Đơn vị:

Bàu Bàng 10 năm đổi thay, vươn lên mạnh mẽ

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, Bàu Bàng đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Thành tựu đó là niềm tự hào, tiền đề vững chắc để Bàu Bàng tiếp tục tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những hạt nhân phát triển công nghiệp năng động của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Diện mạo huyện Bàu Bàng khởi sắc sau 10 năm xây dựng, phát triển

Điểm sáng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Về Bàu Bàng hôm nay, dạo quanh các khu công nghiệp (KCN) sôi động, hiện đại với những nhà máy khang trang ít ai ngờ được đây từng là vùng đất thuần nông với cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, lạc hậu ngày nào. Sau 10 năm tách ra từ TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng đã thay đổi mạnh mẽ, trở thành địa phương có nền kinh tế công nghiệp phát triển.

Cảm nhận về sự thay đổi của Bàu Bàng, ông Huang Hao Cheng, Giám đốc Công ty TNHH Ampacs International, cho biết: “Công ty hoạt động tại KCN Bàu Bàng từ năm 2019, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện tử dân dụng. Thời điểm đó nơi đây còn khá vắng vẻ, ít doanh nghiệp. Hạ tầng KCN ngày càng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng của huyện đồng bộ, đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. 5 năm hoạt động, công ty được địa phương tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Chúng tôi rất yên tâm để sản xuất, kinh doanh”.

Huyện Bàu Bàng đã thu hút được hàng ngàn dự án đăng ký đầu tư. So với năm 2014, đầu tư nước ngoài từ 50 dự án tăng lên 249 dự án, số vốn hơn 730 triệu đô la Mỹ tăng lên hơn 4 tỷ đô la Mỹ; đầu tư trong nước từ 170 dự án tăng lên 1.214 dự án, số vốn từ 14.460 tỷ đồng tăng lên hơn 32.535 tỷ đồng.

Thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ trong đầu tư và phát triển hạ tầng các KCN, đến nay, huyện Bàu Bàng đã hình thành 2 KCN với tổng diện tích quy hoạch hàng ngàn ha. Nếu như năm 2014 diện tích quy hoạch công nghiệp từ 1.000 ha ban đầu đến nay đã nâng lên khoảng 2.000 ha (trong đóKCN Bàu Bàng mở rộng 893 ha, KCN Tân Bình 95 ha). Huyện còn thu hút hàng ngàn tỷ đồng của các thành phần kinh tế trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng và Tân Bình.

Ngoài ra, KCN Cây Trường 700 ha, KCN Lai Hưng 600 ha đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện. Như vậy, khi các KCN nói trên hình thành, diện tích đất công nghiệp của huyện sẽ là 3.300 ha.

Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện, với quan điểm kết cấu hạ tầng là yếu tố đi trước mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong 1 thập niên qua, huyện luôn tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Hệ thống giao thông đồng bộ kết nối là đòn bẩy để huyện trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa cho doanh nghiệp vàtạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Qua 10 năm, huyện đã thực hiện hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường tạo lực: Mỹ Phước - Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (đoạn Tân Long - Lai Uyên), tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong những năm tới.

Các KCN thu hút nhiều nhà đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Ampacs International

Chứng kiến sự thay đổi của quê hương, hầu hết người dân đang sinh sống trên mảnh đất Bàu Bàng đều vô cùng phấn khởi, tự hào. Chị Trần Thị Tuyết, người dân sinh sống tại ấp 5, xã Hưng Hòa, cho biết: “Bàu Bàng hiện nay đã khoác áo mới hiện đại hơn. Những tuyến đường nhỏ hẹp khi xưa, nay được mở rộng, đầu tư khang trang, sạch đẹp giúp người dân đi lại, giao thương buôn bán thuận lợi hơn. Đặc biệt, các KCN đi vào hoạt động đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tạo diện mạo mới cho địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều người dân trong và ngoài địa phương”.

Thúc đẩy thương mại - dịch vụ

Công nghiệp phát triển đã kéo theo lĩnh vực thương mại - dịch vụ (TM-DV) trên địa bàn huyện cũng phát triển nhanh. Hệ thống kết cấu hạ tầng TM-DV của huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Trên địa bàn huyện Bàu Bàng hiện có 10 chợ, 4 cửa hàng Bách hóa xanh, 1 bến xe khách gồm 47 phương tiện đăng ký khai thác, hoạt động trên 25 tuyến, bao gồm 24 tuyến cố định với 41 đầu xe và 1 tuyến xe buýt với 6 đầu xe. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đã mở chi nhánh tại huyện nhằm phục vụ cho các thành phần kinh tế. Hoạt động tín dụng - ngân hàng trên địa bàn tương đối ổn định bảo đảm phục vụ tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế.

Ngoài ra, huyện đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động kinh doanh, đồng thời khuyến khích các hộ dân mở rộng ngành nghề kinh doanh. Trong 10 năm, trên địa bàn huyện đã phát triển được 5.745 hộ kinh doanh đăng ký với tổng số vốn gần 1.447 tỷ đồng. Tổng số hộ kinh doanh tính đến cuối năm 2023 là 8.360 hộ với tổng số vốn 2.376 tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, nhiều khu dân cư mới đang triển khai xây dựng. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển loại hình TM-DV về nhà ở. Ngoài các khu dân cư - đô thị do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư, đến cuối năm 2023 huyện đã phát triển thêm 24 dự án khu dân cư mới, nâng tổng số dự án khu dân cư, nhà ở lên con số 31 với diện tích trên 1.608 ha, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 195.144 người. Toàn huyện đã thực hiện xây dựng các khu nhà ở công nhân với hơn 23.500 phòng trọ và ki-ốt.

Được biết, đểlĩnh vực TM-DV phát triển tương xứng với tốc độphát triển của địa phương, huyện đã tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển ngành công nghiệp giải trí huyện Bàu Bàng giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” làm cơ sởkêu gọi đầu tư. Qua đó, từng bước hình thành các chợ, siêu thị ở các khu dân cư tập trung, khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa và hệ thống bán lẻ. Phát triển các loại hình dịch vụ như: Tài chính, giáo dục, thẩm mỹ, văn hóa - nghệ thuật, chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí, du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái…

TIẾN HẠNH - T.HÙNG