Đơn vị:

Ăn không tiêu là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa

Ăn không tiêu là tình trạng phổ biến mà bất kỳ ai cũng từng gặp trong đời. Nguyên nhân chủ yếu thường do axit dạ dày và một số yếu tố khác, chẳng hạn như: chế độ ăn uống, tác dụng phụ của thuốc… Đôi khi, đây là dấu hiệu điển hình của một số bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng.

bệnh ăn không tiêu

Ăn không tiêu là gì?

Ăn không tiêu là tình trạng đau và khó chịu ở vùng bụng, xảy ra sau khi ăn, do quá trình tiêu hóa ở dạ dày gặp vấn đề. Triệu chứng gặp phải ở mỗi người thường không hoàn toàn giống nhau, xuất hiện thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tùy vào từng trường hợp.

Đây không phải là một bệnh lý cụ thể, đôi khi là triệu chứng của một vấn đề y tế nào đó. Hầu hết các triệu chứng ăn không tiêu thường cải thiện đáng kể sau khi thay đổi lối sống và dùng thuốc. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo về bệnh lý tiêu hóa tiềm ẩn, cần được điều trị kịp thời.

Triệu chứng khó tiêu thường xuất hiện trong vài phút đến vài giờ sau khi ăn. Thực tế, dạ dày cần từ 3 - 5 giờ để tiêu hóa hoàn toàn thực phẩm tiêu thụ, sau đó chuyển xuống ruột. Trong thời gian đó, tuyến tụy và túi mật sẽ gửi dịch và enzym đến dạ dày để hỗ trợ hoạt động này. Đây là những cơ quan ở vùng thượng vị - nơi thường xuyên xảy ra các triệu chứng khó tiêu.

dấu hiệu ăn không tiêu
Người mắc chứng khó tiêu thường bị đau bụng sau khi ăn

Thường xuyên ăn không tiêu là bệnh gì?

Triệu chứng ăn không tiêu xuất hiện thường xuyên có nguy cơ liên quan đến các bệnh tiêu hóa nguy hiểm, chẳng hạn như:

  • Bệnh viêm loét dạ dày.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
  • Viêm dạ dày.
  • Liệt dạ dày (Gastroparesis).
  • Thoát vị hoành.
  • Sỏi mật.
  • Viêm túi mật.
  • Viêm tụy (viêm tụy).
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS) .
  • Bệnh celiac.
  • Tắc ruột non.
  • Ung thư dạ dày.

Nguyên nhân ăn không tiêu

Đa phần các trường hợp ăn không tiêu đều liên quan đến axit dạ dày. Cụ thể, cơ quan luôn có một lớp niêm mạc chắc chắn, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bề mặt khỏi tác động của axit. Khi lớp này bị bào mòn, dưới tác động của axit, dạ dày rất dễ kích ứng, dẫn đến viêm. Một số nguyên nhân khác cũng có thể xảy ra nhưng thường không đáng kể.

Đôi khi, dịch dạ dày tràn ra ngoài, di chuyển vào phần trên cùng của ruột non. Cơ quan này không có lớp niêm mạc bảo vệ vì vậy dễ tổn thương hơn. Axit cũng có thể trào ngược từ dạ dày vào thực quản, gọi là hiện tượng trào ngược axit.(1)

Tình trạng này cũng thường đi kèm với một số triệu chứng khó tiêu, chẳng hạn như: ợ hơi, ợ chua… Người bệnh có thể bị trào ngược axit và khó chịu ở thực quản ngay cả khi niêm mạc dạ dày vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, nếu axit ăn mòn lớp bảo vệ này, nguy cơ cao sẽ gây ra loét dạ dày và tá tràng. Lúc này, một số triệu chứng khó tiêu có thể xảy ra, bao gồm: no sớm, buồn nôn, đầy hơi…

Một số yếu tố khác cũng góp phần gây ra chứng khó tiêu bao gồm:

  • Ăn quá nhiều hoặc quá nhanh: Đây đều là những thói quen xấu làm tăng áp lực cho dạ dày, khiến axit dễ thoát ra ngoài hơn.
  • Chế độ ăn quá nhiều chất béo: Hàm lượng chất béo cao sẽ kích thích sản sinh axit và enzym, gây kích ứng các mô trong đường tiêu hóa.
  • Không dung nạp thực phẩm: Chứng khó tiêu có thể xảy khi ăn nhầm một số loại thực phẩm mà cơ thể khó dung nạp.
  • Hút thuốc và uống rượu: Các chất có hại trong thuốc lá và rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến viêm.
  • Lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (aspirin, ibuprofen…): Điều này có thể khiến niêm mạc dạ dày bị ăn mòn.
  • Căng thẳng và lo lắng: Đường tiêu hóa có liên hệ mật thiết với bộ não thông qua các dây thần kinh, do đó tâm lý căng thẳng và lo lắng cũng có thể dẫn đến chứng ăn không tiêu.
nguyên nhân ăn không tiêu
Axit dạ dày là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên chứng ăn không tiêu

