Cách cúng ông Công ông Táo như thế nào, cúng ông Táo trước ngày 23 được không, mâm cơm cúng ông Công ông Táo gồm những gì, cúng ông công ông táo ở bếp hay trên bàn thờ…? Mời các bạn cùng tìm hiểu cách cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất, một trong những nghi thức cúng quan trọng nhất vào dịp cuối năm, trong bài viết dưới đây.
Cúng ông Công ông Táo là gì?
Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, ông Công ông Táo là những vị thần cai quản chuyện bếp núc nhà cửa của mỗi gia đình. Đến ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng về trời để báo cáo công việc trong suốt một năm qua với Ngọc Hoàng.
Vì vậy, vào ngày 22 - 23 Tết, các gia đình thường làm lễ cúng thịnh soạn để tiễn ông Công ông Táo về trời với hy vọng các vị thần linh này sẽ báo cáo những việc tốt, “nói giảm, nói tránh” những việc chưa tốt với Ngọc Hoàng.
Năm 2024, ngày ông Công ông Táo rơi vào thứ 6, ngày 2/2/2024 dương lịch.
Cúng ông Táo trước ngày 23 được không?
Thời gian tốt nhất để cúng ông Công ông Táo là vào giờ Ngọ (11h - 13h) ngày 22 và 23 tháng Chạp, khi các thần quy tụ chuẩn vị về trời.
Tuy nhiên, nếu điều kiện không cho phép thì các gia đình có thể cúng ông Công ông Táo vào ngày 22 hoặc trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch để kịp giờ các thần lên thiên đình.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đặt ở đâu?
Nhiều gia đình thường đặt mâm cúng ông Táo ở dưới bếp vì Táo Quân là những vị thần cai quản chuyện nhà cửa, bếp núc. Tuy nhiên, điều này là không đúng bởi các vị Táo Quân đều phải được thờ phụng trên bàn thờ chính trong nhà. Vì vậy, mâm cúng ông Táo cần phải đặt trên bàn thờ chứ không phải ở dưới bếp.
Mâm cơm ông Công ông Táo cần phải chuẩn bị gì?
Một lễ cúng ông Công ông Táo cần có đầy đủ các lễ vật sau:
- Mâm cỗ mặn hoặc cỗ chay tùy từng điều kiện và gia cảnh, mỗi gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo phù hợp.
- Các lễ vật như hoa quả, tiền vàng, trà, trầu cau và cá chép.
- 3 bộ áo mũ Táo quân: 2 bộ có cánh chuồn dành cho 2 Táo ông và 1 bộ không có cánh chuồn dành cho Táo bà kèm theo 3 bộ hia hài.
Gợi ý một mâm lễ cúng ông Táo:
- 1 đĩa hoa quả
- 1 ấm trà sen
- 3 chén rượu
- 1 quả bưởi
- 1 quả cau, lá trầu
- 1 lọ hoa đào nhỏ
- 1 lọ hoa cúc
- 1 đĩa gạo
- 1 đĩa muối
- 5 lạng thịt vai luộc hoặc gà luộc ngậm hoa hồng
- 1 con cá chép sống
- 1 bát canh mọc hoặc canh măng
- 1 đĩa xào thập cẩm
- 1 đĩa giò
- 1 đĩa xôi gấc hoặc bánh chưng
- 1 đĩa chè kho
- 3 bộ áo mũ Táo quân
Sau khi bày lễ, thắp hương, gia chủ sẽ đọc bài cúng ông Công ông Táo.
Rồi chờ khi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa lễ tạ. Sau đó, hóa vàng mã và mang thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chép đưa ông Táo bay về trời.
Thời gian thả cá chép cúng ông Công ông Táo
Theo quan niệm của dân gian, để cá kịp thời gian chạy lên thiên đình cá chép nên được thả trước giờ Ngọ - 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
Cách thả cá chép đúng, tỏ được lòng thành kính và đúng với phong tục tập quán của người dân Việt Nam là chọn địa điểm thả cá chép phóng sinh được cho phép, ao, hồ nước sạch, không gian rộng không ô nhiễm.
Khi mang cá chép đến nơi thả nên đựng cá trong thau hoặc túi bóng. Nếu đựng trong túi bóng chỉ thả cá, không thả cả túi để bảo vệ môi trường.
Lúc thả cá nên đến gần sát mép hồ nhẹ nhàng nghiêng thau, túi để cá từ từ bơi ra dòng nước. Sau khi thả cá nên quan sát xem cá có bơi khi chưa tránh trường hợp cá bị những người khác bắt lại.
Không bắt buộc cúng ông Táo phải dùng cá chép sống. Có thể dùng cá chép giấy, đĩa có in hình con cá, bánh hình con cá để cúng ông công ông Táo.
Nếu cúng ông Táo bằng cá chép sống, bạn cần cẩn thận, không để cá bị chết vì có thể không may mắn.
Theo truyền thống, sau khi cúng ông Công ông Táo xong, các gia đình sẽ tiến hành rút tỉa chân nhang, bao sái lau dọn vệ sinh bàn thờ để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.
Những sai lầm cần tránh khi cúng ông Công ông Táo
Khi cúng, gia chủ cần ăn mặc lịch sự, quần dài, áo đẹp, sáng màu, không hở. và thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực.
Khi cúng ông Công ông Táo phải thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực. Gia chủ chỉ nên cầu xin Táo công bẩm báo điều tốt cho gia đình, tránh các điều không hay, không nên cầu xin phú quý hay no đủ.
- Sau khi cúng xong, nên thả cá chép ở những nơi sạch sẽ, nước trong. Chỉ thả cá không thả cả túi nilon, thả nhẹ nhàng từ từ.
- Ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm nên khi cúng không đốt tiền âm phủ.
- Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo không cần quá cầu kỳ, quan trọng là sự thành tâm kính cẩn khi hành lễ. Việc đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại giấy, xe ôtô giấy... không có lợi ích gì mà chỉ tốn kém tiền và ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống.
Ngoài cách cúng ông Công ông Táo, mời các bạn tham khảo thêm bài "Cách cúng giao thừa đúng nghi thức" để chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa vào đêm 30 Tết sắp tới.