừa đi làm, đi dạy học, đi hội thảo, xuất bản…) nhưng tôi vẫn quyết tâm viết, hầu như tuần nào cũng viết và gửi bản thảo đúng hạn. Đôi lúc mệt mỏi, tôi lại nhóm lên niềm tin rằng, nếu đã có cái duyên may mắn rồi thì việc gì cũng sẽ thành, chỉ cần mình tập trung và làm hết sức.
Cái tên
Không biết bạn đọc blog lâu rồi có để ý không nhưng sự thật là tôi không mấy sáng tạo trong việc đặt tên bài viết :D. Cái này chắc phải quay lại nghề nghiệp chính là làm nghiên cứu nên tôi có thói quen xem bản chất nội dung xuất bản là cái gì thì tiêu đề phải phản ánh đúng cái đó — tôi chưa bao giờ được đào tạo làm sao để viết tiêu đề hay, “giật tít” thế nào để thu hút người đọc. Chủ yếu tiêu đề các bài trên blog đều là tôi viết nội dung hoàn chỉnh, đến lúc gần phải post bài rồi mới cuống cuồng gõ đại mấy chữ làm tên bài. Thế nên, tiêu đề cuốn sách đối với tôi là cả một vấn đề.
Ban đầu, vì tôi chưa nghĩ ra một cái tiêu đề nào nghe “kêu kêu” cả mà lại phải đề xuất tiêu đề trong hợp đồng xuất bản. Thế là tôi viết vào trong hợp đồng như thế này: “Tiêu đề sách: [Hiện chưa có, tạm gọi là] Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” và gửi vội cho Linh. (True story!). Sau này, khi dùng dần cái tên tạm đặt này quen rồi, tôi lại cảm thấy nó dễ thương, giản dị, chân phương. Linh cũng nói là tên sách này hay và đúng với tinh thần “tối giản”. Vậy là “Một cuốn sách về chủ nghĩa Chủ nghĩa tối giản” chính thức ra đời.
(Vài hôm trước, một người bạn của tôi làm về nhận diện thương hiệu có hỏi ai đã giúp tôi chọn được ra được tên sách có tính truyền thông tốt thế … À ừm… Giờ thì bạn biết rồi đấy….)
Cái chữ
“Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” là một cuốn sách nhỏ và tương đối mỏng (khoảng 44,000 từ). Nếu bạn chờ đợi một cuốn sách “hoành tráng” thì có lẽ bạn sẽ thất vọng khi cầm lên cuốn sách này. Nhưng hãy để tôi nói cho bạn một sự thật rằng: chỉ có 20% thời gian tôi dành để viết thô (viết dài, viết tự do) và đến 80% dành ra để thu gọn, cô đọng lại cuốn sách. Người biết rõ nhất hành trình này có lẽ là Thùy Chi, cô bé biên tập viên tài năng của Bloom, người giúp tôi hoàn thành bản thảo cuốn sách. Thùy Chi gợi ý rất tốt cho tôi những phần viết thừa và từng bước cùng tôi tìm cách biên tập để bản thảo gọn hơn, tập trung vào chủ đề chính hơn, và chứa đựng được nhiều thông tin hơn trong số lượng chữ hạn chế.
Tôi biết khi học Văn ở trường phổ thông, chúng ta hay có thói quen là viết bôi ra, viết dài ra để thầy/cô thấy mình chăm chỉ viết được nhiều cho điểm cao hơn. Nhưng bất cứ ai làm nghề viết thực thụ, đặc biệt là những ấn phẩm cần cô đọng như báo chí, nghiên cứu, phân tích… thì ắt hiểu rằng viết ngắn khó hơn rất nhiều viết dài. Đây thực sự là một kỹ năng! Khi còn học chuyên Văn, tôi từng được dạy rằng nếu muốn viết ngắn, có thể viết một câu mà hàm nhiều nghĩa (kiểu “vẽ mây nảy trăng”) hay viết khó hiểu một-cách-có-dụng-ý để người đọc tự luận ra nhiều ý. Nhưng thú thực, gần 6 năm làm nghiên cứu, 5 năm đi dạy học đã dạy cho tôi rằng viết hay chưa chắc đã tốt bằng viết để cho người khác hiểu một cách rõ ràng. Những cuốn sách mà tôi thích là những cuốn mà tôi có thể đọc một lèo trong vòng 1-2 ngày, lời văn đủ dễ hiểu để có thể đọc nhanh mà vừa lôi cuốn để mình không thể buông sách xuống được. Vì đây là thể loại sách tôi thích, giọng văn tôi theo đuổi, và phong cách viết-tư duy viết tôi hướng tới, “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” cũng thể hiện điều này.