Phương pháp chẩn đoán ăn không tiêu

Với chứng ăn không tiêu, ban đầu bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, xem xét triệu chứng cụ thể. Nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc người bệnh trên 55 tuổi, một số xét nghiệm sau đây có thể được chỉ định, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu.
  • Xét nghiệm phân.
  • Xét nghiệm hơi thở.
  • Nội soi để kiểm tra bất thường trong đường tiêu hóa.
  • Xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang, CT).

Cách chữa ăn không tiêu

Chứng ăn không tiêu thường cải thiện hiệu quả sau khi dùng thuốc và thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp ly. Cụ thể như sau:

1. Dùng thuốc

  • Thuốc kháng axit không kê đơn (OTC): Thuốc kháng axit có tác dụng trung hòa axit trong dạ dày để tránh gây kích ứng các mô. Tuy nhiên, người bệnh không nên dùng quá thường xuyên.
  • Thuốc chẹn H2: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm axit dạ dày bằng cách ức chế cơ thể sản xuất ra histamine, có thể dùng thường xuyên hơn thuốc kháng axit không kê đơn nhưng tác dụng không kéo dài.
  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc ức chế bơm proton có khả năng ngăn chặn sản xuất axit mạnh hơn đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành các mô một cách hiệu quả. Loại này thường được kê toa khi triệu chứng khó tiêu tương đối nghiêm trọng, có dấu hiệu tổn thương mô hoặc viêm loét trong đường tiêu hóa.(2)

2. Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt

Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý cũng là giải pháp giúp kiểm soát chứng khó tiêu, bao gồm:

  • Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm gây khó tiêu: đồ ăn cay nóng, nhiều chất béo…
  • Chia khẩu phần ăn thành các bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn thành bữa lớn.
  • Từ bỏ thói quen sử dụng đồ uống chứa caffeine, rượu bia…
  • Tránh sử dụng một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen, naproxen natri…
  • Kiểm soát căng thẳng, tránh lo âu.

Khi nào thì đi khám bác sĩ?

Chứng ăn không tiêu ở mức độ nhẹ thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiêm trọng, xảy ra thường xuyên và kéo dài với các triệu chứng sau, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ:

  • Giảm cân mất kiểm soát.
  • Chán ăn.
  • Nôn nhiều, nôn ra máu.
  • Phân có màu hắc ín.
  • Khó nuốt.
  • Thiếu máu thiết sắt mà không xác định được nguyên nhân.

Dưới đây là các trường hợp khẩn cấp, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:

  • Khó thở kèm đổ mồ hôi.
  • Cơn đau ngực lan đến hàm, cổ hoặc cánh tay.
  • Đau ngực khi gắng sức hoặc căng thẳng.
trị ăn không tiêu
Thăm khám bác sĩ khi nhận thấy chứng ăn không tiêu ngày càng nghiêm trọng

Cách phòng ngừa ăn không tiêu

Việc phòng ngừa chứng ăn không tiêu cho thấy đem đến hiệu quả đáng kể thông qua việc quản lý chế độ ăn uống hàng ngày. Một số giải pháp hữu ích có thể tham khảo gồm:(3)

  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh giảm áp lực cho dạ dày.
  • Không nên nói chuyện, coi phim, đọc sách trong lúc đang ăn.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa hàm lượng axit cao, chẳng hạn như cà chua, trái cây họ cam, quýt…
  • Tránh ăn thực phẩm cay nóng.
  • Giảm hoặc tránh tiêu thụ thực phẩm, đồ uống có chứa caffein.
  • Thư giãn, kiểm soát căng thẳng.
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia để tránh gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
  • Tránh mặc quần áo bó sát vì dễ gây nén dạ dày, khiến các chất bên trong cơ quan đi vào thực quản .
  • Không nên tập thể dục khi vừa ăn no, chỉ nên tập trước bữa ăn hoặc ít nhất một giờ sau khi ăn.
  • Không nằm ngay sau khi ăn.
  • Tránh ăn khuya, nên ăn trước khi ngủ ít nhất 3 giờ.
  • Nằm ngủ với tư thế đầu cao hơn chân và dùng gối chống đỡ để giúp dịch tiêu hóa chảy vào ruột thay vì trào ngược lên thực quản.
  • Kiểm soát và duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho dạ dày và thực quản.
  • Ăn chậm, nhai kỹ.
khi ăn không tiêu nên làm gì
Ăn chậm nhai kỹ là một cách hữu ích để phòng ngừa chứng khó tiêu

