Đơn vị:

Bếp Rùa ♥ Hơi ấm gia đình tỏa ra từ gian bếp nhỏ

Xôi lạc

Một buổi sáng mùa đông, cuối tuần. Cả nhà thức dậy muộn, chỉ có mình mẹ dậy đặt nồi xôi sớm.

Đêm qua ngâm gạo và ít lạc nhân. Tính đủ tỷ lệ gạo:lạc (tất nhiên “đủ” ở đây có nghĩa là hơi nhiều lạc, vì bố mẹ thích lạc trong xôi) xong xuôi, chợt nhớ ra hai đứa trẻ thích xôi đỗ hơn nên ngâm thêm nắm đỗ. Thế là vừa có cả hai loại xôi. Tuy nhiên do không ngâm thêm gạo nên sẽ phải lấy gạo từ phần xôi lạc.

Kết quả là sáng hôm nay, nhà mình có Lạc Xôi (vì Lạc là chính xôi là phụ) và Xôi đỗ xanh. Nhớ lại chuyện thi cử, bố mẹ ông bà kiêng cho con cháu đi thi ăn xôi lạc, xôi đỗ đen và chuối vì sợ làm bài lạc đề, đen đủi và … trượt vỏ chuối. Suy từ đó ra, bốn “thí sinh” nhà rùa, nếu có thi hôm nay, thì sẽ lạc đề nhưng vẫn đỗ. Hihihi… chắc may mắn.

Các món xôi, từ xôi đỗ, xôi lạc, xôi vừng,… đều được sử dụng “năm quân”, tức là dùng tay sạch để ăn. Từng miếng xôi được nắm lại như quả trứng gà nhỏ xíu, nhỏ như trứng cút cho những đứa trẻ lên ba. Vừa nắm vừa ăn, chấm một chút muối vừng và cảm nhận được đầy đủ tinh túy của trời đất. À đúng, chỉ còn thiếu mùi lá sen gói xôi thôi!

Công thức:

Nguyên liệu:

- 600g gạo nếp

- 200g lạc nhân (sống)/đậu phộng

- muối

Muối vừng:

- 50g vừng rang chín

- 1 chút muối

Cách nấu:

Gạo nếp vo sạch, ngâm nước qua đếm với một chút muối.

Lạc ngâm vài giờ, đổ bỏ nước ngâm lạc, cho nước sạch vào luộc chín mềm với một chút muối. Khi lạc chín, đổ ra rổ xối nước lạnh.

Vớt gạo để ráo nước. Trộn lẫn lạc và gạo. Đổ vào chõ đồ (hấp) đến khi gạo chín thành xôi.

Cách làm muối vừng: Vừng và muối cho vào cối giã nhỏ. Có thể dùng máy xay sinh tố xay nhỏ.

Để nấu xôi đỗ chung một lần, có thể bớt lại một phần gạo khi trộn với lạc, dùng phần gạo đó để trộn với đỗ xanh đã ngâm mềm. Sau khi đổ phần gạo + lạc thì vun sang một bên, đổ phần gạo + đỗ về một phía. Cả hai loại xôi sẽ chín gần như cùng một lúc. Thế là ta có cả hai loại trong cùng một bữa, cho khẩu vị và sở thích khác nhau.