Có thể với nhiều bạn đọc Việt, đây là một cách viết khá “lạ” nhưng với những ai thường đọc The Present Writer, tôi tin rằng bạn đã quen với giọng văn này.
Cái đẹp
Mọi người đều thích bìa sách! (Yay!!!!) Thành thật mà nói, tôi hồi hộp với phản ứng của bạn đọc về bìa sách hơn cả nội dung. Bởi vì nếu nội dung “lạ” 1 thì bìa sách chắc “lạ” 10 … vì tôi là người vẽ tay toàn bộ ý tưởng hình ảnh bìa sách (và hầu hết các hình vẽ minh họa bên trong) trước khi gửi cho họa sĩ vẽ máy. Ảnh bên là hình gốc tôi vẽ cho bìa sách (đừng cười nhé! :D).
Linh cũng giúp tôi rất nhiều trong việc trao đổi qua lại với họa sĩ để thêm thắt ý tưởng màu sắc, font chữ, trình bày… Nhờ vào tư duy thẩm mỹ tốt và phong cách làm việc vô cùng trách nhiệm của Linh và các họa sĩ của Bloom mà những ý tưởng sơ khai của tôi về cuốn sách mới được thành hình. Khi sách ra, nhờ vào team truyền thông của Bloom (với bàn tay chụp ảnh/mẫu ảnh của Anh Thư) thì mới ra được những bức ảnh đẹp cho cuốn sách — trước cả khi sách đến tay tác giả. Đằng sau một cuốn sách đẹp… là những người rất đẹp.
Cái còn lại
Suốt một tháng nay, tôi nghĩ: Nếu cái còn lại của bạn đọc sau khi đọc hết cuốn sách là kiến thức, thông điệp, cảm hứng về cuộc sống, thì cái còn lại của mình là gì? Chắc chắn không phải là tiền bạc (vì chẳng ai làm giàu được bằng viết sách), cũng không phải là địa vị (vì đây cũng không phải là một ấn phẩm gì có thể làm thay đổi cục diện chính trị, xã hội ngay lập tức), càng không phải sự nổi tiếng. Cho đến khi viết bài này, thậm chí viết đến những dòng này, tôi mới nhận ra rằng cái còn lại của tôi là tình yêu và sự biết ơn.
Yêu những việc mình đang làm, đã làm, và sẽ làm. Biết ơn những con người thầm lặng đã đóng góp cho sự ra đời của một ấn phẩm chân thành, sâu sắc, có chất lượng.
Yêu những dòng tin nhắn của những bạn đọc đồng cảm, yêu quý cuốn sách như chính mình. Biết ơn những lời góp ý, chỉ trích mang tính xây dựng để những lần tài bản sau, những cuốn sách sau được hoàn thiện hơn.
Yêu những hình ảnh và câu chuyện đẹp của mèo Friday được lưu lại mãi mãi trong cuốn sách. Biết ơn vì hai trong số ba năm ngắn ngủi trên đời, Friday đã cùng tôi sáng tạo ra bao nhiêu bài viết, làm nền tảng vững chắc cho cuốn sách này.
Yêu và biết ơn rất nhiều.
Be Present,
Chi Nguyễn
P/S: Sách đã phát hành trên toàn quốc và các kênh online như: Tiki & Shopee