Đơn vị:

Chân vòng kiềng chữa được không? Có trị dứt điểm được không?

Chân vòng kiềng chữa được không? Bởi đây là tình trạng có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể tác động không tốt đến khớp gối, hông, mắt cá chân và bàn chân.

Chân vòng kiềng chữa được không
Chân vòng kiềng chữa được không?

Chân vòng kiềng chữa được không?

Chân vòng kiềng là tình trạng khớp gối của một hoặc cả hai chân lệch ra bên ngoài so với trục chịu lực, làm người bệnh khó đi lại hoặc chạy nhảy, thường đi kèm với tình trạng khớp gối mất vững, đau khớp gối hoặc háng nhưng không do chấn thương…

Tình trạng này có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nếu chân vòng kiềng ảnh hưởng đến khả năng đi lại, gây đau hoặc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về xương khớp khác. (1)

Ở trẻ em, tình trạng vẹo trong thường là do sinh lý, biểu hiện rõ nhất ở độ tuổi từ 12-18 tháng khi trẻ bắt đầu biết đi. Sau đó, tình trạng này sẽ cải thiện thẳng dần và trở nên vẹo ngoài cho đến 3-4 tuổi. Tình trạng vẹo ngoài nhẹ sinh lý như người lớn đạt được khi trẻ ở lứa tuổi 7-8. Sau khoảng thời gian này, nếu tình trạng chân vòng kiềng vẫn còn tồn tại hoặc các diễn biến sinh lý kể trên diễn ra bất thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được can thiệp điều trị.

Phương pháp chữa trị chân vòng kiềng

1. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Chân vòng kiềng ở trẻ sơ sinh và mới biết đi thường không cần điều trị nếu tình trạng không nghiêm trọng. Nếu chân vòng kiềng vẫn tiếp tục sau 2 tuổi, tùy theo nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. (2)

  • Nẹp: Thường được chỉ định cho trẻ mắc chân vòng kiềng do bệnh Blount. Đây là tình trạng phát triển vẹo trong bất thường khớp gối do sự rối loạn phát triển của nửa trong sụn tiếp hợp đầu trên xương cẳng chân. Vì vậy, khi trẻ biết đi, tình trạng chân vòng kiềng ngày càng nặng hơn.
  • Điều chỉnh dinh dưỡng: Phương pháp này được áp dụng cho những trẻ chân vòng kiềng do còi xương. Còi xương do thiếu vitamin D kéo dài, làm cho xương mềm và yếu, dẫn đến chân vòng kiềng. Bác sĩ sẽ chỉ định tăng lượng vitamin D và canxi cho trẻ thông qua thực phẩm và thuốc điều trị bổ sung. Tùy vào mức độ nghiêm trọng, bệnh còi xương dinh dưỡng có thể được điều trị trong vòng 6 tuần đến vài tháng.
  • Phẫu thuật điều hướng tăng trưởng (Guided growth): Bác sĩ sẽ ghép một dụng cụ kim loại nhỏ vào bên phát triển bình thường của sụn tăng trưởng xương cẳng chân, để làm chậm sự phát triển của bên chân này. Nhờ đó, bên bệnh sẽ có thời gian bắt kịp sự phát triển bình thường. Theo thời gian, chân trẻ sẽ cải thiện thẳng dần theo sự phát triển tự nhiên. Sau khi hai chân đã thẳng, bác sĩ sẽ tháo tấm kim loại ra.
  • Chỉnh trục xương chày: Là phẫu thuật cắt và tạo hình lại phần gần xương cẳng chân hay ở vị trí dưới khớp gối, để định hướng xương phát triển theo trục sinh lý. Xương được cố định bằng nẹp và vít bên trong chân, hoặc bằng một khung cố định bên ngoài chân. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp chân vòng kiềng nặng.

2. Ở người lớn

Chân vòng kiềng chữa được không cũng là một câu hỏi thường gặp ở người trưởng thành. Thực tế là bệnh lý chân vòng kiềng ở người trưởng thành có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, xương của người trưởng thành đã hình thành hoàn chỉnh nên phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị tình trạng này.

Phẫu thuật điều trị chân vòng kiềng
Một ca phẫu thuật điều trị chân vòng kiềng ở người trưởng thành tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Một số phương pháp phẫu thuật chân vòng kiềng: (3)

  • Chỉnh trục phần cao xương chày phù hợp với trường hợp chân vòng kiềng đơn giản, biến dạng dưới 12 độ, mật độ xương bình thường… Đây là phẫu thuật này ít xâm lấn, chỉ sử dụng một nẹp vít nhỏ để cố định xương. Người bệnh phục hồi nhanh chóng và gần như không đau.
  • Chỉnh trục phần xa xương đùi và cố định bằng nẹp vít để điều chỉnh lại trục chân. Phẫu thuật này thường được chỉ định cho những trường hợp chân vòng kiềng có độ vẹo trong hơn 12 độ; người bệnh lớn tuổi vì quá trình lành xương có thể nhanh hơn và cho phép chân sớm được chịu lực.
  • Chỉnh trục xương chày bằng đóng đinh nội tủy: Phương pháp này tạo một đường cắt xương và cố định xương gãy bằng một đinh titan đặt trong lòng tuỷ của xương chày. Sau đó dùng vít cố định xương ở vị trí lý tưởng. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với người dị tật chân vòng kiềng nặng.
  • Cố định ngoài dạng vòng: có thể được chỉ định để điều trị nhiều dị tật cùng lúc như cong vẹo từ 10 - 12 độ, không thể duỗi thẳng khớp gối hoặc chênh lệch chiều dài chân… Tình trạng chân sẽ được theo dõi và điều chỉnh dụng cụ định kỳ. Người bệnh có thể đi lại ngay sau phẫu thuật. Sau khi chân đạt được độ thẳng thích hợp, phần cố định bên ngoài sẽ được gỡ bỏ.