Các thắc mắc hay gặp khi ăn không tiêu

Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc thường gặp về chứng ăn không tiêu:

1. Ăn không tiêu uống gì?

Đối với chứng khó tiêu, bên cạnh việc uống đầy đủ các loại thuốc theo toa của bác sĩ (thuốc chẹn Histamine, thuốc kháng axit)…, người bệnh nên bổ sung một số đồ uống có lợi sau:

  • Nước lọc: Người bệnh nên uống đủ 8 ly nước lọc mỗi ngày để làm loãng axit trong dạ dày.
  • Các loại trà thảo dược: Trà hoa cúc, hoa oải hương, trà gừng… có thể giúp làm dịu hệ tiêu hóa.

2. Ăn không tiêu nên làm gì?

Chứng ăn không tiêu ở mức độ nhẹ có thể cải thiện hiệu quả nhờ vào việc thay đổi lối sống hợp lý và lành mạnh, bao gồm:

  • Ăn các bữa ăn nhỏ, ăn thường xuyên hơn.
  • Nhai thức ăn từ từ và kỹ lưỡng.
  • Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm gây kích ứng hệ tiêu hóa, chẳng hạn như: đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhiều chất béo, đồ chế biến sẵn, đồ uống có gas, caffein, rượu…
  • Bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực lên bụng.
  • Tập thể dục thường xuyên để giúp kiểm soát cân nặng và thúc đẩy quá trình tiêu hóa tốt hơn.
  • Quản lý căng thẳng.
  • Thay đổi thuốc của bạn, điển hình là các loại thuốc giảm đau gây kích ưng niêm mạc dạ dày.
  • Nếu người bệnh được chẩn đoán khó tiêu do mắc bệnh lý cụ thể, điều quan trọng nhất là phải điều trị dứt điểm.

3. Ăn không tiêu có gây ảnh hưởng gì không?

Chứng ăn không tiêu xảy ra phổ biến và thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng xảy ra liên tục, kéo dài, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn. Điều này còn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, điển hình là cảm giác khó chịu và chán ăn. Vì thế, ngay khi nhận thấy triệu chứng khó tiêu, người bệnh nên thăm khám sớm để được điều trị hiệu quả.

4. Ăn gì cho dễ tiêu hóa?

Thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe hệ tiêu hóa, dưới đây là một số loại thức ăn dễ tiêu nên tham khảo để thêm vào thực đơn hàng ngày:

  • Bánh mì nướng.
  • Cơm trắng.
  • Chuối.
  • Sốt táo.
  • Trứng.
  • Khoai lang.
  • Thịt gà.
  • Cá hồi.
  • Bánh quy mặn.
  • Bột yến mạch.
  • Các loại rau củ ít chất béo, ít đường, tốt cho hệ tiêu hóa: Đậu xanh, bông cải xanh, măng tây, súp lơ trắng, rau lá xanh, khoai tây, dưa chuột…
ăn không tiêu nên ăn gì
Ưu tiên các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa để tránh mắc chứng khó tiêu

Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa (BVĐK Tâm Anh TP.HCM) và Khoa Ngoại Tổng hợp (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) là những trung tâm y tế chuyên khoa Tiêu hóa uy tín, cung cấp dịch vụ thăm khám và điều trị cao cấp, hiệu quả cho các bệnh nhân mắc các vấn đề về gan từ nhẹ đến nặng (gan nhiễm mỡ, viêm gan cấp tính, mạn tính, xơ gan, ung thư gan…). Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ bác sĩ Nội khoa - Ngoại khoa - Nội soi tiêu hóa chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ tối đa nhu cầu thăm khám và điều trị của khách hàng.

Để đặt lịch thăm khám và điều trị các bệnh về gan với các chuyên gia bác sĩ về Tiêu hóa của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, xin vui lòng liên hệ:

Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến chứng ăn không tiêu, nguyên nhân, triệu chứng, cách kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng thông qua những chia sẻ này, bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.