Khi nào cần phẫu thuật?

Trẻ bị chân vòng kiềng dễ té ngã
Trẻ bị chân vòng kiềng dễ bị té ngã khi chạy nhảy

Chân vòng kiềng thường không gây đau hoặc ít ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ nên thường chưa cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài khi trẻ hơn 3 tuổi , phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn về các phương pháp điều trị như nẹp, bó bột,… hoặc thậm chí là phẫu thuật. Chân vòng kiềng nặng hoặc chân vòng kiềng do bệnh lý có thể dẫn đến biến dạng chân, khó đi lại, chạy nhảy và trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao hơn khi trưởng thành.

Đối với người lớn, phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp chân vòng kiềng làm thay đổi cấu trúc xương, ảnh hưởng đến cấu trúc đầu gối và khả năng di chuyển. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đầu gối, hông và mắt cá chân; hoặc khó giữ thăng bằng, dễ té ngã.

Bệnh có tái phát sau điều trị?

Tình trạng tái phát sau khi điều trị phụ thuộc vào phương pháp điều trị. Cụ thể, khi điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tăng trưởng sẽ có nguy cơ tái phát. Nguyên nhân là do sau khi lấy dụng cụ cố định ra khỏi cơ thể, tốc độ phát triển của hai chân vẫn lệch nhau, làm tái phát tình trạng chân vòng kiềng.

Cách chăm sóc cho bệnh nhân sau quá trình điều trị

1. Chăm sóc sau khi xuất viện

Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Những thuốc này có thể bao gồm: thuốc giảm đau, giảm phù nề, chống tắc mạch… Cơn đau có thể dữ dội trong 3 - 7 ngày đầu sau phẫu thuật. Người bệnh nên dùng gối để nâng cao chân vừa phẫu thuật nhằm làm giảm sưng tấy.

Trong khi nâng chân lên, có thể chườm túi đá lên vết mổ nhưng cần lưu ý không làm thấm ướt băng gạc. Chườm lạnh có tác dụng co mạch nên giảm sưng, giảm phù nề, giảm đau hiệu quả. Trong giai đoạn này, để máu được lưu thông, tránh nguy cơ tắc mạch, người bệnh nên tập vận động thụ động hoặc tập chủ động nhẹ nhàng khớp gối và khớp cổ chân.

Trong 10 - 14 ngày đầu tiên, người bệnh cần giữ băng vết thương sạch và khô. Thay băng mỗi 2 ngày.

2. Lưu ý vận động

Phẫu thuật không làm giới hạn vận động. Vì vậy, người bệnh có thể đi lại ngay sau phẫu thuật và có thể được chỉ định dùng nạng để tạo sự thoải mái và giữ thăng bằng, nếu cần thiết. Người bệnh thường được khuyến khích thực hiện các bài tập về phạm vi chuyển động, chịu trọng lực… càng sớm càng tốt.

Người bệnh có thể thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, xoa bóp gân cơ giúp máu lưu thông, động tác tập duỗi gối, tập tăng trương lực cơ tứ đầu đùi và tập xoay khớp cổ chân… Nên tập đi, đứng, dồn trọng lượng cơ thể đều lên cả 2 chân, mỗi ngày tập từ 3 - 4 lần, mỗi lần 10 -15 phút.

Thời gian phục hồi

  • Sau 4 tuần, người bệnh có thể tập bơi, đạp xe nhẹ nhàng trong khoảng thời gian ngắn
  • Sau 3 tháng, có thể đi bộ 3 - 4 km/ngày và tập thể dục nhẹ nhàng
  • Sau 6 tháng có thể tập gym và các môn thể dục mạnh
  • Từ 9 - 12 tháng, có thể chơi các môn thể thao đối kháng.

3. Lưu ý dinh dưỡng

Sau phẫu thuật, người bệnh không nên kiêng khem quá mức, cần đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất, protein… để vết thương nhanh phục hồi. Đặc biệt, nên tăng cường thực phẩm giàu canxi như các loại hạt (vừng, đậu nành, đậu phụ, hạt hạnh nhân); phô mai, sữa chua; cá biển; rau dền, rau chân vịt… (4)

Thăm khám định kỳ để theo sát tình trạng và điều chỉnh
Thăm khám định kỳ giúp bác sĩ theo sát tình trạng phục hồi của chân và can thiệp điều chỉnh kịp thời (nếu cần thiết)

Người bệnh cần đảm bảo tái khám định kỳ đúng hẹn để theo dõi tình trạng phục hồi của chân. Đặc biệt, cần đến gặp bác sĩ nếu: Đỏ hoặc sưng ở vết mổ, sốt từ 38 độ C trở lên, chảy dịch hoặc chảy máu tại vị trí vết mổ, cơn đau tăng lên…

Để đặt lịch khám và điều trị với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Vậy, chân vòng kiềng chữa được không? Câu trả lời là có. Tùy theo mức độ cong của chân, độ tuổi, tình trạng sức khỏe của người bệnh… bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau.